Hoạt động của ngành

Ninh Bình: Du lịch cộng đồng ở Gia Vân

Cập nhật: 12/02/2009 09:02:09
Số lần đọc: 1917
Xã Gia Vân (Gia Viễn - Ninh Bình) là một trong những xã có lợi thế trong huyện bởi thiên nhiên ban tặng cho khu du lịch sinh thái đất ngập nước đa dạng, phong phú, từ đó xã đã nhanh chóng phát huy và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp thì ý thức phát triển về một ngành công nghiệp không khói đang là tâm điểm của nhân dân trong vùng. Đến Gia Vân dễ dàng nhận thấy cách làm du lịch mang tính chuyên nghiệp, từ chủ trương phát triển du lịch mà nghị quyết đại hội đảng bộ xã chú trọng, sự quan tâm của các đồng chí cán bộ, đảng viên, của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đến các tầng lớp nhân dân, những người trực tiếp tham gia các hoạt động du lịch như chở đò, bán hàng lưu niệm, đội an ninh trật tự, nhân viên trạm quản lý du lịch...

 

Toàn xã có trên 500 người trực tiếp làm du lịch, với mức thu nhập trung bình 700.000 đồng/người/tháng. Có 317 đò, 15 gian hàng lưu niệm, 12 xe bò du lịch của các hộ gia đình, cho thu nhập khoảng 1 triệu đồng/hộ/tháng. Thôn Tập Ninh là một trong 7 thôn của xã có số lao động tham gia làm du lịch nhiều, khoảng 350 người, nên đời sống của nhân dân trong thôn cũng khá hơn hẳn. Hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm 9,4% trong tổng số 1.470 hộ, trong đó thôn Tập Ninh tỷ lệ hộ nghèo chỉ chiếm 2,6%.

 

Để du lịch gắn bó, thu hút người dân tham gia, xã cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ, công bố công khai, dân chủ, công bằng trên hệ thống đài truyền thanh 3 cấp, trong các cuộc họp dân, trong việc xây dựng các kế hoạch, chỉ tiêu bình xét thi đua của các thôn, xóm...

 

Đối với những hộ dân bị thu hồi từ 50% diện tích đất phục vụ cho khu du lịch, xã ưu tiên cho một số đò chở khách. Để nâng cao trình độ, khả năng cho lao động làm du lịch, xã cũng tích cực phối hợp với Dự án hỗ trợ của Hà Lan, Quỹ môi trường toàn cầu, Sở Du lịch mở 8 lớp bồi dưỡng, cung cấp, trang bị những kiến thức cơ bản về du lịch cho hàng trăm người dân.

 

Sau khi được tuyên truyền, bồi dưỡng ở các lớp tập huấn, người lao động nông nghiệp làm du lịch đã nâng cao được khả năng hướng dẫn, thuyết minh tại chỗ cho khách; phong cách, thái độ đón tiếp khách niềm nở, lịch sự, văn minh. Những hiện tượng như xin tiền bo, chèn ép khách mua hàng, chụp ảnh, tranh khách, chở đò không đúng quy định được hạn chế đến mức thấp nhất.

 

Ở mỗi tuyến, mỗi đoàn khách du lịch, trạm du lịch Vân Long đều cử một nhân viên đi kèm, vừa hướng dẫn cho khách tham quan, vừa có thể xử lý những tình huống bất trắc xảy ra, đồng thời giám sát các hoạt động chở đò, theo dõi để kịp thời nhắc nhở thái độ phục vụ chưa tốt với khách. Sự nghiêm túc này đã từng bước khẳng định được chất lượng, tạo thương hiệu của Khu Du lịch Vân Long, gây được ấn tượng với du khách về văn hoá ứng xử văn minh, lịch sự, hướng dẫn, đưa đón du khách chu đáo, niềm nở. Đây chính là điều để du khách nhớ và tiếp tục trở lại với Vân Long.

 

Hàng năm Vân Long duy trì đều đặn được số lượng khách đến, trung bình khoảng 51 - 52 nghìn lượt, chủ yếu là khách quốc tế.

 

Ngoài những lực lượng trực tiếp tham gia làm du lịch, người dân cũng được tuyên truyền, đả thông tư tưởng nên đã nâng cao được ý thức trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái chung. Các thôn, xóm thường xuyên tiến hành làm vệ sinh môi trường, không xả rác ảnh hưởng đến cảnh quan. Người dân cũng được khuyến cáo về việc không nên làm như săn bắt, khai thác, tàn phá nguồn tài nguyên của Khu Du lịch sinh thái Vân Long.

 

Với cách làm bài bản, khoa học và ý thức tốt của người dân, Vân Long đang được đánh giá và ghi nhận là khu du lịch cộng đồng hiệu quả, văn minh.

Nguồn: Báo Ninh Bình

Cùng chuyên mục