Hoạt động của ngành

Thanh Hóa: Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch

Cập nhật: 12/02/2009 08:02:30
Số lần đọc: 1956
Những năm gần đây, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh được chú trọng hơn. Nhiều sự kiện, hoạt động lễ hội, hội chợ, liên hoan được tổ chức trong tỉnh cũng như các tỉnh ngoài nhằm quảng bá tiềm năng và thế mạnh du lịch xứ Thanh.

Trên tuyến quốc lộ 1A, từ cửa ngõ của Thanh Hóa tại vùng giáp ranh với 2 tỉnh Nghệ An và Ninh Bình, có các biển quảng cáo du lịch tấm lớn được dựng lên, tạo những ấn tượng khó quên. Dọc đại lộ Lê Lợi (TP Thanh Hóa), phố Quang Trung, là những tấm pano quảng cáo về các khu du lịch trọng điểm, hấp dẫn của xứ Thanh, rồi các bảng chỉ  dẫn đến các điểm du lịch, khu di tích có gắn liền với số km và địa danh... Những việc làm nói trên đã giúp cho hàng vạn du khách lần đầu đến với xứ Thanh có thêm địa chỉ, hẹn ngày đến tham quan miền “Địa linh, nhân kiệt” này một lần nữa, nơi đã sản sinh cho tỉnh Thanh, đất nước biết bao anh hùng và danh nhân văn hóa.

 

Những năm gần đây, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trên địa bàn tỉnh được chú trọng hơn. Nhiều sự kiện, hoạt động lễ hội, hội chợ, liên hoan được tổ chức trong nước cũng như các tỉnh ngoài nhằm quảng bá tiềm năng và thế mạnh du lịch xứ Thanh. Trong  hai năm (2007 và 2008), công tác này được cải tiến theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hơn. Ngành Du lịch tỉnh đã tăng cường các hoạt động quảng bá với nhiều hình thức phong phú, sinh động, đa dạng. Thông tin du lịch đến với du khách bằng nhiều kênh, nhiều nguồn để du khách tham khảo chọn điểm đến cho mình một cách tự tin hơn. Ví như, mỗi khi có những sự kiện lớn như Lễ hội 100 năm du lịch Sầm Sơn; Lễ hội đền Bà Triệu (kỷ niệm 1760 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh); Lễ hội Lam Kinh năm 2008... thì hàng loạt băng zôn, cờ phướn, quảng cáo được treo dọc theo những trục đường lớn của TP Thanh Hóa, các tuyến đường đi đến các điểm tổ chức lễ hội. Bên cạnh việc tuyên truyền quảng bá ngày càng được tăng cường, đổi mới cả về hình thức, nội dung thì việc trưng bày, biên soạn tư liệu, ấn phẩm du lịch tại các hội chợ, lễ hội trong và ngoài tỉnh như:  Hội chợ Thương mại - Công nghiệp hàng năm; Hội chợ  Du lịch Sầm Sơn... đã tạo sức hấp dẫn từ các gian hàng được các chuyên gia và du khách thập phương đánh giá cao. Cách làm này đã giúp cho du khách trong, ngoài nước có thêm thông tin về du lịch xứ Thanh, mang lại những kết quả tích cực, góp phần hoàn thành những kế hoạch phát triển du lịch của ngành trong bối cảnh hội nhập như hiện nay. Năm 2008, lượng khách đến đã tăng 23,2% so với năm 2007,  trong đó khách du lịch quốc tế là 20.000 lượt, tăng 42,9% so với năm 2007. Khách quốc tế chủ yếu là các nước và vùng lãnh thổ Châu Á như: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Ấn Độ (đông nhất là khách Trung Quốc), các nước Châu Âu như Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh, Pháp, các nước thuộc khu vực khác như Mỹ, Australia,  New Zealand, Canada.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh còn nhiều hạn chế và gặp không ít khó khăn. Ông Doãn Văn Phú, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết,  để đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch có rất nhiều việc phải làm, song khó khăn cơ bản nhất là vấn đề kinh phí. Kinh phí cho quảng bá du lịch hiện nay của tỉnh còn hạn chế. Mặt khác, vấn đề tuyên truyền xúc tiến du lịch – một sản phẩm mang giá trị tinh thần không đơn giản và dễ dàng như một sản phẩm vật chất cụ thể, nó đòi hỏi phải có công nghệ, kỹ năng và tính chuyên nghiệp trong công tác quảng bá. Mặc dù điều kiện về thiết bị, phương tiện còn khó khăn, nhưng trong những năm qua, ngành vẫn nỗ lực hoàn thiện việc nâng cấp trang thông tin điện tử du lịch với nội dung phong phú, đa dạng, bảo đảm cung cấp, cập nhật thường xuyên các thông tin về du lịch xứ Thanh. Các địa phương cũng đã chủ động hơn trong thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, bằng cách xây dựng được chương trình xúc tiến du lịch, xây dựng những trang Web về du lịch và đặt đường dây liên kết tới các trang web lớn của một số trung tâm, ngành du lịch trong cả nước. Ngành cũng đã tổ chức thành công cuộc thi sáng tạo biểu tượng (logo) và tiêu đề du lịch xứ Thanh; in hàng vạn tờ rơi, bản đồ du lịch... Để có thêm nhiều hình thức chuyển tải thông tin đến với du khách, ngành gắn kết chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn, như Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền hình Việt Nam... quảng bá, truyền tải, phổ cập nhiều thông tin đến với quảng đại quần chúng, đến với những người yêu thích du lịch,  làm cho những ai từng đến và chưa một lần đến với xứ Thanh đều có chung những dấu ấn tốt đẹp về một vùng đất ken dày di tích lịch sử và danh thắng qua các chuyên mục giới thiệu các di tích, danh thắng: Đền thờ Bà Triệu (xã Triệu Lộc, Hậu Lộc); Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân); Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc); Khu Du lịch sinh thái biển Sầm Sơn, Hải Hòa (Tĩnh Gia); Vườn  Quốc gia Bến En (Như Thanh); Suối cá thần (Cẩm Thủy); Khu Du lịch Hàm Rồng... Đây là bước đổi mới trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu được tiềm năng du lịch xứ Thanh đến với khán giả và du khách thập phương trong cả nước và quốc tế. Tuy nhiên, một vấn đề rất đáng quan tâm đó là đội ngũ cán bộ, nhân viên tiếp thị và hướng dẫn viên du lịch vẫn trong tình trạng bất cập nhiều mặt, yếu, mỏng, trình độ không đồng đều. Đây là một hạn chế không nhỏ cho việc giao tiếp, quảng bá, hướng dẫn du khách, nhất là khách quốc tế.

 

Quảng bá, xúc tiến du lịch không chỉ bằng các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan, bằng các ấn phẩm... mà còn thông qua những du khách đặc biệt là khách quốc tế. Họ chính là những kênh thông tin quan trọng, phản ánh thực tế tốt nhất và tuyên truyền trực tiếp nhất. Vì vậy, đội ngũ những người phục vụ du lịch của tỉnh như hướng dẫn viên, lái xe, những người trực tiếp tiếp xúc với du khách cần nhận thức tốt vai trò quan trọng của mình trong quảng bá giới thiệu hình ảnh quê hương, đất nước, con người xứ Thanh.

 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì chúng ta phải có những giải pháp toàn diện, nếu chỉ hạn chế trong lĩnh vực du lịch và do ngành du lịch tiến hành thì khó mà có hiệu quả. Nên chăng, các cấp, các ngành, từ  hướng dẫn viên du lịch đến mỗi người dân cần phải nhận thức được điều này để cùng tham gia vào phát triển du lịch từ mỗi hành động, mỗi lời nói và mỗi việc làm với du khách trong việc tuyên truyền vẻ đẹp du lịch xứ Thanh...

Nguồn: Báo Thanh Hoá

Cùng chuyên mục