Hoạt động của ngành

Hà Giang tìm hướng phát triển du lịch cộng đồng

Cập nhật: 03/08/2009 08:08:15
Số lần đọc: 1726
Trong 6 tháng đầu năm, Hà Giang đã đón trên 100.000 lượt khách du lịch, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ dịch vụ-du lịch đạt 75 tỷ đồng.Trong khi hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế, riêng lĩnh vực du lịch vẫn có sự tăng trưởng, chứng tỏ chiến lược phát triển du lịch đang phát huy hiệu quả và Hà Giang đang trở thành điểm đến hấp dẫn.

So với các tỉnh, thành phố trong cả nước, việc lựa chọn hướng đầu tư phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang còn gặp nhiều khó khăn. Trước hết, khoảng cách địa lý giữa Hà Giang với các trung tâm kinh tế lớn, hệ thống giao thông nối các vùng, miền, duy nhất chỉ có đường bộ nên rất khó hình thành liên kết vùng, liên kết tour du lịch.

Đặc điểm cấu tạo địa chất của Hà Giang chủ yếu là đồi, núi, nếu chọn con đường phát triển du lịch theo hướng đầu tư xây dựng các khu vui chơi, nghỉ dưỡng hiện đại thì rất khó cạnh tranh với những điểm du lịch như Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc)…

Nhiều du khách nói họ đi hàng trăm kilômét đường đồi núi đến Hà Giang không phải để nghỉ trong những khu du lịch sang trọng, được tận hưởng những dịch vụ hoàn hảo, tiện nghi của cuộc sống hiện đại.

Hà Giang hấp dẫn họ, vẫy gọi họ ở những nét hoang sơ của cảnh sắc, sự độc đáo trong sinh hoạt văn hóa của người dân bản địa. Những cung đường quanh co, uốn lượn trên mây, một vùng cao nguyên đá rộng lớn với rừng đá xám kỳ vĩ, một đỉnh Mã Pì Lèng đệ nhất hùng quan nơi cực Bắc, một bản làng với những ngôi nhà sàn đơn sơ mờ ảo trong sương sớm… luôn là đích đến của du khách.

Nhưng đặc biệt hơn, hấp dẫn hơn chính là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, giàu tính bản địa của các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Hà Giang. Chính vì vậy, Hà Giang đã quy hoạch tổng thể và xây dựng nhiều làng văn hóa để thu hút khách du lịch.

Đó là làng văn hóa du lịch dân tộc Tày thôn Tha xã Phương Độ (thị xã Hà Giang), làng văn hóa dân tộc Dao thôn Nậm An, xã Tân Thành (Bắc Quang), làng văn hóa du lịch dân tộc Dao thôn Làng Giang, Giàng Thượng, Phìn Hồ, Nậm Hồng - xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì)…

Các làng văn hóa du lịch đi vào hoạt động, bước đầu đã trở thành điểm dừng chân của du khách, góp phần quan trọng trong việc thu hút khách du lịch đến Hà Giang. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là doanh thu từ hoạt động du lịch rất thấp, 6 tháng đạt 75 tỷ đồng, chiếm phần rất nhỏ trong tổng thu ngân sách của tỉnh.

Lượng khách đến Hà Giang nhiều nhưng chi phí tại những điểm du lịch rất thấp. Tại những điểm du lịch, các hoạt động dịch vụ, sản phẩm du lịch rất nghèo nàn, khách muốn mua sản phẩm làm kỷ niệm, tặng người thân cũng khó.

Huyện Đồng Văn là địa bàn được đón tiếp rất nhiều đoàn khách đến tham quan các điểm du lịch như Cao nguyên đá, Cột cờ Lũng Cú…nhưng để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vẫn cần những bước đi dài.

Xã Lũng Cú (Đồng Văn), mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt khách ghé thăm nhưng du khách chỉ dừng chân ít phút rồi đi. Phòng trưng bày sản phẩm tại khu nhà nghỉ Lũng Cú rất đơn điệu, có sản phẩm lại nhập từ Trung Quốc về bán, cách phục vụ không chuyên nghiệp, không giữ được chân khách.

Thực trạng này không chỉ riêng ở Đồng Văn mà còn diễn ra ở nhiều vùng du lịch trong tỉnh, các làng văn hoá du lịch chỉ đông khách khi mới khai trương. Nguyên nhân của tình trạng trên chính là thiếu vốn đầu tư thực hiện các dự án du lịch.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh Hà Giang chưa nhiều, trình độ, năng lực của đội ngũ làm công tác du lịch còn yếu, chưa được đào tạo bài bản, thiếu tính chuyên nghiệp.

Phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi đúng, phát huy được thế mạnh của Hà Giang. Tuy nhiên, để loại hình du lịch này thực sự phát triển, đòi hỏi phải có sự đầu tư theo chiều sâu, mang tính chuyên nghiệp và rất cần sự vào cuộc của người dân.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục