Hoạt động của ngành

Xây dựng thương hiệu du lịch Hội An

Cập nhật: 09/02/2009 15:02:41
Số lần đọc: 1971
Không phải ngẫu nhiên mà thành phố Hội An trong những năm qua liên tục được lựa chọn để tổ chức những sự kiện chính trị, văn hóa lớn mang tầm khu vực, quốc gia như Hội nghị các quan chức cấp cao APEC lần thứ 3 (SOM III), Phiên họp nhóm công tác du lịch APEC (TWG) lần thứ 29 trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng du lịch APEC lần thứ 4,...

đón chào các Hoa hậu Hoàn vũ giao lưu tại Hội An, Lễ hội Việt - Nhật kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, Vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam 2008,… Hội An đã có những cách rất riêng để khẳng định vị thế, tạo thương hiệu là thành phố của những sự kiện văn hóa - chính trị lớn.

 

Luôn luôn mới

 

Luôn luôn làm mới mình là cách để Hội An luôn trở nên hấp dẫn với du khách. Làm mới không có nghĩa là nhạt nhòa, là đánh mất bản sắc riêng của mình. Trước mỗi sự kiện văn hóa - chính trị lớn, Hội An luôn tập trung mọi nguồn lực để chuẩn bị tốt nhất, tìm kiếm những kịch bản đón tiếp, chiêu đãi khách hoàn hảo nhất để không bao giờ lặp lại mình. Những sản phẩm du lịch mới, độc đáo luôn được Hội An “tung ra” đúng thời điểm để tránh sự nhàm chán, cũ kỹ. Cách đây vài năm, với chương trình “Cảm xúc mùa hè”, Hội An thu hút được khá đông khách du lịch trong và ngoài nước đến vào những tháng thấp điểm. Với lợi thế có biển Cửa Đại đẹp, sạch, Cù Lao Chàm hoang sơ, cùng nhiều khu du lịch sinh thái hấp dẫn, Hội An đã xây dựng chương trình “Cảm xúc mùa hè” với những tour du lịch tham quan phố cổ, kết hợp nghỉ dưỡng, tham gia các hoạt động thể thao ở biển. Trên cơ sở tài nguyên nhân văn và tự nhiên, tháng du lịch "Cảm xúc mùa hè" được quảng bá với một nét riêng hướng tới phát triển và giới thiệu với du khách các sản phẩm đặc thù, bao gồm các tour khám phá biển - Cù Lao Chàm, phố đêm Hội An, phố cổ không có tiếng xe máy, các làng nghề... như các sản phẩm chiến lược và chất lượng. Chính quyền Hội An xác định chương trình nhằm quảng bá du lịch chứ không phải lễ hội như các chương trình khác và nhằm vào việc thu hút ngày càng đông khách nội địa đến với các di sản văn hóa Quảng Nam với chất lượng cao hơn, khắc phục tính mùa vụ của khách quốc tế. Chính vì vậy, trong những tháng tổ chức chương trình “Cảm xúc mùa hè”, dù ở giai đoạn thấp điểm du lịch, nhưng hầu hết các phòng khách sạn của Hội An cũng gần kín chỗ, tăng gần 30% so với cùng thời điểm vào những năm chưa tổ chức chương trình. Tiếp đấy, chương trình “phố đêm Hội An”, “phố không động cơ” trình làng, giới thiệu một Hội An về đêm với những vẻ đẹp lung linh huyền ảo của những năm đầu thế kỷ XX. Ấn tượng và thành công nhất đến thời điểm này có lẽ là chương trình tái hiện Đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX, vẫn được người dân ở đây gọi là “Đêm phố cổ”. Đến nay người dân Hội An đã tổ chức hơn 120 đêm phố cổ định kỳ vào các tối 14 âm lịch hằng tháng, và các đêm phố cổ đột xuất để phục vụ các sự kiện văn hóa hoặc hội nghị quốc tế diễn ra tại đây. Ước tính đã thu hút khoảng hơn 500 nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến Hội An tham quan và tham gia các hoạt động trong những "Đêm phố cổ".

 

Khi tổ chức những sự kiện văn hóa - chính trị lớn như SOM III, TWG lần thứ 29, Hoa hậu hoàn vũ, năm du lịch quốc gia tại Quảng Nam,... Hội An luôn có những “yếu tố bất ngờ” trong kịch bản để đãi khách. Như tại SOM III, chương trình biểu diễn thời trang “Sắc màu Hội An” diễn ra trên những trục đường phố cổ với dàn diễn viên, người mẫu “không chuyên”, vốn là những cư dân Hội An, biểu diễn hồn nhiên, chân chất, đã khiến không ít nguyên thủ quốc gia, các vị quan chức cao cấp hết lời khen ngợi.

 

“Bao giờ cũng vậy, Hội An luôn có những bất ngờ nho nhỏ để du khách không bao giờ nhàm chán, dù đã đến Hội An 1-2 lần, hay nhiều hơn nữa, du khách vẫn luôn thấy mình hồi hộp, háo hức như chàng trai trẻ gặp cô gái mình thương”, anh Ja Son - một doanh nhân người Singapore- đang kinh doanh tại Hội An - hóm hỉnh nhận xét.

 

Thành phố của những sự kiện văn hóa

 

“Người dân và chính quyền Hội An ý thức rất rõ những ưu điểm giúp Hội An được lựa chọn để tổ chức sự kiện văn hoá lớn”, ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP. Hội An - tự hào khẳng định như thế trong một cuộc họp báo trước ngày tổ chức sự kiện Hoa Hậu Việt Nam 2008. Theo ông, ngoài yếu tố là một di sản văn hóa, Hội An có lợi thế là có kinh nghiệm tổ chức nhiều sự kiện lớn trong thời gian qua. Đây cũng là cơ hội để Hội An chứng tỏ sự chuyên nghiệp trong cung cách phục vụ du lịch, khả năng tổ chức những sự kiện lớn, đồng thời cũng là dịp để quảng bá hình ảnh Hội An đến với du khách và bạn bè quốc tế

 

Thân thiện, Nồng hậu, Chuyên nghiệp nhưng không khô cứng là những gì mà người dân Hội An đã chứng tỏ trong những sự kiện lớn, nhỏ được tổ chức tại đây. Người dân và chính quyền Hội An đã cho thấy hình ảnh một vị chủ nhà chuyên nghiệp. Ông Lê Văn Giảng cho biết: Chính quyền và người dân Hội An ý thức rất rõ việc tổ chức những sự kiện văn hóa lớn như thế này là cơ hội để phát huy tốt những tiềm năng mà Hội An đang có, là cơ hội để quảng bá, kêu gọi đầu tư vào Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung. Theo ông Giảng, điều khiến Hội An thành công với những sự kiện lớn trong thời gian qua chính là biết biến những sự kiện này thành những hoạt động mang tính cộng đồng, huy động người dân, chính quyền và doanh nghiệp cùng tham gia. Hầu như trong tất cả những hoạt động, doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng, lữ hành đều hưởng ứng với chính quyền thông qua các hình thức như đóng góp kinh phí, tài trợ phòng, giảm giá, đưa ra nhiều chương trình ưu đãi cho du khách, thực hiện nếp văn minh trong kinh doanh, ứng xử, không ép giá, nâng giá. Người dân thì nhiệt tình tham gia các chương trình biểu diễn cần huy động diễn viên quần chúng, giữ gìn vệ sinh môi trường, thân thiện với du khách,... Không chỉ xây dựng hình ảnh một Hội An nồng nàn, hiếu khách, chính quyền và người dân ở đây còn có nhiều ý tưởng rất độc đáo để biến phố cổ thành thành phố sinh thái, văn hóa, môi trường, xanh, sạch, đẹp. Dự án quy hoạch, sắp xếp và trồng cây xanh trên địa bàn thành phố và ven biển giai đoạn từ nay đến 2012 đã được chính quyền phê duyệt và triển khai. Theo đó, mỗi năm thành phố sẽ chi 5 tỷ đồng cho việc trồng 10.000 cây xanh, hoa và thực hiện chăm sóc. Đầu tháng 9-2008, Hội An đã phát động trồng cây xanh đến từng cơ quan, doanh nghiệp, trường học, hộ dân, đưa cây xanh vào tiêu chí bình xét cơ quan, gia đình văn hóa. Hai năm trước, Hội An cũng đã phát động cuộc vận động xây dựng cửa hàng cửa hiệu đạt chuẩn văn minh với mong muốn xây dựng Hội An trở thành thành phố “sinh thái, văn hóa, du lịch", đồng thời cũng đã có những quy hoạch, sắp xếp, chấn chỉnh lại những hoạt động kinh doanh, vui chơi, giải trí trong khu vực phố cổ cho phù hợp.

 

Còn theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc tổ chức những sự kiện văn hóa lớn như thế mang lại rất nhiều thuận lợi cho Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng. Đây là cơ hội để tiếp tục quảng bá tiềm năng du lịch Quảng Nam, giới thiệu vẻ đẹp của Quảng Nam, nâng tầm thương hiệu ngành du lịch tỉnh.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục