Hoạt động của ngành

Nam Hòa (Thái Nguyên) khôi phục hát Soọng Cô

Cập nhật: 14/04/2010 10:04:52
Số lần đọc: 3491
Nam Hòa là xã trung du miền núi của huyện Đồng Hỷ, nơi có 66% dân cư là người dân tộc Sán Dìu sinh sống. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhiều nét văn hoá đặc trưng truyền thống, trong đó có hát Soọng Cô đang dần bị mai một. Người Sán Dìu đã và đang khôi phục nhằm bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

"Soọng Cô" phát âm theo tiếng Sán Dìu nghĩa là hát giao duyên, đã có từ rất lâu đời, là một thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam nữ gần giống với điệu hát Then, hát Lượn của dân tộc Tày, hát Sli của dân tộc Nùng, được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, do chính những người nông dân thật thà, chất phác sáng tạo nên, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác chủ yếu bằng miệng hoặc được ghi chép lại bằng chữ Hán cổ. Soọng Cô bao gồm các hình thức hát ru, hát đối đáp, hát trao duyên, hát chào hỏi, hát mời khách, hát tiễn khách... Theo những người cao tuổi kể lại: những năm 80 trở về trước, trong lúc nông nhàn, nam nữ từ làng này thường sang làng khác tìm bạn hát. Họ say mê hát, hát thâu đêm tại gia đình, bên bếp lửa hồng ấm cúng. Trong lao động sản xuất, họ cũng cất lên lời ca, tiếng hát để thử sức - thi tài, để làm quen, kết bạn, để quên đi những nỗi mệt nhọc trong công việc. Ở các đám cưới, trai gái khắp các bản làng lại tìm đến với nhau qua những câu hát và biết bao đôi lứa đã nên duyên vợ chồng. Tất cả những điều đó đã tạo nên  những nét đặc sắc trong hát Soọng Cô.

 

Ông Lý Minh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để khôi phục hát Soọng Cô, xã cũng  đang có Đề án "Khôi phục, duy trì bản sắc văn hóa  dân tộc Sán Dìu", trong đó có hát Soọng Cô. Theo đó, xã sẽ tổ chức hai lớp học hát cho đội ngũ tuyên truyền nòng cốt do chính các cụ là người Sán Dìu truyền dạy. Đồng thời, xã cũng sẽ sưu tầm, ghi chép các bài hát; tổ chức các buổi tuyên truyền, giao lưu văn hóa, văn nghệ để giới thiệu sâu rộng về bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên người Sán Dìu để họ hiểu, trân trọng và có ý thức giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống đó; tổ chức học hát cho các em học sinh trong các buổi sinh hoạt hè, tiến tới thành lập CLB văn nghệ của xã, làm cho phong trào hát Soọng Cô trở thành một hoạt động thường xuyên, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá, tinh thần của nhân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nguồn: Báo Thái Nguyên

Cùng chuyên mục