Hoạt động của ngành

Vĩnh Phúc: Phát triển du lịch ở Sông Lô sẽ là mũi nhọn

Cập nhật: 28/06/2017 08:30:43
Số lần đọc: 1001
Là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Vĩnh Phúc, cách thành phố Vĩnh Yên khoảng 25 km và cách thủ đô Hà Nội khoảng 80km, Sông Lô có nhiều thuận lợi trong việc phát triển tiềm năng du lịch. Huyện có nhiều danh lam thắng cảnh gắn với các quần thể di tích mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa kết hợp với những điểm du lịch sinh thái thăm quan, nghiên cứu hấp dẫn du khách.

                               Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức (Ảnh: Internet)

Trên địa bàn huyện Sông Lô có nhiều danh lam, thắng cảnh gắn với các quần thể di tích mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa như: Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, Tháp Bình Sơn, chùa Vĩnh Khánh, Thác Bay, Hang Đề Thám, Bãi Bách Bung...; các lễ hội truyền thống như: Lễ hội bơi chải Tứ Yên, Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu..; các làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo như: hát Trống Quân Đức Bác, hát Sình ca của người Cao Lan…và nhiều sản phẩm thủ công, làng nghề truyền thống... Ông Nguyễn Bá Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Lô cho biết: "Sông Lô xác định việc phát triển du lịch sẽ là mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian tới. Để du lịch phát triển, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn căn cứ vào quy hoạch du lịch của tỉnh để đầu tư phát triển du lịch theo hướng "đi tắt đón đầu" như: Phát triển mạnh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với vui chơi, giải trí; tập trung khai thác tiềm năng du lịch văn hóa, tâm linh; tập trung việc bảo tồn vườn cò Hải Lựu...". Những năm gần đây, huyện đã quy hoạch và triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch như: Trùng tu xây dựng Tháp Bình Sơn, Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, làm điểm tựa để xây dựng chuỗi du lịch kết hợp du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, du lịch môi trường thiên nhiên, gắn với tâm linh, du lịch văn hóa phi vật thể và du lịch sinh thái như chuỗi du lịch Tháp Bình Sơn, núi Sáng Sơn với Hang Đề Thám, Thác Bay và vườn cò Hải Lựu. Nhờ vậy, hàng năm, huyện thu hút được hàng vạn du khách về thăm quan, vãn cảnh... Bên cạnh đó, huyện sẽ liên kết với các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh phối hợp mở các tua du lịch như: Tua du lịch Tam Đảo, Tây Thiên, tháp Bình Sơn, Thác Bay và vườn cò Hải Lựu...; tăng cường mở rộng thêm các lĩnh vực du lịch, dịch vụ phục vụ hội nghị, hội thảo...; tạo ra những sản phẩm du lịch có thương hiệu, mang nét đặc trưng riêng của huyện Sông Lô.

Mỗi di tích lịch sử hay danh lam thắng cảnh của huyện Sông Lô đều mang đậm giá trị về lịch sử văn hóa và tinh thần. Tiêu biểu là Tháp Bình Sơn 11 tầng, ở thị trấn Tam Sơn (được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt). Tháp là công trình kiến trúc bằng đất nung xưa nhất hiện còn lại ở miền Bắc nước ta, đồng thời, là tác phẩm nghệ thuật kiến trúc tạo hình quý giá. Bên cạnh Tháp Bình Sơn là điểm du lịch núi Sáng Sơn, xã Đồng Quế. Dãy núi Sáng Sơn nằm giữa núi tổ Nghĩa Lĩnh, núi mẹ Tam Đảo và núi cha Ba Vì. Chỉ trong phạm vi vài cây số, khu du lịch Sáng Sơn hội tụ cả một quần thể các điểm du lịch đặc sắc với những cái tên gọi như: Thác Bay, Hang Đề Thám, Bãi Bách Bung, hồ Bò Lạc, núi Hình Nhân, Ao Vua, Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức… Dãy núi Sáng Sơn hấp dẫn hàng vạn du khách, phật tử đến thăm quan, vãn cảnh.

Ông Đỗ Mạnh Hà, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin, huyện Sông Lô cho biết: "Với nguồn tài nguyên nhân văn đa dạng và phong phú là điều kiện thuận lợi để Sông Lô phát triển du lịch. Tuy nhiên, Sông Lô còn gặp nhiều khó khăn như cơ sở hạ tầng phục vụ cho thương mại – du lịch còn hạn chế, nhân viên chuyên trách về du lịch thiếu, yếu, các điểm di tích lịch sử xuống cấp còn thiếu kinh phí để trùng tu tôn tạo, chưa có khu du lịch hiện đại, chưa xây dựng đề án quy hoạch du lịch của huyện... Những điều này sẽ là một thách thức không nhỏ trong quá trình khai thác các tiềm năng phát triển du lịch Sông Lô".

Để phát triển tiềm năng du lịch của huyện Sông Lô, trong thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện Sông Lô đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư. Để khai thác tiềm năng, xây dựng ngành du lịch của huyện ngày càng phát triển, huyện sẽ xây dựng đề án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trên địa bàn huyện; huy động mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển du lịch như: Từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực du lịch chuyên nghiệp; kêu gọi, mời các nhà đầu tư vào phát triển du lịch sinh thái tâm linh; khai tháchiệu quả tiềm năng, lợi thế, cảnh quan thiên nhiên, trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa gắn với bảo vệ môi trường; huyện sẽ chủ động dành quỹ đất cho các dự án đầu tư du lịch..., tạo bước phát triển du lịch bền vững.

 

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Cùng chuyên mục