Hoạt động của ngành

Thanh Hoá phát triển nghề truyền thống

Cập nhật: 11/02/2009 10:02:39
Số lần đọc: 1990
Bánh răng bừa, nem nướng, kẹo lạc, bánh gai... được xem là những món ăn đặc sản Thọ Xuân. Nguyên liệu tạo thành các sản phẩm trên hầu hết đều từ những sản phẩm nông nghiệp.

Bánh gai được làm từ vừng, gạo nếp, đậu xanh, cùi dừa, mật mía, lá chuối; kẹo lạc là lạc, vừng, đường; nem chua được chế biến từ thịt lợn, thính, lá chuối, lá đinh lăng... Qua thời gian, duy trì và phát triển sản phẩm từ nghề truyền thống đã dần khẳng định thương hiệu như bánh gai Tứ Trụ, bánh răng bừa Xuân Lập, kẹo lạc Xuân Yên, nem nướng thị trấn Thọ Xuân. Nếu ai đó đã từng một, đôi lần thưởng thức những đặc sản trên của Thọ Xuân chắc sẽ khó quên những hương vị đặc trưng không dễ gì nơi nào cũng có được.

 

Vì là nghề truyền thống nên người dân Thọ Xuân rất coi trọng tay nghề và kinh nghiệm sản xuất. Trình độ tay nghề ở các làng nghề thông qua hình thức cha truyền con nối, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau từ người đi trước. Thông thường vào những lúc nông nhàn người dân Thọ Xuân làm thêm nghề phụ để tăng thêm thu nhập. Người dân nơi đây luôn giữ một bí quyết mà người địa phương khác rất khó tiếp cận để học nghề. Bí quyết gia truyền đã làm nên hương vị đặc trưng riêng của các sản phẩm truyền thống ở Thọ Xuân.

 

Do đặc trưng và tính chất riêng của mình mà bánh răng bừa Xuân Lập, kẹo lạc Xuân Yên, bánh gai Tứ Trụ, nem nướng thị trấn Thọ Xuân đã vượt “biên giới” Thanh Hóa “xâm nhập” vào các tỉnh, thành trong cả nước. Vào dịp lễ, tết, nhiều khách đặt mua hàng, người dân nơi đây làm không hết việc. Theo thống kê chưa đầy đủ, các nghề truyền thống đã tạo việc làm cho khoảng 1.000 hộ dân trong huyện. Có một số cơ sở sản xuất được thành lập tạo việc làm cho nhiều lao động như cơ sở sản xuất kẹo lạc Duy Phượng, Nhà hàng nem nướng Vinh Lài... Riêng mô hình tổ dịch vụ của phụ nữ xã Xuân Lập chuyên cung cấp bánh răng bừa cũng đã thu hút khá đông hội viên phụ nữ tham gia... Được biết, hiện nay quy mô sản xuất hầu hết các làng nghề nhỏ, sản xuất mang tính thời vụ nên khó có thể bứt phá, khẳng định và xây dựng thương hiệu trên thị trường.

 

Hiện tại, những làng nghề ở Thọ Xuân đang rất cần có những chủ trương khuyến khích phát triển như hỗ trợ tiếp cận, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo điều kiện vay vốn với lãi suất thấp, giới thiệu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... Trước mắt, để tạo công ăn, việc làm tăng thu nhập cho người lao động, các địa phương cần đẩy mạnh công tác quy hoạch để làng nghề truyền thống phát triển bền vững phù hợp với điều kiện từng địa phương vừa nâng cao thu nhập cho người lao động vừa phát huy được bản sắc văn hóa của địa phương.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục