Hoạt động của ngành

Tiềm năng du lịch hang động Quảng Bình

Cập nhật: 13/07/2009 08:07:08
Số lần đọc: 2075
Bên cạnh những dãy thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo trong những hang động mới được người dân phát hiện tại vùng núi Tú Làn thuộc xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, nơi đây còn rất hấp dẫn bởi núi non hùng vĩ, nguyên sơ và đầy thơ mộng.

Vấn đề đặt ra lúc này là ngành chức năng tỉnh Quảng Bình nên sớm có kế hoạch bảo quản, khai thác các hang động mới này để phát triển du lịch góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế xã hội tại vùng núi phía Tây tỉnh Quảng Bình.

Thiên nhiên hùng vĩ như cuốn hút du khách trong suốt cuộc hành trình đi đến những hang động ở vùng núi Tú Làn thuộc xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tây bắc tỉnh Quảng Bình. Đến được hang động đầu tiên, có tên Hung Ton, một vẻ đẹp huyền bí đang dần hiện ra. Cửa động không rộng lớn nhưng vào trong, hang Hung Ton lại rất sâu rộng, thăm thẳm. Ở hai bên vòm động là hình ảnh tuyệt mỹ của thạch nhũ, với vẻ đẹp kỳ ảo và bí ẩn. Chúng tôi chỉ vào sâu được hơn 450m để khám phá, còn nhiều điều bí ẩn của hang động này, phải cần đến các phương tiện kỹ thuật chuyên nghiệp hơn.

Ông Trần Đình Nhị - cán bộ UBND huyện Minh Hóa, một thành viên trong cuộc hành trình khám phá hang động nói: “Tôi đã đi tham quan động Phong Nha, cả động khô và động nước, so với những hang động mới phát hiện này của vùng Tân Hóa, tôi thấy Tân Hóa hang động có những thạch nhủ bí ẩn hơn. Theo tôi, nếu quy hoạch những hang động mới phát hiện này của Tân Hoá thành điểm du lịch thì sẽ rất thú vị, bởi khách tham quan đến đây sẽ còn được chiêm ngưỡng cả khu rừng nguyên sinh, khe suối, thác”.

Tân Hóa là xã vùng núi rẻo cao của huyện Minh Hóa. Nơi đây người dân sống dựa vào nông nghiệp nên đời sống vẫn còn nhiều khó khăn. Việc phát hiện ra hang động này mở ra một cơ hội hiếm có, nếu biết khai thác và đưa vào hoạt động du lịch sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển.

Ông Cao Văn Dương - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa – huyện Minh Hóa nói: “Sau khi phát hiện hang động tại xã Tân Hóa, chúng tôi mong muốn các nhà chức năng vào cuộc để khám phá, đồng thời khai thác có hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh nhà nói chung và xã Tân Hóa nói riêng”.

Rời hang Hung Ton, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến với những hang động khác. Sau hơn hai giờ đồng hồ, vượt qua nhiều dốc đá, khe suối, băng qua những cánh rừng nguyên sinh, chúng tôi đến Động nước ngầm Vú Làn. Sâu thẳm trong hang động là dòng nước ngầm mát lạnh chảy xuyên qua núi đá vôi, đến trước cửa động, dòng suối tuôn trào, tràn qua các triền đá tạo thành những làn nước trắng xoá. Cũng trong khu vực này, còn có nhiều thác nước lớn nhỏ khác, như thác Ba Gáy, thác Nàng Rưng...

Điểm đến tiếp theo là động khô Tú Làn, hang lớn nhất ở đây. Những hình thù được tạo nên từ thạch nhũ khơi gợi trí tưởng tượng của con người như: chốn thần tiên, như người ngư dân vùng chài lưới, hình tượng các phật ông phật bà... Điều rất đặc biệt ở hang động này, là nhiều rặng thạch nhũ trong suốt như pha lê, khi gõ vào nghe phát ra những âm thanh kỳ bí. Càng vào sâu, hang động Vú Làn càng thông rộng, những hình thù đa dạng và đồ sộ của hệ thống thạch nhũ mang lại ấn tượng mạnh mẽ đối với nhiều người khi ngắm nhìn nó...

Về kế hoạch khảo sát, đánh giá những hang động mới phát hiện ở vùng núi Tân Hóa này, ông Đinh Thanh Sơn – Trưởng Phòng VH&TT huyện Minh Hóa – tỉnh Quảng Bình cho biết: “Chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục tham mưu cho UBND huyện làm công văn gửi cho UBND tỉnh Quảng Bình, Sở VH, TT và DL nhằm sớm có kế hoạch bảo vệ và đề nghị các cơ quan chức năng, các nhà khoa học khảo sát để phát triển tiềm năng du lịch”.

Còn nhiều điều kỳ bí ẩn chứa nơi các hang động mới được phát hiện ở vùng núi Tân Hóa, huyện Minh Hóa đang chờ các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, đánh giá đầy đủ. Từ đó có kế hoạch khai thác, gìn giữ bảo vệ những giá trị mà thiên nhiên đã ban tặng.

Nguồn: VOV

Cùng chuyên mục