Hoạt động của ngành

Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi): Vùng đất giàu tiềm năng du lịch

Cập nhật: 22/04/2009 13:58:33
Số lần đọc: 2848
Đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi không chỉ nổi tiếng là “Vương quốc tỏi” mà nơi đây còn có một tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng, nhất là du lịch sinh thái biển. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn chưa khai thác có hiệu quả tiềm năng này.

Nằm cách đất liền gần 18 hải lý, đảo Lý Sơn hay còn gọi là Cù Lao Ré -một vùng đất nổi tiếng với nghề trồng hành tỏi. Chính vì vậy nơi đây còn được mệnh danh là “vương quốc tỏi”. Lý Sơn còn là một nơi ẩn chứa nhiều tiềm năng du lịch hấp dẫn. Một trong những tiềm năng thu hút khách du lịch là nơi đây còn nhiều di tích lịch sử-văn hoá với những kiến trúc đình, chùa độc đáo.

 

Huyện Lý Sơn hiện có 9 di tích lịch sử-văn hoá được công nhận bảo vệ; trong đó có 3 di tích xếp hạng di tích Quốc gia gồm Đình làng An Vĩnh; Chùa Hang; Âm Linh tự. Du khách đến Lý Sơn mà chưa đến Chùa Hang cũng như chưa đến đảo xinh đẹp này. Chùa Hang là hang động lớn nhất trong hệ thống hang động ở đảo Lý Sơn. Hang đá này được tạo thành từ một vách đá dựng đứng, cao gần 20 mét ở ngọn núi Thới Lới, do bị nước biển xâm thực tạo thành một hàng động. Hang có bề ngang 30 mét ăn sâu hơn 25 mét vào núi theo kiểu hàm ếch, ngoài cửa cao 15 mét, thấp dần vào phía trong. Ở trong đó có những kỷ đá, giường đá rất đẹp. Trước cửa hang là những cây bàng cổ thụ, cành lá xum xuê. Chùa Hang là nơi thờ Phật nên trước cửa Chùa có tên chữ là Thiên Khổng Thạch Tự; ở đây còn kết hợp thờ 7 vị tiền hiền làng Lý Hải, An Hải. Ngoài chùa Hang, Lý Sơn còn có đình làng Lý Hải –là một trong những di tích xếp hạng Quốc gia. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang phong cách thời nhà Nguyễn, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1820) ở xã Lý Hải. Đây còn là ngôi đình thể hiện kỹ thuật chạm khắc gỗ độc đáo, sống động qua các ô trang trí. Ngòai ra, ở Lý Sơn còn có hang Câu, miếu bà Chúa Ngọc, Âm linh tự, dinh bà Roi, giếng vua; những hiện vật bằng đá, gốm sứ Trung Hoa, Chăm, Sa Huỳnh Ðại Việt. Ðặc biệt, trong lòng đất Lý Sơn còn ẩn chứa nhiều di chỉ văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa ChămPa với các hiện vật có niên đại cách chúng ta khoảng 2 - 3 nghìn năm đã được Viện khảo cổ học và Bảo tàng Quảng Ngãi khai quật. Trên đảo Lý Sơn còn có 5 ngọn núi là Thới Lới, Giếng Tiền, Hòn Vung, Hòn Sỏi, Hòn Tai, dấu tích của núi lửa đã tắt từ hàng triệu năm trước. Đứng trên những ngọn núi này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cánh đồng hành, tỏi xanh mướt trải rộng sát bờ biển quanh năm dập dìu sóng vỗ. Ra Lý Sơn vào dịp tháng 2, tháng 3 âm lịch, du khách còn được dự Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, một nghi lễ truyền thống của người dân Lý Sơn để tri ân những người đã hy sinh thân mình bảo vệ chủ quyền đất nước trên biển Đông, cùng Lễ Cầu siêu cho nghĩa sĩ trận vong, Lễ tế Thanh minh, Lễ phóng đăng và bắn hỏa châu, lễ hội đua thuyền, lễ hội cầu ngư, các trò chơi dân gian... được tổ chức thường xuyên vào dịp Tết Nguyên đán mà nơi khác không có.

 

Có thể nói, toàn cảnh đảo Lý Sơn là một thắng cảnh thiên nhiên độc đáo với năm ngọn núi nhô cao giữa một vùng trời biển bao la rất đẹp. Lý Sơn là một hòn đảo có tiềm năng văn hóa vô cùng phong phú, trong đó các di tích lịch sử văn hóa chiếm một vai trò quan trọng. Đây là tiềm năng để phát triển ngành “công nghiệp không khói”, nhưng tiềm năng này vẫn chưa được đánh thức. Năm 2007, Sở Thương mại-du lịch trước đây mở tuyến du lịch sinh thái biển đảo Lý Sơn. Tuy nhiên, du khách đến Lý Sơn rất ít và nhỏ lẻ, không theo tuyến. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng , dịch vụ du lịch chưa đáp ứng được khách tham quan. Đó là chưa nói, ban ngày trên đảo xinh đẹp này vẫn chưa có điện, phương tiện đi lại khó khăn…Trong khi đó, các di tích lịch sử- văn hoá- là điểm đến của khách tham quan ngày càng xuống cấp. Đặc biệt là các di tích được xếp hạng Quốc gia.

 

Huyện Lý Sơn xác định phát triển du lịch là một trong những chiến lược phát triển kinh tế- xã hội trong những năm đến. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, trong khi chờ sự đầu tư của Nhà nước về hạ tầng phục vụ du lịch, huyện Lý Sơn sẽ tuyên truyền cho nhân dân phát triển “du lịch cộng đồng”; đồng thời chú trọng đến việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá; khôi phục làng nghề; giữ các giá trị văn hoá phi vật thể…

 

Phát triển du lịch không chỉ từ sự vận động nhân dân nâng cao ý thức mà cần có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, dịch vụ; sự liên kết giữa các vùng miền, trong khu vực. Có như thế, du lịch Lý Sơn sẽ được khai thác có hiệu quả và hy vọng sẽ nằm các trong tuyến du lịch của miền Trung.

Nguồn: website Quảng Ngãi

Cùng chuyên mục