Hoạt động của ngành

Vĩnh Lộc(Thanh Hóa): Một vùng đất giàu tiềm năng du lịch

Cập nhật: 15/04/2009 15:04:43
Số lần đọc: 2675
Với một huyện nhỏ, có 16 xã, thị trấn, 131 thôn, làng mà Vĩnh Lộc có tới 147 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Dãy núi Xuân Đài có thể là đẹp nhất trong các núi đá ở Việt Nam. Dưới chân núi Xuân Đài có di tích Động - Chùa Thông đã được xếp hạng di tích quốc gia. Sau khi viếng cảnh chùa Du Anh (Chùa Thông) khách hãy đến xem bia Phùng Khắc Khoan độc nhất ở Việt Nam, bia cao 2,5 m, cả 4 mặt đều  là văn bia chữ Hán. Sau đó khách đi bộ hành hương lên lưng chừng núi đá Xuân Đài vào thăm động Hồ Công. Khi đến cửa động, khách sẽ gặp một phiến đá phẳng có khắc 4 chữ trên đá “Thanh Kỳ Khả Ái”- nghĩa là màu xanh tuyệt diệu đáng yêu. Trên vách động còn nguyên vẹn nhiều bài thơ chữ Hán đề họa của các vua chúa, tao nhân mặc khách đến đây để lại bút tích ca ngợi động đẹp này.

 

Từ Động - Chùa Thông đi về hướng Tây 5 km, du khách sẽ đến thăm thành đá - Thành Nhà Hồ nổi tiếng, thăm các di tích vệ tinh liên quan đến việc xây thành, việc tổ chức tế trời, đến cuộc chiến chống quân Chiêm Thành, đến việc đoạt ngôi (từ Trần sang Hồ...) như đền Bình Khương thờ người con gái đã đập đầu vào đá lấy cái chết để minh oan cho chồng là Cống Sinh Trần Công Sỹ được đảm trách xây thành cửa Đông. Gần đền Bình Khương có di tích đình Đông Môn là di tích có kiến trúc độc đáo với những mảng chạm khắc tứ linh, tứ quý rất tinh xảo. Xung quanh thành đá, du khách có thể đến thăm núi Dục Tượng, Eo Vần, Tứ Linh, thăm hang Nàng nơi vua Trần Thiếu Đế bị giam, thăm hồ Mỹ Đàm do binh lính nhà Hồ đào từ phía tây thành chạy suốt làng Mỹ Xuyên ngày nay. Từ một điểm của di tích vệ tinh, du khách đến thăm đền Tam Tổng (nơi thờ vọng Trần Khát Chân), sau đó đến dâng hương tại đền Trần Khát Chân - là nơi thờ Trần Khát Chân và sáu vị tướng (Phạm Ông Thiên, Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bưu, Phạm Ngưu Tất, Phạm Khả Vĩnh, Trụ Quốc Trần Nhật Đôn) đã bị Nhà Hồ hành quyết ngày 24/4 năm Kỷ Mão (1399). Từ đền Trần Khát Chân du khách đi dọc về phía Nam núi Đún để đến thăm  di tích khảo cổ quốc gia đặc biệt là Đàn tế Nam Giao- nơi diễn ra lễ tế trời đất của Nhà Hồ vào tháng 8 năm Nhâm Ngọ (1442). Di tích này đã khảo cổ đợt 3 - sắp tới sẽ khảo cổ đợt cuối để tìm ra diện mạo đàn tế - đó là di tích có thể nói còn nguyên vẹn ở Việt Nam... Trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc còn rất nhiều di tích lịch sử thời Chúa Trịnh như: Phủ Trịnh, Nghè Vẹt, đền thờ quốc công Hoàng Đình Ái, quận công Hoàng Đình Phùng, Đường Công Lê Quang Lộc, lăng mộ Triết Vương Trịnh Tùng, Chùa- Phủ Báo Ân...

 

 Để phát triển ngành du lịch trong tương lai, huyện và tỉnh cần xây dựng, đầu tư cho kinh tế du lịch từ nay đến năm 2020, nằm trong tổng thể quy hoạch của ngành du lịch Thanh Hóa. Đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo, tập trung có hiệu quả và quan tâm đến công tác xã hội hóa. Có kế hoạch đào tạo hướng dẫn viên du lịch cho các điểm du lịch trọng điểm - đặc biệt khuyến khích, tạo điều kiện để xây dựng các khách sạn, nhà nghỉ, kinh doanh dịch vụ văn hóa để phục vụ khách du lịch...

Nguồn: website báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục