Hoạt động của ngành

Minh An (Hội An): Nơi lưu giữ hồn phố cổ

Cập nhật: 17/04/2009 09:59:19
Số lần đọc: 2383
Là chủ nhân của trên 90% di tích trong quần thể kiến trúc Đô thị cổ, người dân Minh An còn là chủ thể của những hoạt động sáng tạo văn hóa tinh thần, góp phần làm nên một Hội An - Di sản văn hóa thế giới.

Nằm ngay trung tâm đô thị của thành phố Hội An, phường Minh An có đến 858 di tích kiến trúc đã được xếp loại, trong đó có 162 di tích thuộc quản lý của nhà nước, 35 di tích tập thể và 662 di tích sở hữu tư nhân. Các di tích đều có niên đại trên cả trăm năm nhưng hầu hết vẫn được bảo lưu cho đến hôm nay. Đó là kết quả từ những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền và người dân Minh An cùng với sự hỗ trợ đắc lực của nhiều tổ chức, ban ngành chức năng trong và ngoài nước.

 

Trong hơn 10 năm qua, người dân đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng cùng với nhà nước sửa chữa, tu bổ gần 1.500 lượt di tích nhà ở, đền chùa, hội quán. Từng nhà đã tự chèn chống, di dời để vượt qua những mùa mưa lũ; từng mái ngói, bờ nóc, đầu hồi đã được tôn tạo, gia cố. Trong cuộc mưu sinh vất vả, mỗi người dân vừa phải “trông chừng” ngôi nhà của mình, vừa tìm tòi, học hỏi để cùng với địa phương và các ngành chức năng trùng tu phù hợp với các nguyên tắc bảo tồn. Mới đây, khi mở rộng không gian về phía bên kia sông Hoài, tạo nên một vùng đệm để phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh và bảo tồn khu phố cổ, 43 hộ dân ở 2 khối phố An Hội và Đồng Hiệp đã ủng hộ trên 2.000 mét vuông đất để xây dựng các công trình đô thị. Địa phương cũng đã cùng với nhân dân đầu tư gần 10 tỷ đồng tôn tạo các ngõ kiệt, trả lại nét nguyên sơ cho phố cổ.

 

Không chỉ giữ gìn nguyên vẹn các di sản văn hóa kiến trúc với những “biểu hiện vật thể nổi bật của sự giao hoà giữa các nền văn hoá”, nơi mà từng di tích đều có sự xuất hiện hòa quyện giữa các phong cách kiến trúc của người Việt, Hoa, Nhật, Pháp, cộng đồng cư dân Minh An còn đang lưu giữ cả hồn phố với những phong tục, tập quán, lối sống... làm nên những giá trị văn hóa phi vật thể tốt đẹp ngay trong lòng di sản.

 

Ông Võ Đức Bướm - Chủ Tịch UBND Phường Minh An cho biết: “Có thể thấy, những giá trị văn hóa phi vật thể đang được người dân Minh An giữ gìn và phát huy trong cuộc sống hằng ngày. Nếu không có giềng mối vững chắc, tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng và tình cảm sâu nặng với từng con đường, góc phố thì chúng ta không có di sản như hôm nay”.

 

Toàn phường hiện có 8.300 người, trong đó có hơn 1.200 người Hoa cùng chung sống hòa nhập. Mỗi ngôi nhà như một “bảo tàng sống”, không ít ngôi nhà là một bảo tàng cổ vật tư nhân, lưu giữ biết bao câu chuyện của quá khứ với lịch sử dòng tộc, kinh nghiệm đối nhân xử thế, làm ăn kinh tế, quan hệ bang giao... Cuộc sống trong phố cổ còn biểu hiện rõ nét nếp sống thị dân của một “đô thị thương cảng truyền thống ở Châu Á”; hầu hết cư dân đều buôn bán, kinh doanh thương mại và sản xuất các mặt hàng thủ công truyền thống. Điều đáng quý là hầu như tất cả các ngành nghề thủ công trong nhiều thế kỷ trước hiện vẫn đang được các thế hệ sau kế tục. Đặc biệt, nghề làm đèn lồng có quy mô lớn, mang lại doanh thu cao là kết quả của sự sáng tạo không ngừng trong lao động.

 

Những năm gần đây, Minh An là địa bàn tổ chức thường xuyên các lễ hội văn hóa du lịch, thể thao của tỉnh và thành phố. Việc xây dựng thành công dự án “Đêm phố cổ” và “Phố dành cho người đi bộ và xe thô sơ” thành sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và riêng có ở Hội An đã chứng tỏ sức sống, khả năng sáng tạo cũng như thụ hưởng văn hóa vô cùng phong phú của cộng đồng cư dân Hội An. Trong đó, người dân Minh An đóng vai trò như là chủ thể trong tất cả các lễ hội.

Nguồn: website Hoiantoday

Cùng chuyên mục