Hoạt động của ngành

Sơn La: Phát triển nghề và làng nghề truyền thống gắn với du lịch

Cập nhật: 08/01/2013 14:56:28
Số lần đọc: 3444
Du lịch làng nghề đang trở thành hướng đi mới trong quá trình phát triển của du lịch Việt Nam. Ngoài những lợi thế như: cảnh quan thiên nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hóa, các làng nghề truyền thống còn có sức hút đặc biệt bởi mỗi làng lại gắn với bản sắc văn hóa hay một hệ thống di tích riêng có.

Du lịch làng nghề, du khách không chỉ ngắm nhìn khung cảnh làng quê thanh bình mà còn được tham quan nơi sản xuất, thậm chí có thể cùng tham gia quá trình tạo ra sản phẩm.

 

Đối với Sơn La, ngành nghề truyền thống ở khu vực nông thôn đã có từ lâu đời như: nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan, rèn, gốm, trồng lanh dệt vải, chế biến thịt khô, chuối khô, long nhãn... Hiện nay, còn phát triển thêm chế biến nông- lâm sản (chè búp khô; bún, bánh; chế biến gỗ...); sản xuất vật liệu xây dựng (gạch nung). Các sản phẩm của ngành nghề như: ghế mây, mâm mây, ếp khẩu, noong, nia, lu cở; vải, quần áo thổ cẩm, vỏ chăn, gối, đệm, mũ, khăn piêu, túi thổ cẩm, ví thổ cẩm... đã được trưng bày, giới thiệu và bán làm đồ lưu niệm và gia dụng tại các điểm du lịch. Tuy nhiên, những tiềm năng này vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả, còn thiếu các nguồn lực cho quá trình phát triển. Việc dự báo thông tin thị trường trong nước, trên thế giới đối với các ngành hàng tiềm năng để nắm bắt và phát huy hiệu quả cơ hội thị trường còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Sơn La chưa có làng nghề nào đạt được các tiêu chí theo Nghị định 66/2006-NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

 

Xuất phát từ thực tế đó, thời gian qua, ngành Nông nghiệp & PTNT đã chỉ đạo triển khai một số quy hoạch về phát triển nông - lâm nghiệp như: quy hoạch lại 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) trên địa bàn tỉnh; quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh giai đoạn 2009-2020; quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020; rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu mía, đường, cà phê tập trung; quy hoạch bãi cá đẻ, bãi sinh vật thủy sản còn non thuộc hồ chứa thủy điện Hòa Bình... Hiện nay đang triển khai quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mây, tre, bông vải; quy hoạch vùng phát triển cây cao su, phát triển bò sữa, cá nước lạnh. Quan điểm xuyên suốt của các quy hoạch đó là gắn phát triển kinh tế nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện. Phát triển nông nghiệp nông thôn phải đi đôi với việc giữ vững chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập, phù hợp với kinh tế thị trường. Phát triển nông nghiệp nông thôn toàn diện trên cơ sở phát huy ưu thế của từng vùng, từng địa bàn gắn với sản xuất nông- lâm nghiệp tập trung chuyên canh và công nghiệp chế biến. Ứng dụng tiến bộ KHKT công nghệ tiên tiến mới vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường, tiến tới xây dựng thương hiệu, đáp ứng thị trường trong và ngoài nước.

 

 Về phát triển nghề và làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên cơ sở sử dụng lao động tại chỗ, gắn sản xuất nông nghiệp, dịch vụ với với việc hình thành và xây dựng các cụm tổ chức dịch vụ, làng nghề. Thành lập các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối ở nông thôn, tạo môi trường thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, hình thành các khu cụm công nghiệp, du lịch và đô thị mới ở các huyện, thành phố để các doanh nghiệp, HTX có mặt bằng sản xuất, thu gom các sản phẩm làng nghề, hoàn thiện các khâu của quy trình sản xuất, bảo quản theo yêu cầu của khách hàng. Du nhập nhanh các nghề mới vào nông thôn theo phương châm “Làng có nghề rồi phát triển thành làng nghề”. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp, có chế độ đãi ngộ đội ngũ thợ lành nghề, nghệ nhân để có thể đảm đương khâu tạo mẫu, sản xuất những mặt hàng đòi hỏi độ tinh xảo, giá trị lớn. Quy hoạch làng nghề du lịch gắn với xây dựng thương hiệu tập thể và hệ thống sơ đồ, biển chỉ dẫn du lịch. Xây dựng nhà trưng bày sản phẩm tại làng nghề, trong đó có nơi thảo luận ký kết hợp đồng giữa các doanh nghiệp và xúc tiến thương mại. Đồng thời, có chỗ trình diễn sản xuất, chế tác sản phẩm của nghệ nhân làng nghề và là nơi du khách được trực tiếp tham gia tạo sản phẩm.

 

Những giải pháp trên được tiến hành đồng bộ và tích cực cùng với sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, nghề và làng nghề truyền thống sẽ trở thành điểm nhấn của du lịch Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng./.

Nguồn: Báo Sơn La

Cùng chuyên mục