Hoạt động của ngành

Tiền Giang: Háo hức chờ khai mạc Festival trái cây

Cập nhật: 15/04/2010 08:36:06
Số lần đọc: 3363
Chỉ còn chưa đầy một tuần lễ nữa Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất sẽ chính thức khai mạc tại thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang). Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Tiền Giang kiêm Phó trưởng Ban Tổ chức Festival trái cây, cho biết đã thực hiện cơ bản khối lượng công việc chuẩn bị cho ngày hội cây trái lớn nhất từ trước đến nay.
Những ngày này du khách đến thành phố Mỹ Tho đã thấy không khí chuẩn bị cho Festival thật nhộn nhịp. Từ vòng xoay Trung Lương, cửa ngõ dẫn vào nội ô thành phố Mỹ Tho đã thấy rực rỡ sắc màu của ngày hội cây trái. Trên đường Hùng Vương, con đường lớn và đẹp nhất Mỹ Tho, nơi diễn ra các hoạt động chính của Festival, không khí làm việc tất bật ngày đêm. Những dãy nhà bạt dành cho các gian hàng trưng bày, giới thiệu quảng bá các loại cây trái của Việt Nam đang dần hình thành. Trong khu vực này, sẽ có 200 gian hàng triển lãm các thành tựu của nhà vườn và ngành nông nghiệp các tỉnh thành, hơn 220 gian hàng khác được sử dụng để làm nhịp cầu kết nối, giao thương cây trái giữa nhà vườn các vùng miền, nhà vườn và doanh nghiệp, nhà khoa học…
Một con rồng được thiết kế và vẽ bằng nghệ thuật graffiti dài hàng trăm mét do công ty CAT Event thực hiện đã hiện lên sừng sững trên một khúc đường. Theo Ban tổ chức, đây sẽ là một trong ba kỷ lục Việt Nam sẽ được thiết lập trong Festival lần này (bao gồm rồng vẽ bằng nghệ thuật graffiti dài nhất Việt Nam, Tứ linh 1000 năm thương nhớ đất Thăng Long và bản đồ Việt Nam được kết bằng cây trái lớn nhất từ trước đến nay).
Ông Lê Văn Minh, người dân phường 4, thành phố Mỹ Tho, hồ hởi: “Mấy hôm nay khi ban tổ chức giới hạn giao thông trên đường Hùng Vương để lắp đặt các hạng mục dành cho Festival, lúc đầu người dân có phần hơi khó chịu vì thường bị kẹt xe vào những giờ cao điểm. Nhưng khi nhiều hạng mục đã nên vóc nên hình, lại nghe thông tin từ đài, báo biết rõ việc Tiền Giang vinh dự được Chính phủ giao đăng cai tổ chức Festival trái cây lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay để tôn vinh những người nông dân một nắng hai sương, nhiều người dân thành phố đã tỏ ra hoan hỉ, thông cảm với ban tổ chức và nóng lòng chờ đợi ngày khai mạc lễ hội trái cây”. Không chỉ người dân Tiền Giang mà người dân các tỉnh khác cũng nóng lòng chờ Festival. Ông Phạm Văn Lắm, một “kiện tướng” trồng quýt hồng ở Lai Vung (Đồng Tháp), cho biết: Hàng chục năm gắn bó với trái cây nhưng đây là lần đầu tiên được thấy Festival dành cho trái cây và tôn vinh nông dân làm vườn. Nói thật tụi tui thấy “sướng” lắm, bởi công sức mình bỏ ra đã được ghi nhận đúng mức. Nhà vườn đang nóng lòng chờ ngày khai hội Festival và kỳ vọng ở lễ hội này sẽ tạo hướng đi mới triển vọng cho trái cây. Đặc biệt là kết nối chặt chẽ “4 nhà” và giải quyết đầu ra ổn định cho trái cây.

Ngoài các chương trình trưng bày, triển lãm, giao thương cây trái, tôn vinh những người làm vườn… Ban tổ chức Festival còn cho biết, trong suốt thời gian diễn ra lễ hội chính còn có 10 hội thi và 11 chương trình lễ hội hoành tráng được tổ chức song song. Đáng chú ý nhất là các hội thi trái cây ngon và an toàn do Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam tổ chức, hội thi nghệ thuật tạo hình bằng trái cây, hội thi thôn nữ duyên dáng miệt vườn… Trong các lễ hội phục vụ du khách gần xa, đặc sắc nhất là lễ hội tái hiện chợ nổi Cái Bè, một trong sáu chợ nổi buôn bán nông sản lớn nhất khu vực ĐBSCL (bao gồm Cái Bè, Trà Ôn, Phong Điền, Cái Răng, Phụng Hiệp và Cà Mau), chương trình bán trái cây tươi với mức giá đặc biệt trong suốt thời gian diễn ra Festival nhằm quảng bá chất lượng tuyệt hảo của trái cây Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đến các du khách trong nước và quốc tế…

Tuy nhiên, điểm đặc biệt thu hút sự chú ý của mọi người trong Festival trái cây lần này là ba cuộc hội thảo rất quan trọng đối với sự phát triển của nghề trồng cây ăn trái Việt Nam trong tương lai. Đó là các hội thảo “Trái cây Việt Nam-  Cơ hội và thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế”; hội thảo “Liên kết bốn nhà, giải pháp cơ bản để nâng cao giá trị trái cây Việt Nam”; và hội thảo “Vườn cây ăn trái gắn với phát triển du lịch sinh thái miệt vườn”. Ban tổ chức  Festival kỳ vọng, những hội thảo trên sẽ giúp các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà vườn và doanh nghiệp xích lại gần nhau hơn để tìm ra những giải pháp tối ưu đưa cây trái Việt Nam tìm lại giá trị đích thực trên thương trường. Song song đó, xây dựng thương hiệu vững chắc để chiếm lại thị phần, chấm dứt cảnh “được mùa, rớt giá, tự thua trên sân nhà”.

 

Nguồn: Website Tiền Giang

Cùng chuyên mục