Hoạt động của ngành

Bắc Giang: Phát huy giá trị các di tích lịch sử

Cập nhật: 14/08/2009 15:22:43
Số lần đọc: 1987
Các di tích lịch sử có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục cho mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước của dân tộc ta. Để làm tốt điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía.

Mùa thu đến, mỗi người dân đất Việt lại nhớ về những ngày Cách mạng Tháng Tám lịch sử và Quốc khánh 2/9 nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Xuyên suốt chặng đường lịch sử của dân tộc, các thế hệ cha anh đã phải đổ nhiều xương máu để giành lại độc lập, tự do và vẹn toàn lãnh thổ đất nước. Những năm tháng kháng chiến gian khổ đã qua đi, nay chỉ còn  những dấu tích lịch sử.

Bắc Giang với địa thế nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, nơi cửa ngõ đi về giữa 2 miền ngược, xuôi, lại là mảnh đất "phên dậu" của Thủ đô Hà Nội, nên tỉnh ta là mảnh đất từng diễn ra nhiều sự kiện trọng đại trong lịch sử với nhiều di tích lịch sử có giá trị. Theo các nhà sử học, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 1.300 di tích các loại, phân bổ ở hầu hết các huyện, thành phố. Mảnh đất và con người Bắc Giang luôn tự hào bởi những di tích lịch sử ấy, trong đó phải kể đến khu di tích lịch sử thành Xương Giang ở thành phố Bắc Giang; khu di tích Hoàng Hoa Thám (Yên Thế) hay khu di tích lịch sử cách mạng An toàn khu II (Hiệp Hòa), nơi diễn ra cuộc mít tinh khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên của toàn quốc trong cách mạng tháng Tám.

Nhằm phát huy truyền thống yêu nước hào hùng của dân tộc, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách đầu tư khôi phục và xây dựng nhiều điểm di tích lịch sử; tạo điều kiện thuận lợi để các thế hệ hôm nay được biết thêm về những chiến công và sự hy sinh lớn lao của lớp lớp cha anh đi trước. Nhiều tổ chức đoàn thể, nhất là các nhà trường trên địa bàn tỉnh cũng đã có những hoạt động thiết thực nhằm tôn tạo, giữ gìn những điểm di tích lịch sử thông qua những giờ ngoại khóa.

Tuy nhiên, những việc làm trên vẫn chưa nhiều, chưa đều ở các địa phương, đơn vị. Việc duy tu, sửa chữa và khôi phục nhiều điểm di tích vẫn chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Không ít điểm được coi là chứng tích lịch sử ngày càng bị xuống cấp, bị lãng quên và bị chính lớp trẻ xâm hại, khắc tên vào. Trong khi đó, công tác giới thiệu, trưng bày những hình ảnh, hiện vật liên quan đến khu, điểm di tích lịch sử nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước của dân tộc còn gặp nhiều khó khăn. Thường công tác này mới chỉ dựa trên sách vở, còn việc tổ chức những buổi tham quan, dã ngoại về những di tích lịch sử còn nhiều hạn chế.

Làm gì để khai thác hết những ý nghĩa, giá trị to lớn của các di tích lịch sử? Trước hết cần dành kinh phí thỏa đáng cho việc tôn tạo, bảo dưỡng những di tích lịch sử. Việc duy tu bảo dưỡng này không chỉ ở góc độ cải tạo, xây dựng những nhà bia tưởng niệm, mà còn cần khôi phục, tạo dựng những mô hình thu nhỏ nhằm tái hiện lại những chứng tích xưa để giới thiệu cho thế hệ trẻ biết rõ về một thời oanh liệt của dân tộc ta, cha ông ta. Bên cạnh đó cũng cần biên tập những cuốn sách, tập tranh giới thiệu về từng điểm di tích lịch sử để mọi người dễ dàng hiểu rõ về mảnh đất, truyền thống quê hương mình. Kinh phí cho công tác này có thể huy động dưới hình thức xã hội hóa "Nhà nước và nhân dân cùng làm".

Điều quan trọng nữa là các tổ chức đoàn thể, nhất là Đoàn thanh niên cùng các nhà trường nên thường xuyên quan tâm tổ chức cho thanh thiếu niên và học sinh có những buổi dã ngoại, tham quan các điểm di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Qua đó phát động phong trào giữ gìn, bảo vệ các điểm di tích lịch sử ở địa phương mình. Những hoạt động này có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống kiên cường của cha ông đi trước, đồng thời khơi gợi tinh thần yêu nước của dân tộc ta.

Nguồn: website báo Bắc Giang

Cùng chuyên mục