Hoạt động của ngành

Hát xoan Phú Thọ - Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp

Cập nhật: 14/08/2009 09:08:30
Số lần đọc: 1809
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn UBND tỉnh Phú Thọ xây dựng hồ sơ "Hát Xoan Phú Thọ" trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) xem xét đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Hát Xoan còn gọi là hát cửa đình, là hình thức nghệ thuật đa yếu tố, có cả nhạc, hát, múa, nằm trong thành phần các trò diễn hội làng. Hát Xoan thường được tổ chức vào mùa xuân. Các làn điệu Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước.

Hát Xoan chủ yếu là hát vào tháng Giêng, tháng Hai âm lịch theo tục giữ cửa đình, hát vào các ngày nhất định không thay đổi. Lịch hát và các địa phương hát Xoan giữ cửa đình là tục lệ chung cho các họ Xoan.

Trước đây, Phú Thọ có 18 làng hát Xoan, trong đó 4 phường Xoan được gọi theo tên làng là: An Thái, Phù Đức, Kim Đơi và Thét. Phường Xoan là một tổ chức văn nghệ nghiệp dư của những người cùng làng, phần lớn là có quan hệ họ hàng bà con với nhau. Xoan là tiếng hát làng chạ dâng thần linh cầu chúc, khấn nguyện thần linh ban phúc cho làng chạ với ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt…

Xưa kia hát Xoan được người dân rất yêu chuộng. Nhưng hiện nay, hát Xoan đang đứng trước nỗi lo thất truyền.Trước nguy cơ bị mai một, di sản văn hóa hát Xoan cần được bảo tồn và giữ gìn một cách nghiêm túc để cho thế hệ mai sau được hưởng một trong những tài sản tinh thần quý giá của ông cha.
Nguồn: Báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục