Hoạt động của ngành

Gia Lai: Phát triển du lịch gắn với bảo tàng, di tích và lễ hội

Cập nhật: 25/06/2009 16:22:56
Số lần đọc: 2607
Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng đang hướng tới mục tiêu là điểm đến của thiên niên kỷ mới thì phát triển du lịch là một tất yếu.

Tuy nhiên để du lịch phát triển, chúng ta cần phải đảm bảo một nguồn lực- một tài nguyên phong phú nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang tính đặc thù của địa phương. Bên cạnh những ưu đãi của môi trường tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, Gia Lai được biết đến là một tỉnh có nguồn lực phát triển du lịch văn hóa, đặc biệt là bảo tàng, di tích và các hoạt động lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc của cư dân bản địa.

Là “ngành công nghiệp không khói”, ngành Du lịch đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, đạt hiệu quả cao đối với nền kinh tế của đất nước nói chung. Chính hoạt động du lịch đã góp phần tôn vinh và khai thác có hiệu quả các giá trị của di sản văn hóa dân tộc, nó không chỉ tạo ra diện mạo mới cho các hoạt động văn hóa địa phương mà còn góp phần thu hút nguồn du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của nhân dân.

Trong xã hội đương đại, bảo tàng, di tích và lễ hội là những nơi bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và là những minh chứng trực tiếp, xác thực dễ cảm nhận, đáp ứng được sự tìm hiểu thực tại của khách tham quan. Gia Lai với sự hiện diện của hai dân tộc bản địa Bahnar và Jrai có nhiều hoạt động trong đời sống cộng đồng còn bảo lưu được các yếu tố cổ truyền đặc sắc, thực sự kích thích sự tìm hiểu của du khách.

Những năm gần đây, Gia Lai đã từng bước thành công trong việc khai thác các giá trị di sản văn hóa dân tộc bằng con đường phát triển du lịch. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4 bảo tàng đang hoạt động, hơn 35 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 15 di tích được công nhận xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia, cùng hàng chục địa điểm dấu tích khảo cổ mang dấu ấn về xã hội loài người cổ xưa trên vùng đất này cũng như các hoạt động lễ hội mang đậm dấu ấn cổ truyền thường xuyên diễn ra trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay để việc khai thác và sử dụng nguồn lực di sản văn hóa tốt hơn trong phát triển du lịch văn hóa, tạo ra một sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn khách tham quan chúng ta cần quan tâm một số vấn đề sau:

Trước hết về cơ sở hạ tầng. Phần lớn các di tích trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, vì vậy cần tập trung nguồn vốn Trung ương và địa phương, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức kinh tế- xã hội và tất cả người dân để từng bước nâng cấp, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu di tích, tổ chức các lễ hội với quy mô lớn, các hoạt động trưng bày có chiều sâu tại bảo tàng….

Còn các hướng dẫn viên du lịch thì có trình độ ngoại ngữ  phương pháp truyền đạt tốt nhưng lại không nắm rõ giá trị của di tích, nội dung trưng bày của bảo tàng cũng như các ý nghĩa của hoạt động lễ hội… do vậy phần nào chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, đôi lúc còn làm sai lệch giá trị nguyên gốc. Chính vì thế ngành Du lịch và các ngành liên quan cần xem xét kỹ lưỡng vấn đề này để vạch ra kế hoạch, hướng đi thích hợp hơn trong giai đoạn mới. Đồng thời tăng cường quảng bá hình ảnh bảo tàng, di tích và lễ hội ở địa phương trên các phương tiện truyền thông, sách, ấn phẩm hoặc có thể cắm biển quảng cáo trên các trục đường chính, đường đi đến di tích. Nên tổ chức một số dịch vụ văn hóa, ăn uống lành mạnh, bán những sản phẩm mang đặc trưng văn hóa của địa phương tại khu di tích, bảo tàng. Không những thế, cần có phòng bán vé theo quy định tại các di tích tiêu biểu vừa tạo thuận lợi cho du khách vừa tăng thu nhập… 

Nguồn: website báo Gia Lai

Cùng chuyên mục