Hoạt động của ngành

Hòa Bình: Khai thác các giá trị của lễ hội để thu hút khách du lịch

Cập nhật: 04/08/2009 10:08:21
Số lần đọc: 2064
Hòa Bình là vùng có nền “Văn hoá Hoà Bình” nổi tiếng với nhiều lễ hội dân gian mang bản sắc dân tộc. Người Mường có các lễ hội nông nghiệp như: hội xuống đồng, hội cầu mưa, hội đi săn, hội đánh cá, lễ rửa lá lúa, lễ cơm mới, lễ nạ mạ, lễ cầu mát, lễ nhóm lửa, lễ hội chùa kè… lễ hội ở các vùng mường không mang rõ tính chất hội mà chủ yếu hướng vào lễ nghi.

Trong Chương trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2001 - 2005 đã nêu ra lựa chọn tổ chức một số lễ hội truyền thống tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hoá nhằm khuyếch trương hình ảnh du lịch để thu hút khách trong nước và quốc tế. ở Hoà Bình ngành Văn hoá, Du lịch và Thể thao đã lựa chọn lễ hội cồng chiêng năm 2001 và lễ hội Chùa Tiên năm 2005 để tổ chức, với ý nghĩa là góp sức để bảo tồn và phát triển những giá trị di sản văn hoá cổ của lễ hội thu hút khách du lịch đến với Hoà Bình. Hai lễ hội được tổ chức với qui mô hoành tráng bước đầu khơi dậy, khuyếch trương du lịch văn hoá của tỉnh nhà, đồng thời còn có ý nghĩa đánh thức các lễ hội truyền thống khác như: khai hạ Mường Bi, Chùa Hang, Đình Vai.... tổ chức được đông đảo nhân dân hưởng ứng, đang từng bước thu hút khách du lịch về với địa phương.

 

Phần lớn các lễ hội ở Hoà Bình đều diễn ra vào mùa xuân, mùa sinh sôi nảy nở của vạn vật, cây cối đâm chồi, nảy lộc, thời gian nông nhàn, việc tổ chức lễ hội là khơi dậy lòng nhiệt tình, tự nguyện và tự giác góp công, góp của của các tầng lớp nhân dân. Do vậy thấy rất rõ sau khi mãn hội, lòng dân lại khao khát, hẹn hò đến lễ hội lần sau.

           

Để phù hợp với xu hướng phát triển du lịch thời đại ngày nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đều dựa và phát huy tối đa du lịch văn hoá và sinh thái, kết hợp với những khu vui chơi giải trí hoặc những khu chăm sóc sức khoẻ, sắc đẹp cho khách du lịch…Đối với Hoà Bình bản sắc văn hoá các dân tộc, thiên nhiên còn nguyên vẹn, hoang dã, không bị tác động, không bị huỷ hoại và cần giữ gìn, bảo tồn được các lễ hội. Lễ hội tổ chức để nhân dân địa phương mình và các tỉnh bạn đến lễ và cầu nguyện.

 

Lễ hội ở Hoà Bình rất nhiều, việc nghiên cứu, sưu tầm và đầu tư để trở thành những sản phẩm văn hoá có lãi về nhiều mặt, không thể đặt ngay mọi việc đều phải làm nhanh được. Mặc dầu ai cũng biết đó là trách nhiệm của cả cộng đồng nhưng tiên phong phải là những nhà quản lý, nhà nghiên cứu. Lễ hội là một tiềm năng du lịch văn hoá vô cùng lớn lao chưa khai thác được là bao, việc sưu tầm, khơi dậy và phát huy những di sản văn hoá đã có, đồng thời chọn lọc ra được những giá trị tinh hoa, thêm sự biến đổi và sáng tạo sẽ trở thành động lực tinh thần mới phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng nhu cầu du lịch, phát triển kinh tế và bảo tồn được bản sắc văn hoá dân tộc. /.

Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục