Hoạt động của ngành

Hoàng Su Phì (Hà Giang) - Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội

Cập nhật: 23/10/2015 08:59:27
Số lần đọc: 1364
Hoàng Su Phì, huyện vùng cao núi đất phía Tây của tỉnh Hà Giang, không chỉ được biết đến là địa phương thứ 2 trong cả nước có những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ được xếp hạng di tích Quốc gia mà còn là một vùng đất bảo tồn, lưu giữ nhiều lễ hội văn hóa dân gian độc đáo.

Độc đáo các lễ hội, lễ thức văn hóa dân gian

 

Cũng giống như lễ hội dân gian của các dân tộc tại các địa phương khác, các lễ hội của đồng bào dân tộc ở Hoàng Su Phì cũng gắn bó chặt chẽ với tín ngưỡng, tâm linh, chu trình canh tác, nông lịch sản xuất... Có thể kể ra như: Lễ cúng thần rừng của người Nùng ở xã Pố Lồ, lễ cúng hồn lúa của dân tộc Dao Đỏ xã Hồ Thầu, lễ cúng cơm mới của người La Chí ở xã Bản Phùng, lễ cúng Hoàng Vần Thùng của dân tộc Cờ Lao xã Túng Sán, Tết Ku Cù Tê của dân tộc La Chí xã Bản Phùng, Bản Máy, lễ cúng ma khô của dân tộc Nùng U, lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông xã Bản Péo... Trong đó, lễ hội Quyã Hiéng (lễ hội qua năm) của dân tộc Dao ở xã Hồ Thầu là một trong những lễ hội tiêu biểu vừa được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

 

 


Trò chơi đu quay của người La Chí, xã Bản Phùng đã thu hút đông đảo bà con địa phương và du khách tham gia, cổ vũ

 

Là lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Dao, thể hiện lòng sùng kính tổ tiên với ước nguyện một cuộc sống no đủ, giàu có, bình an, thịnh vượng, lễ hội Quyã Hiéng được tổ chức vào những ngày cuối cùng của năm cũ và ngày đầu năm mới tại các gia đình người Dao, với 3 đàn lễ: Bứa Hiéng cúng ở bàn thờ mang ý nghĩa báo hết năm cũ đã qua, xua đuổi quét sạch mọi bệnh tật rủi ro của năm cũ ra khỏi làng, cầu may cho năm mới; đàn lễ Siáng chà phin được sắp ở giữa nhà, nhằm cảm ơn tổ tiên phù hộ gia chủ khỏe mạnh trong năm; đàn lễ Sám háng (mâm cúng cơm cho tổ tiên) cầu mong các tổ tiên, thần vương thượng, hạ phù hộ cho con cháu làm ăn gặp nhiều may mắn. Sau lễ cúng là lễ xuất hành được thực hiện vào buổi sáng ngày đầu tiên của năm mới, nhằm đem lại nhiều tài lộc may mắn cho cả năm.

 

Lễ hội Quyã Hiéng, với những quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan được các thầy cúng nhắc lại qua các bài cúng tế từ thủa khai thiên lập địa, hình thành trời đất, vũ trụ, con người, mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, con người với con người và giữa con người với thế giới thần trong mối quan hệ Thiên - Địa - Nhân, cùng với nền tảng đạo đức kính trọng, thờ cúng tổ tiên, là dịp để cộng đồng người Dao tăng cường tinh thần gắn bó, cố kết cộng đồng.

 

Trong lễ hội, các hoạt động văn hóa dân gian, trò hội cũng hết sức phong phú, độc đáo và kỳ thú như: các điệu múa bắt rùa, múa tế trời, múa cầu tự (xin con)… của dân tộc Dao; hát ống, kèn môi, kèn lá, nhị, sáo… của đồng bào Mông; múa ngựa giấy, hát giao duyên… của đồng bào Nùng; các hội và trò chơi dân tộc như: hội chọi dê, thi gặt lúa, thi bắn nỏ, đánh yến, đánh sảng, đan lồng gà, đẽo sảng, làm tranh giấy, thi vật chày, nhảy lửa...

 

Bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội tại địa phương

 

Lâu nay, du khách thường chỉ biết đến Hoàng Su Phì qua những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn, hùng vĩ, tuyệt tác của tạo hóa và thiên nhiên, còn các hoạt động văn hóa, văn nghệ, phong tục tập quán, lễ hội tại Hoàng Su Phì ít người biết đến. Chính vì thế, Tuần Văn hóa - Du lịch Ruộng bậc thang huyện Hoàng Su Phì cuối tháng 9/2015 vừa qua, đã được tổ chức thành công, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho nhân dân và du khách thập phương. Du khách không chỉ chiêm ngưỡng các thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp đang vào vụ lúa chín, mà còn được thưởng thức và trải nghiệm các hoạt động lễ hội được tổ chức bài bản, công phu, thể hiện được nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây.

 

 


Tái hiện phần Lễ trong Lễ hội Quỹa Hiéng

Vốn dĩ, lễ hội dân gian gắn với đời sống, chứa đựng các giá trị văn hoá, lịch sử phong phú của đồng bào, do vậy, lễ hội trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng không thể thiếu trong đời sống của đồng bào và tự thân đã có sức sống. Trải qua thời gian, phần lớn các lễ hội ở Hoàng Su Phì cho đến hôm nay vẫn được đồng bào giữ gìn và phát triển, vẫn còn nguyên vẹn những giá trị văn hóa truyền thống. Mới đây, lễ hội Quyã Hiéng (cúng tổ tiên) được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, là một tin vui đối với địa phương nói chung và đồng bào Dao nói riêng, không những công nhận giá trị của nó trong đời sống cộng đồng mà quan trọng hơn, thông qua đó, góp phần khích lệ, động viên, nâng cao ý thức của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị quý báu của lễ hội./.

Nguồn: langvietonline.vn

Cùng chuyên mục