Hoạt động của ngành

Hà Nội: Khởi công tu bổ chùa Trấn Quốc

Cập nhật: 26/06/2009 08:06:26
Số lần đọc: 2289
Sáng nay 26/6/2009, ngôi chùa cổ Trấn Quốc (đường Thanh Niên, quận Tây Hồ, Hà Nội) sẽ bắt đầu diễn ra một loạt các hoạt động trùng tu, sửa chữa sau hơn 1.500 trường tồn bền bỉ với lịch sử.

Danh lam cổ tự bậc nhất Hà thành 

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa thì chùa Trấn Quốc là một ngôi chùa cổ bậc nhất Việt Nam được xây dựng từ thế kỷ thứ 6, thời tiền Lý Nam Đế (541-548) với tên gọi “Chùa Khai Quốc”. Đến năm Lê Bảo Đại (1440 – Lê Thái Tôn) được đổi tên hiệu là An Quốc, đến đời Lê Hy Tông (1675 - 1705) chùa tiếp tục được đổi sang tên hiệu Trấn Quốc - có nghĩa là giữ nước.

Trường tồn suốt hơn 1.500 năm lịch sử, chùa Trấn Quốc đã trở thành một danh lam cổ tự, là nơi gửi gắm văn hóa tâm linh hàng ngàn năm không chỉ riêng người dân Tràng An xưa, mà còn là niềm tin, niềm tự hào của nhân dân cả nước. 

Trải qua nhiều năm tháng với bao biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc, đến nay ngôi chùa vẫn giữ được những nét cổ kính, cùng rất nhiều hiện vật có giá trị: những pho tượng cổ rất đẹp, đặc biệt là pho tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn bằng gỗ thếp vàng lộng lẫy nặng hơn 60kg; hơn 100 tấm bia đá khắc ghi lịch sử ngôi chùa; 4 quả chuông đồng trạm khắc hoa văn tinh xảo được đúc cách đây đã vài trăm năm và gần 1.000 hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng... có giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể khác. 

Thượng tọa Thích Thanh Nhã - Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Trấn Quốc - cho biết: “Ngôi chùa cổ này đã từng nghênh đón hai vị vua thời nhà Nguyễn đến thăm là Vua Minh Mạng (đến thăm và cúng dàng chùa 20 lạng bạc để tu sửa vào năm 1821) và vua Thiệu Trị (năm 1842, trong chuyến tuần du ra bắc đến chùa cúng dàng một đồng tiền vàng và 5 quan tiền xanh, đổi tên hiệu là chùa Trấn Bắc, nhưng về sau nhân dân các nơi vẫn gọi là Trấn Quốc)”. 

Đã nhiều lần xuống cấp… 

Tính đến thời điểm hiện tại, chùa Trấn Quốc đã trải qua nhiều lần tu bổ và sửa chữa bởi hư hỏng và xuống cấp theo thời gian. Đáng chú ý, vào cuối thế kỷ thứ 18, chùa đã từng bị hoang phế. Xót xa sự việc chùa cảnh Trấn Quốc bị bỏ hoang, nhân dân tứ xứ đã cùng Hòa thượng Khoan Nhân phát tâm trùng tu lại nguyên trạng. Đến đầu đời nhà Nguyễn, chùa lại được sửa chữa, trùng tu, đúc chuông, tạc tượng để hoàn chỉnh tổng thể khuôn viên chùa nằm trên bãi đất rộng 3.000 mét vuông, giữa bốn bề là nước và hai hàng cau thẳng tắp vào đến cổng chùa cho đến ngày nay.

Chùa Trấn Quốc trở thành biểu tượng của Thủ đô, là điểm đến của nhiều du khách nước ngoài.

“Gần đây nhất, vào năm 2001, chùa cũng đã được tu bổ lại nhiều hạng mục xuống cấp tại tòa Tam Bảo, nhà thờ tổ và gác chuông. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, ngôi chùa cổ này đã có nhiều dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng như hư hỏng hành lang Tả hữu và cổng Tam Quan.

 

Đặc biệt, do sự biến đổi của thời tiết và thời gian nên cứ vào những ngày mưa lũ lớn, chùa Trấn Quốc thường bị ngập rất sâu, có lúc ngập nước lên đến gần 50cm trong nhiều ngày liền, khiến sinh hoạt và sự thăm thú của du khách, phật tử bị cản trở. Không những thế, những kết cấu bằng gỗ, các văn bia, tượng pháp có giá trị trong chùa cổ cũng bị đe dọa nghiêm trọng.

 

Vì thế, nhà chùa rất mong muốn trùng tu chùa, đây là việc làm khẩn thiết để bảo vệ chùa cổ cũng như kịp hoàn thiện các hạng mục để hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Gìn giữ và phát huy lịch sử văn hóa cổ xưa 

Trước tình hình cấp thiết cần phải xây dựng trùng tu các hạng mục đang bị xuống cấp tại ngôi danh lam cổ tự này, ngày 11/5/2009, UBND quận Tây Hồ đã ban hành quyết định số 1187 QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo chùa Trấn Quốc với các hạng mục nhà Tả, Hữu vu, cổng Tam Quan, Cầu đá và một số hạng mục khác sẽ chính thức khởi công tu tạo vào ngày 26/6/2009.

Ban tổ chức (BTC) khởi công xây dựng trùng tu chùa Trấn Quốc cho biết: “BTC chúng tôi sẽ cố gắng huy động mọi nguồn lực để hoàn thành các hạng mục trên vào tháng 8/2010. Các hạng mục tại chùa phải sử dụng lên đến khoảng 250 m3 gỗ, phần lớn trong đó cho việc phục dựng cổng Tam Quan chỉ bằng gỗ Lim”. Số tiền dự toán vào khoảng 15 tỷ đồng cho đến khi hoàn thiện cũng đã được BTC công bố. 

Bắt đầu từ ngày khởi công (vào lúc 8 giờ sáng nay 26/6), chùa Trấn Quốc sẽ chính thức phối hợp với UBND quận Tây Hồ để tham gia tích cực vào nhiều hoạt động văn hóa xã hội khác trên địa bàn, cùng chung tay triển khai các hoạt động thiết thực nhất hướng tới ngày đại lễ của dân tộc. 

Ngoài ra, UBND quận Tây Hồ cũng đã chính thức đề nghị và kêu gọi các cơ quan ban ngành liên quan cũng như các đơn vị, tổ chức, cá nhân hảo tâm đóng góp kinh phí giúp đỡ  cho việc xây dựng, trùng tu các hạng mục trong chùa Trấn Quốc thành công như dự kiến, kịp đưa công trình vào phục vụ ngày lễ lớn của dân tộc.

 

Nguồn: website báo Dân Trí

Cùng chuyên mục