Hoạt động của ngành

Hòa Bình: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian trong các lễ hội

Cập nhật: 10/01/2013 09:51:05
Số lần đọc: 4327
Theo số liệu kiểm kê của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) toàn tỉnh có 172 di tích danh thắng đưa vào danh mục bảo vệ, 39 di tích được công nhận cấp quốc gia, 22 di tích cấp tỉnh, 124 địa chỉ phong tục, tập quán, tín ngưỡng (36 địa chỉ các lễ hội dân gian truyền thống của các dân tộc).

Trong năm 2012, nhằm tránh các biểu hiện tiêu cực, Sở đã chỉ đạo phòng VH-TT các huyện, thành phố tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội. Thực hiện ký cam kết giữa cơ quan QLNN và BTC lễ hội tại các địa điểm lễ hội lớn về thực hiện nếp sống văn hoá lễ hội, các quy định của Quy chế quản lý lễ hội. Đồng thời, duy trì thường xuyên công tác thanh-kiểm tra. Trong năm đã có 2 lễ hội xin chủ trương của UBND tỉnh cho phép phục dựng bằng nguồn ngân sách cấp huyện (rước Bụt Khụ Dúng, Mường Động); 2 lễ hội quy mô cấp huyện được duy trì tổ chức, 3 lễ hội do UBND các xã tổ chức, kinh phí từ ngân sách địa phương và nguồn xã hội hoá. Ngoài ra còn một số lễ hội ở các làng, bản có quy mô nhỏ, mang tính chất lễ nghi cho một cộng đồng.  

 

Trong việc tổ chức lễ hội, các địa phương đều tôn trọng theo truyền thống của các lễ thức: phần lễ, phần hội. Tuân thủ các quy định về tổ chức lễ hội, không có vi phạm lớn xảy ra. Thời điểm tổ chức các lễ hội hầu hết vào dịp đầu xuân năm mới, từ 1 - 3 ngày, bắt đầu từ mùng 4 Tết. Trong đó, 2 lễ hội kéo dài từ 2 - 3 tháng, phụ thuộc vào khách hành hương (chùa Tiên (Lạc Thuỷ), đền Bờ (Cao Phong, Đà Bắc). Việc tổ chức lễ hội đã thu hút được hàng triệu lượt người tham gia và thăm quan du lịch. Thông qua đó đã góp phần duy trì truyền thống, giữ gìn bản sắc dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.  

 

Tuy nhiên, công tác tổ chức quản lý lễ hội còn những tồn tại. Nói về vấn đề này, ông Đỗ Văn Hạnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, các lễ hội trên địa bàn tỉnh quy mô chưa lớn, thiếu kinh nghiệm trong tổ chức, chưa có quy hoạch cụ thể của tỉnh và của các địa phương. CSVC, trang thiết bị tại các điểm tổ chức lễ hội chưa đáp ứng nhu cầu và số lượng khách tham dự. Công tác tổ chức còn mang nặng tính hình thức sân khấu hóa, hình thức vay mượn, có khi pha tạp giữa lễ hội này với lễ hội ở nơi khác đang có chiều hướng gia tăng. Công tác tuyên truyền, quảng bá về lễ hội chưa được quan tâm đúng mức. Việc báo cáo của các địa phương về tổ chức lễ hội hàng năm thực hiện theo Quy chế lễ hội và Nghị định 103 của Chính phủ, Thông tư 04 của Bộ VH-TT&DL về quản lý các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa công cộng chưa được thực hiện nghiêm. Trong khi đó, kinh phí để tổ chức, phục dựng lễ hội còn hạn hẹp, xã hội hóa trong tổ chức lễ hội còn hạn chế. Một số lễ hội truyền thống đang và đã bị mai một, điển hình như: lễ hội cổ của đền Bờ (Cao Phong, Đà Bắc), đình Cổi (Lạc Sơn), Mường Thàng (Cao Phong), đình Ngòi (TPHB), Mừng xuân hạn khuống của dân tộc Tày Các hệ thống luật tục, lễ thức tín ngưỡng của các dân tộc hiện cũng phần nào bị mai một.  

 

Trên thực tế, khi tham gia vào các lễ hội lớn của tỉnh không khó để bắt gặp những mặt trái xuất hiện như: rút thẻ, bói toán, cúng thuê, cờ bạc trá hình, đốt đồ mã, đặt quá nhiều hòm công đức, đặt lễ, đặt tiền giọt dầu tùy tiện và tình trạng mất vệ sinh ATTP, chen lấn, xô đẩy, xả rác bừa bãi, đeo bám khách Nhằm khắc phục những yếu kém, mặt trái trong tổ chức lễ hội, Bộ VH-TT&DL đã có Chỉ thị số 251 ngày 04/12/2012 về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội. Đối với tỉnh, để đưa hoạt động lễ hội năm 2013 và những năm tiếp theo vào nề nếp, Sở VH-TT&DL sẽ lập đề án trình UBND tỉnh phê duyệt quay hoạch lễ hội tỉnh theo lộ trình lựa chọn các lễ hội tiêu biểu của các vùng, dân tộc mang tính tiêu biểu, đặc sắc, phân bổ theo hàng năm. Nâng cao hiệu lực QLNN trong công quản lý lễ hội, di tích, danh thắng. Trong đó, lập lại quản lý tại khi di tích đền Bờ (Cao Phong); triển khai khẩn trương các thủ tục để dự án tại khu di tích đền Bờ (Đà Bắc) sớm được khởi công. Tăng cường thanh - kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ đối với việc quản lý di tích và tổ chức lễ hội. Thực hiện tốt việc cấp phép tổ chức và ký cam kết giữa BTC lễ hội và nhà quản lý để lễ hội diễn ra thực sự có hiệu quả. Cùng với đó, chính quyền địa phương nơi diễn ra lễ hội cần tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh những tiêu cực; người đi lễ cũng cần nâng cao ý thức khi hành lễ. Sở VH-TT&DL đã gửi công văn đến các đơn vị trực thuộc yêu cầu cán bộ, cán bộ, viên chức, người lao động toàn ngành gương mẫu thực hiện nếp sống văn hoá lễ hội, không sử dụng phương tiện công và giờ hành chính đi tham dự lễ hội./.

Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục