Hoạt động của ngành

Nghệ An: Đưa du lịch phát triển mạnh và bền vững

Cập nhật: 29/07/2011 08:21:24
Số lần đọc: 4033
Những năm qua, Nghệ An đã có nhiều chủ trương, biện pháp mang tính chiến lược tạo bước phát triển mới đối với ngành du lịch. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước, khu vực và quốc tế được triển khai tích cực.

Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được quan tâm. Quản lý nhà nước đối với du lịch ngày càng đi vào nề nếp. 5 năm qua đã thu hút 11 dự án đầu tư về du lịch với tổng số vốn trên 3000 tỷ đồng, nhà nước đã bỏ ra trên 500 tỷ đồng đầu tư các khu du lịch trọng điểm...       

 

Bằng phương thức xã hội hoá, việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật như: đường giao thông, hệ thống điện, nước, khuôn viên cây xanh ở các khu du lịch trọng điểm được tăng cường. Một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí lớn được đầu tư xây dựng. Hệ thống dịch vụ lưu trú đầu tư phát triển với tốc độ nhanh.


Đến nay, trên địa bàn Nghệ An có 470 khách sạn, nhà nghỉ với 10.853 phòng, 20.923 dường, tăng 45,6% so với năm 2005. Sản phẩm du lịch, dịch vụ ngày càng đa dạng và nâng cao chất lượng. Nhiều công trình văn hoá, di tích lịch sử được quan tâm đầu tư và bảo tồn tôn tạo.


Kỷ niệm ngày du lịch năm nay nhân dân Nghệ An càng tự hào về hoạt động du lịch đã góp phần giải quyết việc làm và tăng trưởng kinh tế. Bình quân 5 năm 2006-2010 các chỉ tiêu về du lịch tăng 14,4%. Riêng năm 2010 tổng lượt khách lưu trú đạt 2,74 triệu lượt, doanh thu 1003 tỷ 811 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2011 mặc dù lạm phát tăng cao, nhưng tổng lượng khách du lịch đến Nghệ An vẫn đạt 2,37 triệu lượt, trong đó lưu trú 1,39 triệu lượt, doanh thu 572 tỷ 380 triệu đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2010.


Tuy vậy, hoạt động du lịch Nghệ An đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nổi cộm nhất là chịu ảnh hưởng của mùa vụ, sản phẩm còn đơn điệu, chất lượng không đồng đều, khả năng cạnh tranh thấp; hoạt động lữ hành còn thiếu tính chuyên nghiệp, môi trường ở một số khu, điểm du lịch chưa đảm bảo; chất lượng nguồn nhân lực chưa theo kịp xu thế phát triển và hội nhập; một số dự án đầu tư chậm, dàn trải...dẫn tới tốc độ phát triển du lịch tuy tăng cao nhưng thiếu vững chắc; kinh doanh lưu trú có quy mô tăng khá nhưng công suất buồng, phòng chỉ đạt 54-56%.


Để phấn đấu đưa du lịch Nghệ An phát triển mạnh và bền vững, đến năm 2015 trở thành Trung tâm du lịch của vùng, doanh thu đạt 2300 tỷ đồng, đòi hỏi có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tích cực quyết liệt của các cấp uỷ, chính quyền và ngành chuyên môn.

 

Trước hết, cần đổi mới tư duy và cách làm. Đẩy nhanh xã hội hoá hoạt động du lịch, dịch vụ, khai thác các tiềm năng lợi thế đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các sản phẩm. Quảng bá sâu rộng hình ảnh và sản phẩm du lịch Nghệ An trên trường quốc tế. Bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động du lịch tham quan nghỉ dưỡng, thu hút khách nước ngoài, cần phát huy lợi thế phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, mạo hiểm, khai thác triệt để khách nội địa.

Nguồn: Báo Nghệ An

Cùng chuyên mục