Hành trang lữ khách

Ruộng bậc thang người Hà Nhì ở Ý Tý, Lào Cai

Cập nhật: 21/08/2012 09:17:20
Số lần đọc: 1854
Người Hà Nhì ở Ý Tý - Bát Xát - Lào Cai là một dân tộc nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang vào loại đẹp nhất trong cộng đồng các dân tộc ít người có truyền thống làm ruộng bậc thang. Với họ, dù địa hình có độ dốc cao hay thấp thì với trình độ và kinh nghiệm của mình, họ vẫn tạo ra được những thửa ruộng bậc thang đẹp và mầu mỡ.

Địa hình khai phá ruộng bậc thang

 

Cũng như các dân tộc khác khi làm ruộng bậc thang, người Hà Nhì làm ruộng ở những triền đồi cao, sườn núi có độ dốc khá lớn. Việc lựa chọn địa hình ruộng như vậy là do đặc điểm cư trú của họ thường ở những khu vực núi cao có độ dốc lớn. Khi đến với làng bản người Hà Nhì chúng ta có thể thấy rõ sự khác biệt về sự quần cư với những ngôi nhà trình tường như những cây nấm và những thửa ruộng bậc thang cao vút từ chân lên những đỉnh núi, nhìn xa trông như những bậc thang nối lên với bầu trời.

 

Với đặc điểm địa hình như vậy, ngay từ khâu lựa chọn đất, chọn nguồn nước và tính toán độ cao và độ dốc của địa hình, người Hà Nhì đã cho thấy một khả năng quan sát tinh tế đối với những thửa đất mà họ lựa chọn cho việc làm ruộng bậc thang của mình.

 

Kỹ thuật khai ruộng, chọn nguồn nước và canh tác

 

Khi đã lựa chọn được khu đất ưng ý cho việc làm ruộng bậc thang, người Hà Nhì sử dụng lao động sẵn có trong gia đình hoặc đổi công với người khác trong cộng đồng để khai phá thửa đất trên. Cỏ và cây trên khu đất được lựa chọn sẽ bị chặt và đốt tạo thành một lớp mùn tro dinh dưỡng cho chính khu ruộng đó.

 

Khi đã có được bề mặt khai ruộng, người Hà Nhì dùng cuốc cuốc đất đắp bờ tạo hình cho các thửa ruộng bậc thang nối tiếp nhau. Khi khai ruộng họ làm đất từ trên xuống lựa theo địa hình mà các thửa ruộng uốn lượn, to nhỏ khác nhau. Bờ ruộng được đắp chắc chắn để giữ nước và đi lại thăm ruộng thuận tiện hơn. Bờ ruộng tùy theo thửa mà người khai ruộng tạo mà có bờ to hay nhỏ.

 

Ruộng sở dĩ gọi là ruộng bậc thang bởi nó có nhiều bậc, mỗi bậc là một thửa ruộng nhỏ, các bậc nối tiếp nhau, càng nhiều bậc thì càng thể hiện được con mắt và kỹ năng của người chủ khu ruộng. Ruộng bậc thang bờ nối bờ từ trên cao xuống thấp, theo địa hình mà có được những đặc trưng mà chỉ có lên tới tận nơi xem mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của nó.

 

Ruộng sau khi đã hình thành, người Hà Nhì tiếp tục tiến hành khâu cày, cuốc đất để ngâm nước ủ đất phục vụ cấy cày. Với những khu ruộng có sẵn nguồn nước người Hà Nhì chỉ việc dẫn nước vào một cách đơn giản, còn với các khu ruộng không có sẵn nguồn nước thì họ thiết lập một hệ thống dẫn nước từ nguồn về. Nguồn nước ở vùng cao không phải lúc nào cũng sẵn có, nhiều khi họ phải đi tìm nguồn nước ở rất xa nơi canh tác, người Hà Nhì nổi tiếng với khả năng tìm nguồn nước và tạo hệ thống dẫn nước về tới khu ruộng của mình. Nước được dẫn vào qua các cửa nước, từ ruộng cao xuống ruộng thấp, hệ thống cửa dẫn nước được bố trí so le giữa ruộng trên với ruộng dưới để đảm bảo được lượng nước trong các thửa ruộng luôn có độ cân bằng không bị thừa hay thiếu nước và không bị sạt lở bờ ruộng. Sau khi đã hoàn thành khu ruộng người Hà Nhì bắt đầu tiến hành mùa vụ của mình.

 

Đến với Ý Tý, bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của núi non hùng vĩ cùng với những thửa ruộng bậc thang trông như một bức tranh đầy màu sắc vẽ lên các sườn núi, thấy màu xanh ngắt vào những lúc lúa trổ đòng hay khi lúa chín với một màu vàng chủ đạo rực rỡ, đường nét ruộng bậc thang hiện lên rõ hơn, mềm mại uốn lượn cùng những cơn sóng lúa tuyệt đẹp. Thấp thoáng trong những cơn sóng màu vàng đó là khu làng của người Hà Nhì với những mái nhà trình tường lẩn khuất giữa khu ruộng bậc thang trông giống như những cây nấm hương giữa khu rừng màu vàng đầy thơ mộng./.

Nguồn: Langvietonline

Cùng chuyên mục