Hoạt động của ngành

Tiềm năng, thế mạnh du lịch Lạng Sơn

Cập nhật: 07/11/2011 10:41:07
Số lần đọc: 2208
Lạng Sơn - mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, với diện tích tự nhiên là: 8.331,24 km2, có 253 km đường biên tiếp giáp với Quảng Tây - Trung Quốc, có 02 cửa khẩu quốc tế đường sắt và đường bộ, 02 cửa khẩu quốc gia và 7 các cặp chợ đường biên.

Với hệ thống giao thông thuận lợi cả về đường sắt và đường bộ nối Lạng Sơn với các tỉnh trong nước và ngoài nước. Có các tuyến đường giao thông quan trọng như quốc lộ 1A nối liền Lạng Sơn - Hà Nội, quốc lộ 1B Lạng Sơn - Thái Nguyên, quốc lộ 4A Lạng Sơn - Cao Bằng, quốc lộ 4B Lạng Sơn - Quảng Ninh, quốc lộ 31 Lạng Sơn - Bắc Giang, quốc lộ 279 Lạng Sơn - Bắc Kạn và tuyến đường sắt liên vận Quốc tế Việt - Trung.

 

Lạng Sơn được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, hang động kỳ thú như: Động Tam Thanh, Nhị Thanh, Nàng Tô Thị, núi Mẫu Sơn. Bên cạnh đó trong quá trình dựng nước và giữ nước của cha, ông Lạng Sơn cũng nhiều di tích lịch sử, di tích cách mạnh như: Ải Chi Lăng, Thành Nhà Mạc… Ngoài ra còn là một vùng quê xinh đẹp, với non nước xanh biếc của dòng sông Kỳ Cùng thơ mộng.


Lạng Sơn có dân số hơn 75 vạn người, gồm 7 dân tộc chính, trong đó dân tộc Nùng chiếm 43%, dân tộc Tày 36%, dân tộc kinh 16%, còn lại là các dân tộc Dao, Hoa, Mông, Sán Chay cùng chung sống, với những phong tục, tập quán, lễ hội, những làn điệu dân ca, hát then, hát sli, hát lượn... làm say đắm lòng người, những phiên chợ vùng cao, những sắc màu trang phục truyền thống, những áng ca dao, ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc…


Với những điều kiện như vậy, xác định là tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch những năm qua Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có các chủ trương về phát triển du lịch thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, các Chỉ thị, Nghị quyết, Chuyên đề và Chương trình hành động về tiếp tục đẩy mạnh phát triển Du lịch Lạng Sơn.


Trong những năm vừa qua, tỉnh Lạng Sơn đã tạo điều kiện giải quyết các thủ tục hành chính, thủ tục Xuất nhập cảnh, ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút các nhà đầu tư cũng như khách du lịch đến và thực hiện các dự án đầu tư vào Lạng Sơn được thuận lợi, nhanh chóng, ổn định lâu dài và nhất quán. Đồng thời tỉnh đã tiến hành quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, trên cơ sở các quy hoạch đã phê duyệt và những dự án cụ thể, những năm qua đã triển khai thực hiện những dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vào một số khu, điểm du lịch với tổng mức đầu tư được duyệt là hơn 100 tỷ đồng.


Với chủ trương của tỉnh như vậy, đã thu hút được các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ và cộng đồng dân cư ủng hộ và tham gia vào việc tổ chức các hoạt động kinh doanh lĩnh vực du lịch, dịch vụ ngày càng nhiều hơn, từng bước đưa Lạng Sơn trở thành một trung tâm giao lưu buôn bán thương mại quan trọng của khu vực phía Bắc, đồng thời đã tạo cho Lạng Sơn là một trung tâm du lịch sôi động, tấp nập của cả nước không chỉ thu hút khách du lịch trong nước, Trung Quốc mà còn thu hút ngày càng đông khách du lịch các nước Đông Âu đến Lạng Sơn, ngoài việc thưởng thức cảnh đẹp họ còn nghiên cứu lịch sử phát triển, văn hoá, con người Lạng Sơn.


Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 10 đơn vị kinh doanh lữ hành, 4 Chi nhánh và 01 Văn phòng đại diện, có hơn 100 cơ sở lưu trú. Nhìn chung, trong những năm vừa qua các doanh nghiệp du lịch kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ hoạt động có hiệu quả và đã đem lại nguồn thu nhập và việc làm ổn định cho người lao động trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Qua thực tế hoạt động kinh doanh, bằng những kinh nghiệm của mình, với những lợi thế của địa phương và đặc biệt trong bối cảnh hội nhập phát triển giữa các vùng, khu vực cũng như hội nhập quốc tế, để hoạt động kinh doanh có hiệu quả chiếm lĩnh mở rộng được thị trường, mỗi đơn vị đều có chủ trương định hướng chiến lược để duy trì và phát triển không ngừng lớn mạnh. Cụ thể: năm 2001 tổng lượng khách đạt: 210.000 lượt khách, doanh thu du lịch 92 tỷ. Năm 2010 tổng lượng khách đạt: 1.929.000 lượt khách, doanh thu du lịch 736 tỷ đồng, đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy kinh tế xã hội của Lạng Sơn ngày càng phát triển.


Lạng Sơn nằm trong quy hoạch phát triển tuyến hành lang kinh tế: Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và đặc biệt hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và ban hành quy chế hoạt động của Khu kinh tế với các chính sách đầu tư mở rộng, cơ chế quản lý năng động đó mở ra cho du lịch Lạng Sơn thời cơ, vận hội mới để phát triển.


Từ thực tế những kết quả đạt được, những khó khăn tồn tại ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn xác định được định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới trên cơ sở các chủ trương, định hướng từ đầu năm 2009: Phát triển du lịch Lạng sơn tương xứng với tiềm năng thế mạnh trên địa bàn để nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển du lịch phải tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành kinh tế, văn hóa - xã hội; phải gắn với việc giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; kết hợp giữa việc bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để Lạng Sơn trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của vùng Đông Bắc.


Với việc tập trung đầu tư khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh, ngành du lịch Lạng Sơn mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh bạn; thu hút nguồn vốn dồi dào từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước để biến những tiềm năng thành hiện thực, tin tưởng rằng sẽ tạo được sự bứt phá đi lên trong những năm tới, góp phần tích cực xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam hấp dẫn trong con mắt của bạn bè quốc tế.

Nguồn: Báo Bắc Kạn

Cùng chuyên mục