Hành trang lữ khách

Khai thác tiềm năng du lịch sinh thái hồ Ðại Lải (Vĩnh Phúc)

Cập nhật: 14/09/2012 08:15:30
Số lần đọc: 1754
Hồ Ðại Lải nằm gần dãy núi Tam Ðảo, thuộc hai xã Ngọc Thanh và Cao Minh, thị xã Phúc Yên của tỉnh Vĩnh Phúc, cách Hà Nội gần 50 km về phía tây bắc. Ở nơi non nước hữu tình này, cảnh quan hoang sơ dường như vẫn còn nguyên vẹn là điểm đến hấp dẫn người dân Thủ đô và các tỉnh, thành phố lân cận.

Khách du lịch tham quan hồ Ðại Lải bằng thuyền buồm

Chúng tôi đến Ðại Lải vào một ngày thu đầy nắng và gió. Với diện tích tự nhiên khoảng 1.500 ha, diện tích mặt nước 525 ha, nhìn từ trên cao hồ như  tấm gương soi in bóng mây trời. Quả thật, thiên nhiên đã ưu ái khi  "tặng" Ðại Lải nhiều cảnh đẹp: hồ nước rộng mênh mông, lòng hồ thăm thẳm, nước trong veo với những bãi tắm rộng thoai thoải giữa mầu xanh ngút ngàn của cây cối... Xa xa là núi, đồi với những ốc đảo lô nhô, tròn trĩnh như ngọc, khí hậu ôn hòa, rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái. Mầu xanh của cây thông, mầu tím của hoa sim, hoa mua giữa núi, đồi miền đất trung du đã thôi thúc chúng tôi thả bộ lên rừng lắng nghe tiếng thông reo vi vu trong gió như một "bản nhạc" du dương, khám phá vẻ sơ khai của núi rừng. Từ rừng đi xuống, dừng chân nghỉ tại quán nước ven hồ, anh Lịch, 46 tuổi, chủ quán nhiệt tình chỉ dẫn như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Là người sinh ra và lớn lên trên vùng đất này, anh cho biết, trước kia khi chưa có hồ, vùng này khô cằn, đất đai bạc màu sau những trận mưa lũ lớn, nước dâng lên cao cuốn phù sa đi. Năm 1959, hồ chứa nước được khởi công và sau gần năm năm thì hoàn thành nhằm mục đích tích nước phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp. Từ năm 2005 đến nay, nhận thấy tiềm năng du lịch của vùng hồ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có quy hoạch chung Khu du lịch Ðại Lải  nhằm xây dựng nơi đây thành khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí phục vụ du khách trong nước và ngoài nước. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, với chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh, khu du lịch đã và đang thu hút một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, điểm vui chơi, giải trí cao cấp như: Flamingo Ðại Lải, đảo Ngọc... Ðại Lải lúc nào cũng đông du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng nhưng tấp nập nhất là vào những dịp cuối tuần, ngày nghỉ lễ. Mọi người đến đây ngoài việc thư giãn còn tham gia các hoạt động vui chơi giải trí trên lòng hồ như du thuyền, đạp vịt nước, ca-nô cao tốc... Nơi đẹp nhất là trung tâm hồ vì ở vị trí này mới nhìn thấy toàn bộ các ốc đảo trên hồ.

Anh Thuận, 40 tuổi, chủ nhân du thuyền Ðại Tiến 1 chở chúng tôi ngao du trên hồ cho biết, gia đình mạnh dạn đầu tư ba chiếc du thuyền để phát triển du lịch, mỗi chiếc ngót nghét 700 đến 800 triệu đồng. Hiện tại, anh có chín người thay nhau lái thuyền phục vụ khách, lương trung bình hơn ba triệu đồng/người/tháng, mức thu nhập tương đối ổn định so với nhiều người dân ở vùng trung du này. Mải trò chuyện chúng tôi đến đảo Ngọc lúc nào không biết. Ðảo Ngọc rộng sáu ha, nằm ngay giữa mặt hồ. Thấy chúng tôi tò mò xuất xứ tên đảo, ông Tiến Minh, người quản lý đảo xởi lởi: "Xưa kia gọi là đảo Cò vì hai ba chục năm trước cò nhiều vô cùng, chiều chiều những cánh cò trắng bay về trong hoàng hôn soi bóng mặt nước nên người ta gọi là đảo Cò. Sau này đảo được đầu tư thành khu vui chơi khá kỳ công nên người ta gọi là đảo Ngọc". Trên đảo, có một công viên nhân tạo hiện hữu giữa không gian trời nước bao la. Phong cảnh ở đây thanh bình với những rừng tre đan xen nhau, các đôi nam nữ tay trong tay, nhịp tim hòa lẫn nhịp tim, vừa đi dạo vừa nghe tiếng chim hót véo von... Nhiều đôi uyên ương  đến đây chụp ảnh cưới, lưu lại những khoảnh khắc hạnh phúc của cuộc đời. Ẩn hiện bên trong những thảm cây xanh biếc trên đảo là những nhà nghỉ mang nhiều kiểu dáng kiến trúc nằm rải rác ven hồ. Theo chủ đầu tư, các khu vui chơi phục vụ du khách: công viên nhạc nước, hồ câu cá, sân gôn... đang trong giai đoạn hoàn thiện để công trình sớm chính thức đi vào hoạt động.

Một điểm nữa gây ấn tượng mạnh với chúng tôi khi tới đây là thái độ của người dân. Họ sống chân chất, nhân hậu, mến khách và không có khái niệm "chặt chém" như một số nơi khác. Trò chuyện với nhóm du khách chuẩn bị xuống bãi tắm, chị Hương, nhân viên một công ty kinh doanh ở Hà Nội cho biết, lần đầu đến và ngạc nhiên bởi thiên nhiên nơi đây thật trong lành, cảnh quan đẹp, giá cả hợp lý, nhiều món ăn ngon như: thịt trâu cuốn lá lốt, lợn lửng, gà chạy bộ ướp xả, hành khô, nướng bằng than hoa nguyên con... rất hấp dẫn. Kết thúc câu chuyện, chị Hương khẳng định: "Tôi sẽ còn nhiều dịp cùng gia đình trở lại nghỉ dưỡng tại đây vào các ngày nghỉ cuối tuần".

Lời hứa sẽ quay trở lại của khách du lịch là tín hiệu đáng mừng đối với Ðại Lải. Với những gì hiện có, khu du lịch Ðại Lải đang dần khẳng định là một trong những điểm nhấn hấp dẫn của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và miền bắc nói chung. Những nhà quản lý du lịch Vĩnh Phúc đã biết phát huy thế mạnh của ngành công nghiệp "không khói" nhưng vẫn giữ gìn được môi trường sinh thái và không gian văn hóa, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan. Hy vọng, tương lai không xa, đây sẽ là điểm đến không thể thiếu của du khách trong các tua du lịch ở các tỉnh phía bắc./.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục