Hoạt động của ngành

Khai thác tiềm năng để phát triển du lịch Sơn La

Cập nhật: 03/08/2011 09:13:33
Số lần đọc: 3142
Những năm gần đây, Sơn La không chỉ được biết đến bởi công trình thủy điện lớn nhất Ðông - Nam Á, mà vị trí địa lý, cảnh sắc thiên nhiên, khí hậu trong  lành, cùng với nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc đã tạo cho vùng đất này cơ hội phát triển ngành du lịch. Tiềm năng lớn, sở hữu một nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc sắc, song định hướng phát triển ngành "công nghiệp không khói" này của tỉnh còn nhiều việc phải bàn.

Thác Dải Yếm huyện Mộc Châu (Sơn La) thu hút đông khách du lịch tới tham quan.Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 300 km, nằm trên trục quốc lộ 6 nối với quốc lộ 279 và 32, Sơn La được ví như cái chuôi quạt nối với các tỉnh Ðiện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái để hình thành một vòng cung trong hành trình du lịch qua miền Tây Bắc.

Sơn La có địa hình núi cao, bị chia cắt bởi lưu vực sông Ðà và sông Mã để rồi hình thành nên hai cao nguyên Mộc Châu và Nà Sản. Kiến tạo địa chất chủ yếu núi đá vôi có địa hình Kast khá phổ biến, bị bào mòn hàng triệu năm đã tạo nên những hang động kỳ thú thu hút khách du lịch, như: hang Chi Ðẩy (Yên Châu), hang Bản Ôn, hang Dơi (Mộc Châu). Sự đa dạng về sinh học, địa hình chia làm ba vùng, gồm vùng thấp, vùng cao và vùng lòng hồ sông Ðà đã hình thành các vùng tiểu khí hậu đa dạng, với nhiệt độ trung bình 21 oC. Tiêu biểu là cao nguyên Mộc Châu, từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất mát mẻ, thuận lợi phát triển chăn nuôi bò sữa, trồng chè và cây ăn quả vùng ôn đới, nay đang nổi lên thành quần thể du lịch lớn ở Tây Bắc.

Theo thống kê, Sơn La có 59 di tích, trong đó có mười di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 29 di tích cấp tỉnh. Nổi bật, phải kể đến di tích lịch sử bảo tàng và nhà tù Sơn La, trên đồi Khau Cả, di tích lịch sử văn bia vua Lê Thái Tông, trên hang Thẳm Ké tại thành phố Sơn La. Ngoài ra, Sơn La còn rất nhiều các điểm di tích lịch sử, danh thắng du lịch khác, như: Kỳ đài Thuận Châu (nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc), tượng đài TNXP ngã ba Cò Nòi, tháp Mường Và, hệ thống các danh thắng Mộc Châu, v.v. Về giá trị văn hóa truyền thống, các lễ hội dân tộc ở Sơn La rất phong phú. Mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc sắc riêng. GS, TS Tô Ngọc Thanh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng từng cho rằng, đây là một trong cái nôi văn hóa gốc của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc. Những năm gần đây, phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển mạnh, bản nào cũng có đội văn nghệ. Toàn tỉnh có hơn 900 đội văn nghệ thường xuyên hoạt động góp phần quảng bá hình ảnh Sơn La - Tây Bắc.

Lượng khách du lịch đến Sơn La những năm gần đây tăng nhanh. Năm 2010 lượng khách đạt 380 nghìn lượt khách, tăng 2,4 lần so năm 2005. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 32 nghìn lượt khách, tăng 1,9 lần. Thu nhập từ hoạt động du lịch đạt 185 tỷ đồng, góp phần tích cực vào phát triển - kinh tế - xã hội địa phương. Theo đó, mạng lưới cơ sở lưu trú, khách sạn nhà nghỉ cũng tăng nhanh. Toàn tỉnh có 105 cơ sở lưu trú, với 1.500 phòng nghỉ, trong đó 28 khách sạn, 75 nhà nghỉ, bước đầu đáp ứng được nhu cầu của khách.

MẶC dù tiềm năng du lịch rất lớn, tăng trưởng của ngành du lịch phát triển khá, song đánh giá chung của các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, phát triển du lịch Sơn La chưa tương xứng với tiềm năng. Ðặc biệt, nhận thức và cách làm du lịch chưa theo kịp với xu thế mới, cơ sở vật chất và phương thức hoạt động chưa đầu tư bài bản, có chiều sâu, đi tắt đón đầu. Những nhận định trên, cấp ủy chính quyền địa phương cũng đã nhận thấy, nhưng trong điều kiện một tỉnh nghèo, còn phải giải quyết những vấn đề cấp bách khác nên việc đầu tư, quan tâm lĩnh vực này còn hạn chế. Trong hơn 20 năm bắt đầu triển khai các chương trình phát triển du lịch, tỉnh Sơn La đã cố gắng thống kê, công nhận các di tích, quy hoạch, định hướng phát triển vùng, xây dựng một số đề án du lịch, song việc đầu tư còn rất ít. Trừ việc đầu tư tôn tạo khu di tích bảo tàng nhà tù Sơn La, thu hút đầu tư khu du lịch Mộc Châu, còn các công trình, điểm du lịch khác hầu như không được đầu tư. Ðáng chú ý là vấn đề quy hoạch, định hướng lớn trong chiến lược phát triển du lịch Sơn La làm còn yếu. Nếu chưa đủ điều kiện đầu tư thì việc đầu tiên cần quan tâm là khoanh vùng, bảo vệ di tích, tránh tình trạng lấn chiếm, mua bán đất đai ngay trong các vùng quy hoạch, khiến việc giải phóng mặt bằng, giải quyết vướng mắc về sau phức tạp và tốn kém. Việc mời gọi thu hút đầu tư, tham vấn các nhà quản lý, tư vấn lĩnh vực du lịch là rất cần thiết, nhưng trong cơ chế thị trường cần tỉnh táo để tìm được những nhà đầu tư có tâm huyết, tiềm lực.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La Lường Văn Ðịnh cho biết: "Muốn phát triển du lịch cần có một tầm nhìn và phải làm tốt công tác quy hoạch, quản lý du lịch". Nhận thức được điểm yếu, tìm cách khắc phục là điều quan trọng để du lịch Sơn La phát triển đúng tầm, đầu tư chiều sâu. Trong những việc lớn của năm nay, tỉnh Sơn La vừa quyết định tổ chức chương trình du lịch "Qua miền Tây Bắc - Sơn La năm 2011" diễn ra từ ngày 27/8 đến 2/9/2011. Ðây sẽ là chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch lớn nhất từ trước tới nay, với sự liên kết bốn tỉnh Hòa Bình - Sơn La - Ðiện Biên - Lai Châu.

Với tiềm năng thiên nhiên, con người của một vùng đất văn hóa còn khá hoang sơ, phát triển du lịch là một hướng quan trọng trong phát triển kinh tế  - xã hội, thực hiện xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững. Ðặc biệt, khi lòng hồ thủy điện Sơn La hình thành, công trình nhà máy đi vào hoạt động thì đây sẽ  còn là một điểm nhấn nữa tạo đà cho ngành "công nghiệp không khói" ở Sơn La phát triển mạnh mẽ hơn.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục