Hoạt động của ngành

Tôn tạo quần thể di tích Gò Tháp thành Trung tâm lịch sử - văn hóa ở Đồng Tháp Mười

Cập nhật: 13/07/2009 10:33:46
Số lần đọc: 1972
Đồng Tháp đang triển khai dự án xây dựng công trình Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử và khảo cổ Gò Tháp ( di tích cấp quốc gia) thành Trung tâm lịch sử- văn hóa ở Đồng Tháp Mười với tổng mức đầu tư trên 114 tỷ đồng. Trung tâm nằm trên diện tích 50 ha thuộc địa bàn xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, nhằm phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham quan du lịch; bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Các hạng mục tu bổ gồm có: Chùa Tháp Linh, đền thờ Đốc Binh Kiều, Miếu thờ Bà Chúa Xứ, Miếu thờ Nguyễn Phúc Hồng Nga, riêng đền thờ Thiên Hộ Dương xây mới. Các hạng mục tôn tạo bảo tồn gồm: nhà làm việc Ban quản lý, sân lễ hội và các cơ sở hạ tầng (điện, nước, đường vào di tích, bến thuyền, nhà vệ sinh...).Các hạng mục di tích khảo cổ: tu bổ nền gạch cổ, khai quật Gò Minh Sư, Khu mộ táng, nền tháp cổ phía Tây Chùa Tháp Linh.... Thời gian khởi công và hoàn thành năm 2009-2012.

Cách đây khoảng 1.500 năm, “Gò Tháp” là nơi cư trú của một bộ phận dân tộc có nền văn hóa phát triển, là vùng đất có nhiều quá khứ gắn liền với lịch sử của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. GòTháp, một “ốc đảo xanh” nổi lên giữa vùng đồng ruộng bao la có sức hấp dẫn mạnh mẽ bởi cảnh quan độc đáo cùng nhiều huyền thọai về một nền văn minh cổ với những phế tích đi theo thời gian và chiến tranh. Cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, một bộ phận cư dân người Việt từ đàng ngoài đã vào đây khai hoang lập nghiệp, mở mang bờ cõi trên vùng đất còn hoang hóa với nhiều rừng rậm, sình lầy, muỗi bầy, thú dữ.

Chính vì thế, Gò Tháp không chỉ nổi tiếng về khai hoang lập ấp mà còn nổi tiếng với địa hình hiểm trở, nơi hội tụ của bao anh hùng hào kiệt chống ngọai xâm giữ nước thời kỳ đầu chống Pháp khi Đảng ta chưa ra đời. Đây là đại bản doanh của các vị anh hùng dân tộc như : Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều…Nơi đây còn là căn cứ của Xứ ủy Nam kỳ, của Tỉnh ủy Mỹ Tho và Long-Châu-Sa thời kháng chiến chống thực dân Pháp…và nơi đây vẫn còn in dấu chân họat động cách mạng của các đồng chí lãnh đạo như : Lê Duẩn, Phạm Hùng…thời chống Mỹ. Với bề dày lịch sử truyền thống và văn hóa , Gò Tháp đã được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, hiện đang được xây dựng thành trung tâm văn hóa-lịch sử và du lịch. Hàng năm, Gò Tháp có 2 kỳ lễ hội truyền thống dân gian : lễ hội rằm tháng 3 vía Bà Chúa Xứ và lễ hội rằm tháng 11 tưởng niệm 2 vị anh hùng dân tộc là Thiên hộ-Võ Duy Dương và Đốc binh- Nguyễn Tấn Kiều.

Hầu như chưa bao giờ Gò Tháp bị ngập hoàn toàn mỗi khi mùa nước lên, kể cả những năm mực nước lũ đạt đỉnh cao nhất. Đứng trên Gò Tháp sẽ thấy bốn bề toàn cảnh bao la của vùng Đồng Tháp Mười. Gò Tháp là một quần thể do nhiều gò nhỏ hợp thành với thế đất uốn lượn nhẹ nhàng, đẹp mắt. Trên bề mặt hiện còn tồn tại nhiều khối đá, những mảnh vụn kiến trúc và nhiều mảng tượng gỗ…Năm 1984 các nhà khảo cổ đã thu được nhiều hiện vật có giá trị khoa học và phát hiện những vết tích của một thành phố cổ đã bị vùi sâu trong lòng đất với những di chỉ đặc trưng của nền văn hóa Óc Eo cách đây trên 1.500 năm. Điều đó đã chứng minh rằng nơi đây đã từng tồn tại và phát triển một thành phố thuộc vương quốc Phù Nam vào thế kỷ thứ I-VI sau Công nguyên.

Từ huyện lỵ Tháp Mười, đi theo tỉnh lộ DT 845 hơn 6km, đến xã Mỹ Hòa, tiếp tục rẻ phải để vào xã Tân Kiều đến Gò Tháp . Đây là gò cao nhất. Trên đỉnh gò có gốc cây cổ thụ lớn khoảng 3 người ôm và nhiều gạch đá, dấu tích của những kiến trúc cổ nay đã thành phế tích. Trên sườn gò phía nam hiện còn một hố bom đường kính gần 20 mét, đây là quả bom đã phá hủy một ngôi chùa mang tên Tháp Cổ Tự, tương truyền được xây dựng từ thời vua Thiệu Trị những năm 1841-1847. Đến năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm cho xây một tháp hình lục giác 10 tầng cao 42 mét để làm đài quan sát chống phá cách mạng. Đêm 19 rạng 20/12/1959 đặc công quân giải phóng đã dùng mìn đánh sập ngôi tháp này. Và tên gọi Gò Tháp, Đồng Tháp hay Đồng Tháp Mười bắt nguồn từ lời truyền cho rằng xưa kia nơi đây có ngọn tháp 10 tầng, hoặc đây là một ngôi tháp cổ thứ 10 nếu tính ngược lên Ăng-Co (Campuchia), hay đây là vọng gác thứ 10 của nghĩa quân Thiên Hộ Dương-Đốc Binh Kiều.

Cách Gò Tháp Mười 100 mét về phía bắc là Tháp Cổ Tự, ngôi chùa này trước kia ở Gò Tháp Mười đã được dời sang đây năm 1956 sau khi bị bom đánh sập. Hiện nay ngôi chùa cổ đượm màu hoang phế với những vết tích chiến tranh tàn phá này đã được thay bằng một ngôi chùa mới đẹp và khang trang hơn từ sự đóng góp của người dân. Khu mộ và đền thờ quan lớn : Đốc binh-Nguyễn Tấn Kiều và Thiên hộ-Võ Duy Dương được xây dựng hoàn chỉnh năm 1995 ngay trên nền đồn của nghĩa quân thời chống Pháp cuối thế kỷ XIX.

Khoảng giữa khu di tích là một gò hình tròn, nơi trước đây từng có một ngôi chùa tu theo đạo Minh Sư nên gọi là Gò Minh Sư. Trên gò có miếu thờ Bà Chúa Xứ mang tính chất tín ngưỡng dân gian, tiêu biểu cho lòng hướng thiện, đức nhân từ và cứu nhân độ thế…

Mỗi kỳ lễ hội, Gò Tháp thu hút hàng trăm ngàn lượt khách từ khắp nơi về dự. Các lễ hội được tổ chức trang nghiêm, long trọng theo phong cách cổ truyền dân tộc với nội dung cầu an, thỉnh canh, tế thần nông, cúng Thiên Hộ Dương-Đốc Binh Kiều và vía Bà Chúa Xứ. Chính từ những di tích lịch sử nhuộm màu huyền thọai cùng những kỳ lễ hội mang đậm nét Văn hóa dân tộc mà Gò Tháp ngày càng thu hút, hấp dẫn du khách.

Từ ngày 23/6/2009 đến 23/7/2009 Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp phối hợp Viện Khảo cổ học Vùng Tây Nam Bộ thành phố Hồ Chí Minh tiến hành khai quật di tích khảo cổ Gò Minh Sư thuộc khu di tích Gò Tháp với diện tích 400 mét vuông để thu thập thêm nhiều hiện vật quý hiếm để cung cấp dữ liệu cần thiết, làm sáng tỏa cho những tư liệu khoa học của giai đoạn lịch sử của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và của Nam Bộ nói chung.

Nguồn: website ĐCSVN

Cùng chuyên mục