Hoạt động của ngành

Đồng Tháp: Từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng Du lịch

Cập nhật: 08/08/2011 08:07:15
Số lần đọc: 2390
Thời gian vừa qua tỉnh Đồng Tháp đã từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch nhân văn, mang đến sự hài lòng cho du khách, góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong tỉnh.

Đồng Tháp được biết đến với các địa danh: vùng đất ngập nước Vườn quốc gia Tràm Chim - Tam Nông, khu di tích gò Sa Đéc, bãi tắm An Hoà, Cồn Tiên, hơn 44 làng nghề nằm trải dài qua các huyện: Lai Tháp, Xẻo Quýt, khu mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc, khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, làng hoa kiểng Vung, Lấp Vò, Châu Thành, Tân Hồng, Hồng Ngự. Với các lễ hội truyền thống như: lễ giỗ Đốc Binh Vàng, lễ vía bà Chúa Xứ; các món ăn đặc sắc như: nem Lai Vung, hủ tiếu Sa Đéc, bánh phồng tôm Sa Giang, quít hồng Lai Vung... ngành du lịch của Đồng Tháp hứa hẹn sẽ mang đến phát triển mạnh ngành du lịch Đồng Tháp.

Trước tiềm năng to lớn đó, tỉnh Đồng Tháp đã quy hoạch tổng thể phát triển 19 khu - điểm du lịch trong đó 5 khu, điểm du lịch trọng điểm thuộc cấp tỉnh quản lý và ưu tiên đầu tư. Với định hướng đúng đắn, những năm qua, kinh tế du lịch của Đồng Tháp đạt được nhiều kết quả tích cực, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề hỗ trợ khác, đặc biệt, văn hóa bản địa đặc thù của Đồng Tháp có cơ hội được quảng bá, giao lưu với văn hóa vùng, miền trong cả nước và khu vực. Số lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến với Đồng Tháp ngày càng tăng. Năm 2010, du lịch Đồng Tháp đã đón tiếp trên 1,1 triệu lượt khách, trong đó có gần 21.000 khách nước ngoài với tổng doanh thu đạt khoảng 118 tỷ đồng.

Giai đoạn từ nay đến 2015, tỉnh Đồng Tháp sẽ phấn đấu đón và phục vụ hơn 2 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 47.000 khách quốc tế với tổng doanh thu là 360 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn trên 12%.

Thời gian tới, để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ban, ngành thực hiện các giải pháp: đầu tư cơ sở hạ tầng, ưu tiên các điểm du lịch trọng điểm như: Khu du lịch Xẻo Quýt, Khu di tích Gò Tháp, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, làng hoa Sa Đéc, Vườn Quốc gia Tràm Chim. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ mở rộng và bổ sung các dịch vụ tại các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, đổi mới phương thức kinh doanh, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ du lịch, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, nâng cao chất lượng phục vụ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến với Đồng Tháp.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục