Hoạt động của ngành

Huế: Phát triển nghề thủ công truyền thống

Cập nhật: 23/06/2009 09:06:38
Số lần đọc: 2237
Nghề thủ công truyền thống có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo tồn di tích Cố đô Huế, nhất là với các nghề gốm, sơn mài, pháp lam vừa được tôn vinh tại Festival nghề truyền thống Huế 2009.

Có thể nhận thấy các công trình kiến trúc thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế, từ lầu son gác tía đến cổng, bình phong, tường thành, mái điện…đều được sử dụng phổ biến các loại vật liệu bằng gốm sứ để trang trí; bên trong các bộ khung gỗ, hệ thống liên ba đố bản của điện đường trong Hoàng thành và các khu lăng tẩm được trang trí bằng sơn mài. Pháp lam được trang trí trên công trình kiến trúc ở các phường môn, cổ diềm mái điện, bầu hồ lô tại Hoàng thành, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh, chùa Thiên Mụ… Trong số gần 10.000 cổ vật được lưu giữ ở Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế hiện nay có hơn 5.300 cổ vật là đồ gốm sứ, hơn 80 hiện vật là đồ pháp lam và khoảng hơn 40 hiện vật là đồ sơn mài; chiếm trên 50% tổng số hiện vật của của Bảo tàng. Phần lớn trong số đó là những cổ vật có giá trị cao, tiêu biểu cho mỹ thuật truyền thống Việt Nam trong thời nhà Nguyễn. Một phần trong số này đã và đang được trưng bày trong các sưu tập tại Bảo tàng, một số khác được trưng bày trong các điện đường, am miếu thuộc quần thể di tích cung đình Huế.

Mỗi năm, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đầu tư từ 40 - 60 tỉ cho công tác trùng tu di tích, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi và phát triển các ngành thủ công truyền thống, trong đó có 3 nghề gốm sứ, sơn mài và pháp lam. Về đồ gốm sứ, từ năm 2005 đến nay, Trung tâm đã triển khai các dự án phục chế đồ sứ ký kiểu để phục vụ việc trưng bày trong các di tích. Trung tâm phối hợp với các lò sứ ở Giang Tây (Trung Quốc) phục chế được 21 loại hình hiện vật với 491 bộ. Các đồ gốm sứ để trang trí di tích được thực hiện thường xuyên trong các dự án trùng tu, chủ yếu do các nghệ nhân, thợ giỏi của Huế thực hiện. Gần đây, nhiều công trình trùng tu di tích ứng dụng kỹ thuật ghép sành sứ truyền thống rất thành công như công trình trùng tu cung An Định, cung Thiên Định, cổng Hiển Nhơn, cổng Chương Đức…Các công trình trùng tu di tích đã thu hút nhiều thợ làm sơn mài có kỹ thuật cao tại Huế và từ nhiều địa phương khác như Nam Định, Bắc Ninh, Hà Nội. Thợ làm sơn mài được đào luyện thường xuyên, có cơ hội để phát triển kỹ thuật, kỹ năng cao; tuy nhiên thợ người địa phương tham gia chưa nhiều so với tổng số thợ làm sơn mài đang tham gia vào công tác trùng tu di sản tại Huế. Sau hơn 200 năm thất truyền (từ thời Minh Mạng), vừa qua một số nhóm nghiên cứu tại địa phương đã bắt tay vào việc nghiên cứu, bước đầu đã sản xuất thành công sản phẩm pháp lam để phục vụ công tác trùng tu di tích và hàng lưu niệm phục vụ cho ngành du lịch. Tại Huế hiện đã có 3 nhóm nghiên cứu và sản xuất đồ pháp lam là nhóm của TS. Nguyễn Nhân Đức (Doanh nghiệp Pháp lam Huế), nhóm của Trần Đình Hiệp (Công ty Xây lắp Huế) và nhóm của Đỗ Hữu Triết (Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế) nhưng đến nay mới chỉ có sản phẩm của nhóm TS. Nguyễn Nhân Đức được lựa chọn để phục vụ công tác trùng tu di tích Huế. Các sản phẩm pháp lam phục chế đã được sử dụng để trùng tu các di tích cửa phường môn (cầu Trung Đạo, sau cửa Ngọ Môn), cửa Nhật Tinh và Nguyệt Anh (sau điện Thái Hòa), tháp Phước Duyên (chùa Thiên Mụ) và điện Biểu Đức (lăng Thiệu Trị)...

Công cuộc bảo tồn, trùng tu di tích Cố đô Huế tạo ra môi trường thuận lợi cho các ngành nghề thủ công truyền thống phát triển. Qua thực tiễn trùng tu, đội ngũ thợ trẻ không ngừng được đào tạo và dần dần trở thành những thợ giỏi, có thể đảm đương được những công việc có kỹ thuật phức tạp, có tính nghệ thuật cao. Tuy nhiên, để các nghề thủ công truyền thống phát triển bền vững, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần có chính sách đào tạo các nghệ nhân là người địa phương đồng thời tạo cơ hội tốt cho họ làm việc và truyền nghề cho các thế hệ kế cận.

 

Nguồn: PATAVietnam

Cùng chuyên mục