Hoạt động của ngành

Quảng Trị phát huy tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn

Cập nhật: 15/11/2011 14:02:15
Số lần đọc: 2408
Quảng Trị có tiềm năng lớn để phát triển du lịch mà không phải địa phương nào cũng có được. Tuy nhiên trong thời gian qua, phát triển du lịch ở đây còn chưa vững chắc và còn hạn chế. Tiềm năng du lịch khá đa dạng nhưng thiếu vốn đầu tư và các điều kiện khác nên mức độ khai thác còn thấp, hiệu quả chưa cao. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XV xác định du lịch là một ngành quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương này.
So với các địa phương khác, Quảng Trị có tiềm năng và thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên mà không phải địa phương nào cũng có được. Quảng Trị có vị trí đặc biệt, nằm ở trung độ của cả nước, có tuyến Quốc lộ 1A giao nhau với Quốc lộ 9, là tỉnh đầu cầu của tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây về phía Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, nối liền Việt Nam-Lào và các nước trong khu vực. Đây là điều kiện thuận lợi để Quảng Trị tận dụng lợi thế phát triển thương mại, dịch vụ du lịch.

Cùng với đó, Quảng Trị có hệ thống di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, đồ sộ và độc đáo gồm 441 di tích, trong đó có các di tích đặc biệt quan trọng như: Đường mòn Hồ Chí Minh, Đường 9 - Khe Sanh, đôi bờ Hiền Lương, địa đạo Vĩnh Mốc, nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia, nhà tù Lao Bảo, đảo Cồn Cỏ, thành cổ Quảng Trị, khu lưu niệm nhà cố Tổng bí thư Lê Duẩn… Khu du lịch di tích lịch sử cách mạng gắn đường mòn Hồ Chí Minh được chọn là một trong hơn 20 khu du lịch trọng điểm của cả nước.

Quảng Trị cũng có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái với 75km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp như: Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy và đảo Cồn Cỏ; có nhiều cánh rừng nguyên sinh với nhiều động, thực vật quý hiếm như: Rú Lịnh, Trằm Trà Lộc, Khe Gió,...; có nhiều hang động, suối nước nóng và thác nước ở Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa.

Quảng Trị có nền văn hóa đặc trưng mang bản sắc văn hóa miền Trung và văn hóa các dân tộc Pa Cô, Vân Kiều. Trong những năm qua, tại Quảng Trị đã có nhiều lễ hội cách mạng và dân gian độc đáo và đặc sắc được tổ chức như: Lễ hội Thống nhất Non sông, Lễ hội Tri ân Tháng Bảy, Lễ hội “Nhịp cầu Xuyên Á”; Lễ hội dân tộc ít người và tôn giáo như: ArieuPing, Kiệu La Vang… thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.

Trong những năm qua, ngành Du lịch Quảng Trị đã có bước phát triển. Công tác định hướng, quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, quy hoạch nhánh đã được quan tâm xây dựng làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển du lịch đúng hướng và bền vững lâu dài. Tại tỉnh Quảng Trị đã hình thành nhiều loại hình du lịch như: Du lịch hoài niệm hồi tưởng; Du lịch đường bộ qua hành lang kinh tế Đông-Tây; Du lịch sinh thái biển đảo; Du lịch lễ hội văn hóa, tâm linh… Đặc biệt là loại hình du lịch tham quan di tích lịch sử chiến tranh thu hút được nhiều du khách, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và có đóng góp bước đầu cho nguồn thu ngân sách.

Tỉnh Quảng Trị cũng đã có nhiều đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; cơ sở hạ tầng, đã góp phần hình thành một mạng lưới thuận lợi cho ngành du lịch phát triển. Các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được chú trọng đầu tư, trùng tu và tôn tạo, tạo nên một số điểm du lịch hấp dẫn thu hút khách du lịch. Nhờ vậy, ngành Du lịch Quảng Trị đã phát triển với tốc độ khá cao với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2001-2005 là 25%. Giai đoạn 2006-2010 là 20%. Doanh thu du lịch giai đoạn 2001-2005 là 24%, giai đoạn 2006-2010 là 28%.

Mặc dù ngành du lịch đã có sự tăng trưởng, nhưng hiện vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Phát triển du lịch tuy đã có định hướng, nhưng chưa tập trung nguồn lực vào các trọng tâm, trọng điểm. Chỉ số tăng trưởng du lịch khá cao, nhưng còn chưa ổn định và thiếu vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Hoạt động du lịch còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu đồng bộ, sức cạnh tranh còn thấp. Việc tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử còn chậm, chưa ngang tầm với ý nghĩa của các di tích. Các khu du lịch, điểm vui chơi giải trí, cơ sở văn hóa thể thao, các cơ sở sản xuất và bán hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du khách còn nghèo nàn. Phương tiện vận chuyển hành khách, hệ thống nhà hàng, khách sạn chất lượng phục vụ chưa đáp ứng được nhu cầu các đối tượng khách du lịch,.... Bên cạnh đó, bộ máy làm công tác thông tin xúc tiến du lịch chậm được hình thành; chưa có chiến lược tuyên truyền thông tin quảng bá, xúc tiến thị trường; hoạt động lữ hành chưa chuyên nghiệp, chưa chủ động thị trường, thị phần khách ổn định, chưa đủ sức cạnh tranh với các hãng lữ hành lớn, thiếu chủ động tổ chức được các tour du lịch trọn gói có chất lượng cao.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XV và chương trình hành động của UBND tỉnh Quảng Trị, xác định du lịch là một ngành quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Quảng Trị đã xây dựng Chiến lược phát triển Du lịch đến năm 2020, với phát triển du lịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội; vì lợi ích của nhân dân và các mục tiêu phát triển con người; gắn với việc giảm nghèo và chuyển đổi kinh tế. Việc phát triển du lịch, phải thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, giữ gìn văn hóa bản sắc dân tộc, tiếp thu có chọn lọc văn minh của thế giới.

Trong giai đoạn này, Quảng Trị sẽ phát huy mạnh các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của địa phương, kết hợp việc hoàn thiện các sản phẩm du lịch với phát triển cơ sở vật chất kỷ thuật ngành Du lịch, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng trước năm 2015, tạo sự đột phá sau năm 2015. Tỉnh sẽ tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng khu dịch vụ-du lịch Cửa Việt-Cửa Tùng-Cồn Cỏ; tôn tạo, bảo tồn và khai thác tốt giá trị các di tích lịch sử, khu bảo tồn thiên nhiên, các di sản văn hóa phi vật thể; đẩy mạnh quảng bá, thu hút đầu tư, liên doanh, liên kết. Xây dựng một số sản phẩm đặc trưng để phát triển thành thương hiệu mạnh, phục vụ khách du lịch.

Đến năm 2015 tỉnh Quảng Trị phấn đấu cơ bản hoàn thiện hạ tầng cơ sở du lịch, có từ 9-10 khách sạn, resort 3-5 sao. Đến năm 2020, hạ tầng cơ sở du lịch hoàn thiện theo hướng hiện đại, có khoảng 15-20 khách sạn, resort 3-5 sao, có 5-6 khu du lịch có quy mô và chất lượng tốt, đạt từ 2.300-3.000 phòng và 5.000-5.500 giường lưu trú đạt tiêu chuẩn. Tỉnh Quảng Trị phấn đấu đạt doanh thu xã hội về du lịch năm 2015 là 1.100 tỷ đồng và năm 2020 là 1.500 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 là 15% và giai đoạn 2015-2020 là 12%. Tổng lượt khách đến Quảng Trị năm 2015 là 1,5 triệu lượt và năm 2020 là 2,5 triệu lượt khách.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Quảng Trị sẽ phải thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh theo hướng phát triển bền vững và hiệu quả. Tỉnh xác định quy hoạch phát triển du lịch trên 4 tuyến chính: tuyến phía Bắc: Đông Hà-Hàng rào điện tử Mc.Namara-Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn- Đôi bờ Hiền Lương- Cửa Tùng-Rú Lịnh-Vịnh Mốc,… Tuyến phía Nam gồm: Đông Hà-Thành cổ Quảng Trị - Khu lưu niệm nhà Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn-Chùa Sắc Tứ - Nhà thờ La Vang-Bãi tắm Triệu Lăng-Mỹ Thủy-Trằm Trà Lộc… Tuyến phía Tây gồm: Đông Hà-Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9-Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời-Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đakrông-Sân bay Tà Cơn - Đường mòn Hồ Chí Minh-Cứ điểm làng Vây-Nhà đày Lao Bảo-Khu thương mại Lao Bảo và một số bản dân tộc Pa Cô, Vân Kiều… Và tuyến biển gồm: Đông Hà-Cửa Việt-Cửa Tùng-Đảo Cồn Cỏ.

Cùng với đó, Quảng Trị cũng tập trung đầu tư xây dựng mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch và cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển du lịch và tập trung các nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch; tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch,.../.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục