Hoạt động của ngành

Hướng đi đúng cho du lịch Hoàng Su Phì – Hà Giang

Cập nhật: 23/10/2015 08:13:44
Số lần đọc: 1046
Mặc dù thừa hưởng cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, lưu giữ một kho tàng văn hoá đặc sắc của các dân tộc thiểu số là những lợi thế quan trọng để phát triển du lịch. Nhưng đối với Hoàng Su Phì để tìm cho “ngành công nghiệp không khói” phát huy tiềm năng, lợi thế theo đúng hướng là bài toán mà địa phương đặc biệt quan tâm.

Tiềm năng và thực trạng du lịch

Là huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang nằm trên tuyến du lịch Bắc Hà - Lào Cai - Hà Giang - Cao Bằng, Hoàng Su Phì là nơi sinh sống của 12 dân tộc còn lưu giữ được rất nhiều vốn văn hoá truyền thống độc đáo và phong phú. Cùng với đó là điều kiện về khí hậu, thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ với những cánh rừng nguyên sinh, ruộng bậc thang, sông suối đầu nguồn sông Chảy, nương chè san tuyết cổ thụ, đỉnh Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi cao trên 2.400m so với mực nước biển... Đây những tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hoá cộng đồng.

 

Phát triển hạ tầng, dịch vụ du lịch và nguồn nhân lực được chú trọng theo hướng đẩy mạnh khai thác tuyến du lịch giữa các vùng miền có những nét văn hóa, cảnh quan thiên nhiên đặc trưng riêng rẽ, đi đôi với bảo tồn vốn văn hoá truyền thống và cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái để phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hoá cộng đồng, trải nghiệm, tham quan ngắm cảnh, du lịch tâm linh với sự tham gia của người dân địa phương.

 

Các làng văn hóa du lịch cộng đồng cũng được chính quyền tỉnh, huyện đầu tư hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình để xây dựng nhà cộng đồng, công trình vệ sinh, nhà tắm... theo mô hình Home stay tại một số thôn bản. Các tour, tuyến điểm dừng chân giữa các điểm du lịch trong và ngoài huyện được xây dựng và tổ chức thực hiện, song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ các nhu cầu du lịch. Các lễ thức văn hóa dân gian, vốn văn hóa truyền thống độc đáo của địa phương được khôi phục, tổ chức để thu hút khách du lịch.

 

Sau nhiều năm triển khai hoạt động du lịch Hoàng Su Phì đã đạt được những kết quả nhất định, hoạt động khai thác, kinh doanh bước đầu có hiệu quả. Lượng khách du lịch đến tham quan trên địa bàn huyện tăng ổn định qua các năm, trung bình tăng 25%/năm, riêng năm 2014 tổng số khách du lịch tới huyện trong năm 2014 đạt trên 6.570 lượt trong đó khách trong nước là 4.350 lượt, khách nước ngoài 2.220 lượt. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch Hoàng Su Phì thời gian qua chưa thực sự đồng đều trên các lĩnh vực và mới chỉ tập trung chủ yếu vào du lịch sinh thái. Các loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch văn hoá cộng đồng, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa phát triển. Vì là lĩnh vực mới nên hoạt động du lịch còn nhiều khó khăn, thách thức...

 

Hướng đi nào cho du lịch Hoàng Su Phì?

 

Trong những năm tới, huyện Hoàng Su Phì xác định du lịch là một trong những lĩnh vực được ưu tiên đầu tư phát triển, trong đó chú trọng khai thác tiềm năng về các tuyến du lịch, điểm du lịch sinh thái và du lịch văn hoá cộng đồng.

 

Những mục tiêu cụ thể gồm thiết lập hoàn chỉnh 04 tuyến du lịch giữa các xã trong huyện, quy hoạch hoàn chỉnh các điểm du lịch cần đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng về du lịch cho các hộ gia đình, các thôn bản thuộc tour du lịch, điểm du lịch được quy hoạch, phát triển các dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, chú trọng công tác quản lý, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, quảng cáo, liên doanh, liên kết...

 

Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng đầu tư xây dựng các điểm du lịch nhằm tạo điểm nhấn tại thôn Suối Thầu xã Bản Luốc, thôn Nậm Hồng xã Thông Nguyên, đỉnh Chiêu Lầu Thi xã Hồ Thầu... Ngoài ra, tại các điểm nghỉ trên các tuyến du lịch đã được xác lập, huyện tiếp tục hỗ trợ đầu tư và các hộ gia đình mua sắm, xây dựng một số hạng mục đảm bảo các tiêu chuẩn của du lịch cộng đồng để cung cấp các dịch vụ ngủ nghỉ và trải nghiệm cho khách du lịch... Tập trung đầu tư xây dựng, tôn tạo các điểm du lịch, xây dựng làng văn hóa gắn với thương hiệu sản phẩm du lịch. Hoàn chỉnh các tour, tuyến, điểm du lịch nhằm tạo được sức thu hút thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế. Cùng với đó, luôn đảm bảo chất lượng dịch vụ, sản phẩm, thúc đẩy việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người và tài nguyên du lịch địa phương, đi đôi với xây dựng các tiêu chí về thực hiện nếp sống văn minh khi giao tiếp với khách du lịch, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái đi đôi với khám phá, trải nghiệm...

 

Ngoài ra, triển khai các cơ chế hỗ trợ về thủ tục đầu tư, lưu trú, đăng ký lưu trú cho khách du lịch, đảm bảo an ninh, miễn giảm thuế, phí các hoạt động du lịch đối với các doanh nghiệp tham gia đầu tư kinh doanh du lịch tại huyện, hỗ trợ mặt bằng theo nhu cầu của doanh nghiệp và điều kiện của địa phương, hỗ trợ phát triển các dịch vụ du lịch như nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng..., đảm bảo kinh doanh khai thác du lịch bền vững, cạnh tranh lành mạnh, từng bước hình thành thị trường du lịch tại huyện Hoàng Su Phì.

 

Từ cuối năm 2014, đã có một số tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư hỗ trợ và khai thác du lịch tại Hoàng Su Phì, trong đó Tổ chức HELVETAS của Thụy Sỹ đã tới khảo sát lập dự án và chuẩn bị các điều kiện cho cho việc triển khai Dự án cải thiện sinh kế cho đồng bào miền núi thông qua du lịch cộng đồng. Hiện tại, Dự án đang trong giai đoạn hoàn tất các thủ tục chuẩn bị cho việc ký kết các văn kiện hỗ trợ đầu tư.

 

Từ việc đúc rút những kinh nghiệm về phát triển du lịch những năm qua cũng như qua quá trình trao đổi học hỏi kinh nghiệm về phát triển du lịch của các địa phương có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực này như Mai Châu - Hòa Bình, Sa Pa - Lào Cai, huyện Hoàng Su Phì xác định việc phát triển du lịch của huyện chủ yếu tập trung cho lĩnh vực du lịch sinh thái và du lịch văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng phát triển du lịch cũng cần phải tập trung theo hướng bền vững và hiệu quả, tránh phát triển nóng. Đặc biệt chú trọng việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch du lịch để tránh phá vỡ cảnh quan môi trường sinh thái đặc trưng. Gắn du lịch với việc bảo tồn văn hóa truyền thống, ngăn chặn tình trạng đeo bám du khách, bán hàng rong... đồng thời tạo sự bình đẳng trong kinh doanh du lịch để cộng đồng, người dân cùng được tham gia các hoạt động kinh doanh khai thác du lịch theo quy định. Đi liền với nó là việc vận dụng các chính sách và triển khai các giải pháp đầu tư, hỗ trợ, thực hiện cơ chế hỗ trợ, phát triển du lịch cũng như các giải pháp về tổ chức quản lý phải được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả và xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn...

 

Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế sẵn có của Hoàng Su Phì, việc tạo điểm nhấn du lịch thông qua những giải pháp đồng bộ, cùng sự quan tâm đầu tư đúng mức sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động du lịch của địa phương chuyển mình đi lên./. 

Nguồn: langvietonline.vn

Cùng chuyên mục