Hoạt động của ngành

Bắc Hà (Lào Cai) gắn phát triển du lịch với xây dựng làng văn hóa

Cập nhật: 07/11/2011 09:10:54
Số lần đọc: 1885
Huyện Bắc Hà (Lào Cai) có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên hiện nay, du lịch cộng đồng tại đây phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng của huyện đã và đang nỗ lực thực hiện kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc xây dựng làng văn hóa.

Khách du lịch quốc tế đến Bắc Hà.

Tiềm năng du lịch

Cũng như Sa Pa, Bắc Hà giàu tiềm năng về phát triển du lịch cộng đồng, vừa có cảnh sắc, lại vừa có bản sắc. Thiên nhiên ưu đãi cho Bắc Hà khí hậu ôn đới, trong lành mát mẻ, rất có lợi cho sức khỏe. Là địa phương chiếm đa số đồng bào dân tộc sinh sống, như Mông, Tày, Pa Dí, Phù Lá,… mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa riêng, với nhiều lễ hội đặc sắc: lễ hội Lồng Tồng, Gầu Tào, cùng nhiều điệu múa dân gian truyền thống.

 

Nói đến du lịch Bắc Hà, không thể không nhắc đến tuyến du lịch sông Chảy, đến chợ văn hóa Cốc Ly, khám phá Hang Tiên, thăm di tích lịch sử thành cổ Trung Đô; dinh thự Hoàng A Tưởng; khám phá văn hóa bản làng người Tày, người Mông; xem nghề rèn, nghề nấu rượu truyền thống của người Mông Bản Phố; làng văn hóa Tả Van Chư,…

 

Phát huy những lợi thế phát triển du lịch, trong đó điểm nhấn là du lịch cộng đồng, Bắc Hà đã khôi phục thành công các lễ hội truyền thống: lễ hội đua ngựa, đánh quay, kéo co, lễ hội xuống đồng,… nhằm thu hút khách du lịch lưu trú tại địa phương, đồng thời chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch tại một số thôn, bản có tiềm năng.

 

Theo khảo sát, điều mà khách du lịch hài lòng nhất khi đến với Bắc Hà chính là bản sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc đang sinh sống tại địa phương. Một số hộ dân đã nhanh nhạy khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng, có cuộc sống ổn định nhờ làm du lịch.

 

Gia đình ông Vàng A Văn, thôn Na Lo, xã Tà Chải là một thí dụ. Là người người dân tộc Tày, có nếp sinh hoạt tương đối ngăn nắp, gọn gàng, gia đình ông Văn đã đầu tư xây dựng công trình vệ sinh sạch sẽ, sửa sang nhà cửa đón khách lưu trú qua đêm. Ông Văn trực tiếp đưa khách du lịch tham quan, giới thiệu văn hóa các dân tộc Bắc Hà, còn vợ ông trực tiếp nấu ăn phục vụ khách. Lượng khách đến với gia đình luôn ổn định. Mỗi tháng thu nhập trên 5 triệu đồng. Ông Văn chia sẻ: "Muốn giữ khách lưu trú qua đêm, quan trọng nhất là thái độ phục vụ khách, sau đó là nếp sinh hoạt sạch sẽ, gọn gàng".

 

Theo thống kê, 9 tháng năm 2011, lượng khách đến với Bắc Hà ước đạt 87.000 lượt, trong đó, chủ yếu khách nước ngoài đến khám phá bản sắc văn hóa các dân tộc Bắc Hà.

 

Xây dựng làng văn hóa gắn với du lịch cộng đồng

Phát triển du lịch cộng đồng ở Bắc Hà hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng. Hình thức du lịch cộng đồng, du lịch làng bản mới hình thành ở Bắc Hà khoảng 3 năm trở lại đây, nên cơ sở vật chất phục vụ cho hình thức du lịch này còn hạn chế. Hiện nay, ở Bắc Hà có chưa đến 10 hộ gia đình đủ điều kiện cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch theo kiểu homestay. Mặt khác, một số làng bản mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, thì môi trường sinh hoạt lại không đảm bảo, khiến khách du lịch ngại lưu trú qua đêm.

 

Ông Nguyễn Văn Chung, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Hà cho biết: Muốn phát triển du lịch cộng đồng, trước hết phải xây dựng các làng văn hóa. Xây dựng làng văn hóa không chỉ tạo cảnh quan môi trường sinh thái, bảo vệ các giá trị văn hóa mà còn tạo điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch đến với Bắc Hà, tạo việc làm cho chính người dân địa phương.

 

Theo đó, Bắc Hà đã xây dựng mô hình làng văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn: Trung Đô (xã Bảo Nhai); Na Lo (xã Tà Chải); Bản Phố 2a (xã Bản Phố); Tả Van Chư (xã Tả Van Chư). Tại những địa điểm này, cơ sở vật chất phát triển du lịch cộng đồng được đầu tư, di tích lịch sử văn hóa: thành cổ Trung Đô được phục chế; các phong tục dân tộc, bản sắc văn hóa được bảo tồn, cải tạo một số nếp sinh hoạt văn hóa, các hủ tục…

 

Để du lịch cộng đồng phát triển tương xứng với tiềm năng, các cơ quan chức năng của huyện Bắc Hà đã sớm đưa ra các giải pháp, đó là: tiếp tục nhân rộng các mô hình homestay tại một số thôn, bản qua biện pháp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ cơ sở vật chất; hỗ trợ xây dựng các làng nghề truyền thống: nấu rượu ở Bản Phố; xây dựng làng du lịch sinh thái thôn Tả Van Chư, Hang Rồng; tập huấn cách đón tiếp khách cho người dân bản địa. Bên cạnh đó, cán bộ du lịch cũng học hỏi kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng ở Sa Pa, từ đó rút kinh nghiệm, áp dụng tại địa phương.

 

Khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng gắn với xây dựng làng văn hóa sẽ là hướng đi đúng để Bắc Hà phấn đấu đạt doanh thu 100 tỷ đồng từ du lịch vào năm 2015.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục