Hoạt động của ngành

Triển vọng du lịch Bát Xát (Lào Cai)

Cập nhật: 10/11/2011 10:24:49
Số lần đọc: 2237
Nhằm đẩy mạnh việc khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương và phát triển ngành "công nghiệp không khói", UBND huyện Bát Xát đã phê duyệt 5 điểm du lịch đưa vào khai thác thử nghiệm. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều vấn để bất cập, khó khăn cản trở sự phát triển du lịch ở vùng đất này.
Du khách quốc tế đến chợ phiên Mường Hum. Ảnh: Thanh Cường
Theo đề án phát triển du lịch của huyện, 5 điểm du lịch được đưa vào khai thác thử nghiệm là: Điểm du lịch Lũng Pô - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, gắn với làng văn hoá dân tộc Mông tại thôn Lũng Pô 2; Điểm du lịch cộng đồng thôn Lao Chải - nơi cội nguồn văn hoá người Hà Nhì đen tại Lào Cai; Điểm du lịch cộng đồng tại cụm thôn trung tâm xã Dền Sáng - gắn với văn hoá dân tộc Dao đỏ; Chợ văn hoá Mường Hum và điểm du lịch trung tâm cụm xã Bản Xèo. Bên cạnh đó, huyện cũng cho khai thác một số tour du lịch kết hợp giữa các điểm du lịch địa phương với Sa Pa và Hà Khẩu (Trung Quốc). Với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú như: Ao Tiên (gắn với du lịch mạo hiểm); rừng già nguyên sinh Ý Tý với bạt ngàn cây rừng cổ thụ, ngát thơm hương thảo quả; cầu Thiên Sinh - cột mốc biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Trung Quốc; suối nước nóng Lũng Pô… kết hợp với bản sắc văn hoá đa dạng của các dân tộc bản địa, tất cả sẽ làm nên những chuyến du lịch ấn tượng với du khách khi đến với Bát Xát.

Mặc dù có những tiềm năng, lợi thế, nhưng trong những năm qua, du khách biết và đến Bát Xát còn khá khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương. Theo thống kê của của Phòng Văn hoá huyện, từ đầu năm đến nay, Bát Xát mới đón được khoảng 2.000 lượt khách tới tham quan, trong số đó chỉ 10% là du khách nước ngoài. Du khách đến với Bát Xát chủ yếu là những người thích khám phá nét văn hoá độc đáo, mới mẻ, những vùng đất xa xôi ít người đặt chân đến. Nguyên nhân của thực trạng trên là do hạ tầng phục vụ cho việc phát triển du lịch ở địa phương còn thiếu thốn, chưa được đầu tư bài bản. Trở ngại lớn nhất khi du khách đến thăm Bát Xát chính là hệ thống đường giao thông không được tốt, chưa đồng bộ, đặc biệt là đường tới các thôn, bản. Các tuyến đường để đưa du khách đến khám phá vùng đất và con người Ý Tý vẫn còn nhiều đèo dốc cheo leo, gập ghềnh, nhiều đoạn, tuyến đã xuống cấp nghiêm trọng. Ao Tiên là một điểm tham quan khá thú vị trong cụm du lịch văn hoá Mường Hum, nhưng chưa có hệ thống đường bộ thuận lợi. Suối nước nóng vẫn ở trong tình trạng hoang sơ, chưa được đầu tư xây dựng… Bên cạnh đó, việc phát triển các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn còn hạn chế, thiếu và yếu cả về số lượng, chất lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí của du khách. Văn hoá của các dân tộc Bát Xát khá độc đáo, đa dạng, tuy nhiên, việc bảo tồn gắn với phát triển du lịch còn nhiều khó khăn. Việc phát triển du lịch cộng đồng, ăn nghỉ tại nhà dân cũng đang được huyện quan tâm, nhưng kỹ năng du lịch của người dân chưa cao. Hàng loạt vấn đề như: bảo đảm vệ sinh môi trường, đầu tư xây dựng và quảng bá, giới thiệu hình ảnh về du lịch Bát Xát… đang là bài toán khó, cần sớm có lời giải để đưa du lịch trở thành thế mạnh của huyện trong thời gian tới.

Hiện nay, Bát Xát đang xây dựng và đưa vào triển khai kế hoạch cụ thể cho phát triển du lịch địa phương. Là một huyện còn nghèo, Bát Xát chủ trương huy động tất cả các nguồn lực, các thành phần kinh tế tham gia vào việc phát triển du lịch. Hy vọng, với sự nỗ lực của chính quyền và người dân, không lâu nữa, Bát Xát sẽ thực hiện được đề án phát triển du lịch, trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế./.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục