Hoạt động của ngành

Nho Quan (Ninh Bình) đề ra nhiều giải pháp hướng đến phát triển du lịch bền vững

Cập nhật: 28/07/2011 09:28:33
Số lần đọc: 3880
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy, huyện Nho Quan đã xây dựng kế hoạch hành động nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

Hiện Nho Quan có 7 khu, điểm du lịch bao gồm: Vườn Quốc gia Cúc Phương; Tắm ngâm nước khoáng Cúc Phương; Khu du lịch nghỉ dưỡng Thăng Long; Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương; Hang động Vân Trình, xã Thượng Hòa; Khu du lịch hang Bụt, xã Sơn Hà; Khu du lịch tâm linh Phủ Đồi Ngang, xã Phú Long. Số lượt khách tham quan du lịch năm 2010 và 3 tháng đầu năm 2011 là: 159.795 lượt người. Trong đó, số lượt khách lưu trú: 72.634 lượt người. Hoạt động du lịch có bước phát triển khá; số khách du lịch trong nước và quốc tế đến địa bàn tăng nhanh trong những năm gần đây.

Để bảo tồn và phát triển du lịch, ngoài việc phát huy nội lực Nho Quan đã kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng các khu du lịch, nâng cấp cơ sở hạ tầng và từng bước hoàn thiện trở thành hệ thống liên hoàn, tạo điều kiện tốt nhất cho du khách khi tham gia 1 tour du lịch. Đến nay, một số điểm du lịch lớn của Nho Quan đã phát huy hiệu quả và thu hút nhiều du khách như Khu du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Cúc Phương do Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng Thăng Long là chủ đầu tư với tổng số vốn đầu tư ban đầu 280,5 tỷ đồng. Đến nay, một số hạng mục chính của dự án cơ bản hoàn thành, trị giá khối lượng thực hiện khoảng 140 tỷ đồng. Các hạng mục đã triển khai là khu Resort, lễ tân, bar, spa, massage, văn phòng, hội trường, nhà tập golf, nhà tập thể hình, 2 sân tennis...

Với mục đích khai thác đi đôi xây dựng và bảo tồn từ nay đến năm 2015, Nho Quan tập trung thực hiện các dự án nâng cấp, hoàn chỉnh các tuyến đường giao thông phục vụ cho các tua du lịch; dự án tuyến hồ Yên Quang - đình Mống Lá (với sản phẩm du lịch là vui chơi bằng xe ngựa, du thuyền, câu cá); dự án du lịch đường sông Nho Quan - động Vân Trình bằng tàu thuỷ, kết hợp xây dựng khu công viên vui chơi thể thao, giải trí thị trấn Nho Quan; đầu tư nâng cấp các điểm di tích lịch sử khu cách mạng Quỳnh Lưu, nâng cấp đền Phủ Đồi, quy hoạch phục vụ khách du lịch tâm linh; các dự án khách sạn 3 sao ở thị trấn Nho Quan, Rịa và khu du lịch tắm ngâm Cúc Phương.

 

Có thể nói, Nghị quyết 15 của Tỉnh uỷ là một đòn bẩy quan trọng giúp định hướng cho Nho Quan phát triển du lịch. Để tận dụng lợi thế này, Nho Quan đã xây dựng một số giải pháp trước mắt cần làm ngay để phát triển du lịch theo hướng bền vững. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của công tác du lịch để mọi người dân có trách nhiệm tham gia xây dựng và phát triển du lịch. Thường xuyên có kế hoạch thăm quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm, rút kinh nghiệm về du lịch - xây dựng hoàn chỉnh quy chế, nội quy bảo vệ các tài nguyên ở các điểm du lịch, có phương án đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự tại các điểm du lịch và nơi lưu trú của lữ khách. Kết hợp du lịch với giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá (khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu; xây dựng nhà tưởng niệm Bác Hồ tại xã Lạng Phong).

Đầu tư phát triển đồng bộ hoàn chỉnh cơ sở vật chất kỹ thuật của các điểm du lịch và cơ sở hạ tầng phục vụ ngành du lịch. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng tăng của ngành Du lịch (chú trọng đến trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ, lễ tân, giao tiếp, chào mời khách…) bằng các hình thức đào tạo đa dạng, phong phú kết hợp đào tạo dài hạn với ngắn hạn… phấn đấu đến năm 2015 đạt 800 - 1.000 lao động chuyên hoạt động trong ngành Du lịch. Kết hợp phương thức Nhà nước - doanh nghiệp - hộ gia đình cùng tham gia đào tạo nguồn nhân lực.

Thu hút các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế, tham gia bỏ vốn đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện theo phương thức Nhà nước - doanh nghiệp - hộ gia đình và nhân dân cùng đầu tư xây dựng với nhiều loại hình kinh doanh cùng tham gia kinh doanh như: doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, Công ty cổ phần, HTX và hộ gia đình cá thể… nhằm không ngừng xã hội hoá mọi người cùng tham gia phát triển ngành Du lịch. Xây dựng cụ thể, chi tiết hệ thống giá dịch vụ phục vụ du lịch.

Khuyến khích nghiên cứu, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm làng nghề tiểu thủ công nghiệp phục vụ khách du lịch, chú trọng các sản phẩm: gốm, mộc, đá mỹ nghệ, thêu ren…, có kế hoạch khôi phục lại những phong tục tập quán, các lễ hội văn hoá dân gian như: múa cồng chiêng, bắn nỏ, cơm lam, dệt thổ cẩm ở các xã Thạch Bình, Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long… phục hồi lại các món ăn đặc sản dân dã như: thịt dê, thịt lợn mường, gà sao, ốc nhồi luộc, đậu phụ luộc…, khuyến khích xây dựng nhà nghỉ theo dạng nhà sàn, các kiốt du lịch để câu cá ở các tuyến hồ…, phát triển mạnh các vùng chuyên canh rau sạch, các trang trại chăn nuôi con đặc sản để phục vụ khách đến thăm quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm…, khai thác thế mạnh vùng rừng núi để phát triển cây thuốc nam chữa bệnh.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường và vệ sinh môi trường, nhất là những nơi gần điểm du lịch. Phát triển thị trường du lịch, đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến du lịch để thu hút khách du lịch đến thăm quan tại địa phương.

Nguồn: website báo Ninh Bình

Cùng chuyên mục