Hoạt động của ngành

Lai Châu: Xây dựng bản văn hóa của người Thái ở Vẳng Pheo

Cập nhật: 15/04/2009 09:16:09
Số lần đọc: 3646
Xây dựng bản văn hóa các dân tộc ít người là một chủ trương từ lâu đã được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch của tỉnh Lai Châu quan tâm và có định hướng cụ thể.

Đối với đồng bào dân tộc Thái, một bộ phận dân cư chiếm trên 33,7% dân số toàn tỉnh với cả hai ngành Thái trắng và Thái đen, việc định cư, ổn định đời sống và xây dựng thành các bản (làng) dân cư đã được thực hiện từ vài chục năm gần đây. Nhưng việc làm thế nào để xây dựng thành các bản vừa phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào, vừa giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú của dân tộc Thái là một loạt vấn đề không hề đơn giản đặt ra cho chính quyền địa phương, cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho đồng bào tại các bản.

Bản Vằng Pheo thuộc xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có 100% số dân là người Thái trắng. Cả bản có 90 hộ với 407 nhân khẩu đã sinh sống lâu nay trên đất Việt. Đồng bào Thái ở bản Vằng Pheo vừa được thừa hưởng vừa đồng thời sáng tạo nên một di sản văn hóa vật thể và văn hóa tinh thần vô cùng phong phú. Về văn hóa vật thể đó là tập quán canh tác lúa nước, làm nương, trồng bông, dệt vải; đó là ngôi nhà sàn truyền thống làm bằng sàn gỗ, lợp mái gianh( hoặc ngói); đó là các công cụ lao động sản xuất rất đặc trưng như: cọn nước, gùi, thố…; đó là bộ trang phục áo cóm váy đen tạo nên sự duyên dáng của phụ nữ Thái đen và Thái trắng; là chiếc khăn piêu nổi tiếng của phụ nữ Thái; là cách búi tóc độc đáo; đó là nghề trồng bông, dệt thổ cẩm; đó là các loại nhạc cụ làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần như: cây đàn tính tẩu v.v…Về văn hóa phi vật thể: đó là cả một kho tàng về tri thức dân gian trong lối sống, nếp sống, ứng xử thiên nhiên, ứng xử cộng đồng, ứng xử xã hội và ứng xử gia đình. Đó là các lễ hội dân gian như Lễ hội Then Kin Pang của 2 xã Mường So và Khổng Lào được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 3 âm lịch; là lễ hội Nàng Han, là lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu với tục giã cốm mới được tổ chức vào ngày 15 tháng 9 âm lịch; đó là phong tục tập quán, là những làn điệu dân ca, dân vũ mà trong đó phải kể đến các điệu múa khăn, múa xòe Thái nổi tiếng. Đó là kho tàng ca dao, tục ngữ và truyện cổ Thái v.v.v…Để phát huy được những di sản văn hóa đó làm cho đời sống người dân ngày càng no ấm về vật chất và phong phú về tinh thần, đồng thời xây dựng Vằng Pheo trở thành một bản văn hóa-du lịch điểm của tỉnh Lai Châu là điều trăn trở lớn của chính quyền, các ban ngành của huyện và nhân dân trong bản.

Ở thời điểm năm 1995 trong bản, gần 100% dân ở nhà sàn nhưng đồng thời vẫn theo tập quán sinh sống cũ rất mất vệ sinh: trên sàn người ở, dưới sàn nhà là chuồng gia súc, gia cầm và nhà vệ sinh. Cải tạo thói quen ăn ở mất vệ sinh đó đối với đồng bào đâu phải một sớm một chiều mà thực hiện được. Nhưng muốn xây dựng bản văn hóa - bản du lịch thì điều đầu tiên phải vận động bà con ăn, ở vệ sinh. Được sự giúp đỡ của Phòng Văn hóa Thông tin, Thể thao huyện Phong Thổ, Phòng Y tế huyện, lãnh đạo bản và nhân dân đã xây dựng nên một bản quy ước Nếp sống văn hóa của bản. Từ bản quy ước này, nhân dân đã từng bước thực hiện di dời chuồng trại ra khỏi nhà sàn, thực hiện vệ sinh thôn bản, cải tạo đường đi trong bản, nâng cấp thành đường bê tông và mở rộng đường để xe ô tô có thể đi vào tham quan du lịch. Mỗi nhà chịu hy sinh một phần đất nhỏ để bây giờ Vằng Pheo đã có con đường ô tô loại 24 ghế có thể đi vào tận trung tâm bản. Vừa giúp đồng bào gìn giữ ngôi nhà sàn truyền thống vừa có thể cải tạo sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu thăm quan và ngủ nghỉ của khách du lịch mỗi khi vào bản, chính quyền địa phương đã thống kê và chọn được 32 ngôi nhà sàn tốt nhất, hỗ trợ đầu tư mỗi nhà từ 3,5 đến 5 triệu đồng cải tạo phục vụ khách du lịch. Những gia đình được hỗ trợ đã cải tạo nhà ở, làm nhà vệ sinh riêng biệt để có thể phục vụ việc ăn nghỉ và tham quan của du khách tại nhà.

Để nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân vừa để phục vụ du khách, trong bản đã họp và nhất tâm xây dựng 2 đội văn nghệ, mỗi đội có 12 người có thể múa xòe, hát dân ca Thái và biểu diễn các tiết mục khác. Các đội văn nghệ thường xuyên tập luyện tiết mục và có chương trình biểu diễn mỗi khi bản hoặc xã, huyện, tỉnh có yêu cầu. Các cụ già thấy con cháu tập múa, hát rất vui cũng ra Nhà Văn hóa tập hát và góp ý cho anh chị em đội văn nghệ. Trong gia đình, mẹ biết hát thì truyền lại cho con gái. Hiện trong bản còn có một số nghệ nhân cao tuổi biết hát dân ca Thái như các cụ Mào Văn Phiên, Mào Thị Phưng. Hát cho dân bản nghe, múa cho dân bản xem là niềm vui của anh chị em trong đội văn nghệ. Ông Lò Văn Đấu, một người dân của bản Vằng Pheo cho biết “ Vừa qua khi làng tổ chức Lễ Kin lẩu khẩu mẩu tại cánh đồng giữa Mường So, có rất nhiều trò chơi dân gian được phục hồi như; kéo co, đẩy gậy, én cáy(đánh yến), ném còn, múa xòe. Đặc biệt tục giã cốm chung của bản trong lễ hội đã rất thành công. Ai cũng được thưởng thức một nắm cốm mới vừa thơm vừa dẻo. Nhưng vui nhất có lẽ là trò thi bắt cá suối giữa các đội thi. Đội thắng cuộc và đội thua cuộc đều hỉ hả. Tiếng cười, tiếng reo hò cổ vũ làm tưng bừng cả bản”.

Năm 2008 cả bản có 66 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Đó là những cố gắng rất lớn của nhân dân bản Vằng Pheo trong việc xây dựng quê hương trở thành một bản văn hóa du lịch của huyện Phong Thổ.

Nguồn: website ĐCSVN

Cùng chuyên mục