Hoạt động của ngành

Du lịch nội địa: Thu hút khách bằng những sản phẩm mới

Cập nhật: 10/04/2009 14:44:51
Số lần đọc: 2788
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam giảm đáng kể. Nhiều doanh nghiệp và nhiều địa phương đã tìm cách thu hút khách du lịch nội địa bằng những gói sản phẩm du lịch hấp dẫn với nhiều điểm đến mới, đồng thời đa dạng các sản phẩm du lịch.

Đà Nẵng: Tạo nhiều điểm du lịch mới

Nhằm hút khách trong bối cảnh đang có sự suy giảm mạnh, UBND TP. Đà Nẵng quyết định chọn một số địa điểm giải trí lành mạnh cho phép hoạt động về đêm đến 24 giờ, hỗ trợ kinh phí xây dựng các trích đoạn tuồng, xây dựng đội múa Chăm để tổ chức các show diễn phục vụ khách du lịch thường xuyên tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Thành phố tập trung phát triển dịch vụ đường sông, khảo sát tuyến mới, đóng mới tàu du lịch, lập các bến bãi thuận lợi và đề xuất chính sách thuế ưu đãi cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường thủy. UBND TP. Đà Nẵng cũng chỉ đạo tập trung sửa chữa đường ra bán đảo Sơn Trà để xây dựng các tuyến tham quan mới trong mùa du lịch 2009. Dự kiến sẽ có 4 tuyến được hình thành, gồm tuyến vòng quanh bán đảo Sơn Trà từ đường Yết Kiêu lên đỉnh Sơn Trà, ra bãi Bắc và trở về bãi Bụt, với chiều dài 35km. Tuyến này thuận lợi cho việc tổ chức các tour bằng ô tô, xe máy, xe đạp thể thao. Tuyến thứ 2 từ đường Yết Kiêu đến đồi Vọng Cảnh, sau đó xuyên rừng đến bãi Ôm hoặc bãi Tiên Sa với chiều dài 22km (trong đó có 5km xuyên rừng già) rất thích hợp với thanh niên, có thể ngắm nhiều cảnh đẹp và đặc biệt là khỉ, voọc... Tuyến thứ 3 từ bãi tắm Tiên Sa ra bãi Ôm và trở về Tiên Sa (đi dọc sườn núi phía Bắc bán đảo) có chiều dài 8km, qua rất nhiều suối. Tuyến thứ 4 thăm ngọn Hải đăng Sơn Trà (Đài Hải đăng Tiên Sa) nổi tiếng…

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn triển khai trùng tu, tôn tạo và nâng cấp các công trình văn hoá, di tích lịch sử, sưu tầm hiện vật văn hoá Chăm, Cơ tu trên địa bàn. Các Đoàn ca múa nhạc, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát Trưng Vương phục dựng và sáng tạo mới các vở kịch, trích đoạn, vở diễn trong kho tàng văn hóa dân gian cũng như từ hiện thực đời sống để phục vụ du khách. Công tác đầu tư du lịch đựơc chú trọng để đưa vào hoạt động và phát huy hơn nữa giá trị các dự án như Furama, Sơn Trà Spa & Resort... Bên cạnh đó, UBND thành phố còn tích cực phối hợp tổ chức, giới thiệu sản phẩm du lịch bằng đường hàng không, đường biển và đường bộ như tourt du lịch đường bộ qua tuyến hành lang Đông - Tây.

Đa dạng các sản phẩm du lịch

Nha trang

Với chương trình Festival biển 2009 diễn ra tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa) từ ngày 6 đến ngày 12/6/2009, thành phố biển Nha Trang cũng coi đây là một chiêu để thu hút khách du lịch. Đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Festival biển 2009 sẽ diễn ra nhiều hoạt động mang đậm nét truyền thống của địa phương, như: Lễ hội cầu ngư, thi đấu cờ người, đua thuyền thúng, triển lãm thư pháp... những hoạt động khá đặc sắc, lần đầu tiên “trình diện” ở Festival này như: đắp tượng cát, biểu diễn dù bay có động cơ, thực hiện tác phẩm điêu khắc từ kim loại phế thải... Bên cạnh đó, Festival Biển 2009 sẽ có sự trình diễn và xác lập các kỷ lục quốc gia, như: “chế biến tô phở lớn nhất Việt Nam”, “Cà phê wifi lớn nhất trên bờ biển”, “Dàn nhạc dân tộc đông nhất Việt Nam biểu diễn”, triển lãm tranh thêu kỷ lục...

Hà Nội

Các điểm du lịch làng nghề, một trong những loại hình du lịch hấp dẫn của Hà Nội. Để thu hút khách, nhiều làng nghề đã nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, tổ chức nhiều loại hình dịch vụ để phục vụ khách tham quan. Làng nghề Bát Tràng thành lập Công ty CP Du lịch Dịch vụ Thương mại Làng Bát Tràng với mục tiêu là phát triển du lịch làng nghề một cách chuyên nghiệp để giới thiệu với du khách về văn hoá, lịch sử cũng như hoạt động của làng gốm hiện tại. Bà con trong làng đang mong muốn thành lập một bảo tàng làng gốm theo phương thức xã hội hoá để phát triển du lịch.
Hà Nội hiện có 11 làng nghề truyền thống kết hợp du lịch, trong đó làng nghề Vạn Phúc (Hà Đông) và Bát Tràng (Gia Lâm) là hai điểm du lịch tiêu biểu. Hàng năm, các làng nghề này đón từ 8000 đến trên 10.000 lượt khách nước ngoài đến tham quan và hàng chục nghìn lượt khách nội địa tìm hiểu nghề thủ công truyền thống và mua sắm hàng hoá. Đặc biệt, du khách châu Âu và châu Mỹ rất ưa thích tìm hiểu các làng nghề truyền thống. Bên cạnh lợi thế xuất khẩu tại chỗ cho khách quốc tế, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại làng nghề còn nhận được nhiều đơn đặt hàng do khách du lịch mang lại.

Sa Pa

Thị trấn Sa Pa (Lào Cai) hiện đang phát triển du lịch theo hướng xã hội hóa với mục tiêu để đồng bào các dân tộc có thể tham gia làm du lịch. Đây được coi là chìa khóa để du lịch Sa Pa phát triển nhanh và bền vững; vì chỉ có người dân mới gìn giữ, bảo tồn cảnh quan, môi trường họ sống và vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình hiệu quả nhất. Sa Pa có 5 xã làm du lịch và có ban quản lý du lịch. Điển hình như xã San Sả Hồ của người Mông, Bản Hồ của người Tày, Tả Van (người Giáy), Tả Phìn (người Mông, Dao). Tới đây, Sa Pa mở rộng mô hình du lịch này ra thêm 6 xã. Tại các xã này, người dân xây dựng những nhà sàn quy mô để khách du lịch có thể ăn, ở, sinh hoạt cùng gia đình (homestay), và chủ nhà dệt thổ cẩm, làm đồ thủ công mỹ nghệ để bán cho khách. Những xã làm được việc này thì phụ nữ và trẻ em không đến thị trấn bán hàng rong, vì tại xã họ đã có dịch vụ tăng thu nhập.

Hiện tại, Sa Pa vẫn tập trung khai thác các tiềm năng về văn hóa. Ngành VH, TT và DL Lào Cai đang nghiên cứu mở thêm nhiều lễ hội để thu hút khách đến xem lễ hội, tìm hiểu các bản sắc văn hóa. Sa Pa cũng đang tập trung quảng bá các cảnh quan kỳ thú của Hoàng Liên Sơn để phục vụ du lịch mùa khô. Một Sa Pa mới đang hiện hình, chắc chắn sẽ thúc đẩy du lịch nơi đây phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của Sa Pa và của cả tỉnh Lào Cai.

Nguồn: Toquoc

Cùng chuyên mục