Hành trang lữ khách

Trải nghiệm mới lạ ở Phong Nha - Kẻ Bàng

Cập nhật: 06/03/2012 14:17:57
Số lần đọc: 1606
Không chỉ lôi cuốn du khách bởi vẻ đẹp kỳ ảo, kiêu sa của các hang động, mới đây, Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng còn gây xôn xao dư luận bởi các nhà khoa học (tiến sĩ Phạm Đình Sắc và TS. Wilson Lourenco, thuộc Bảo tàng lịch sử tự nhiên Paris – Pháp) vừa phát hiện tại động Thiên Đường một loài bọ cạp mới và được đặt tên tiếng Việt là bọ cạp Thiên Đường...
Từ chiêm ngưỡng vẻ đẹp...
 
Đến với những cánh rừng bạt ngàn của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), du khách có thể khám phá sự đa dạng sinh học của rừng nguyên sinh; chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của một số loại động thực vật; tận hưởng những giây phút thư thái khi đắm mình trong dòng nước mát lạnh của dòng sông Chày...

Phong Nha - Kẻ Bàng là khu bảo tồn có độ che phủ và tỷ lệ rừng nguyên sinh lớn nhất trong các khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam. Chủng loại thực vật lớn nhất ở đây là rừng thường xanh ẩm, rậm nhiệt đới trên đá vôi cao 800m so với mực nước biển. Hơn 95% diện tích khu vườn quốc gia này được rừng bao phủ. Thực vật bậc cao gồm 1.762 họ, 511 chi, 876 loài. Trong đó có 38 loài được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam và 25 loài được ghi vào Sách Đỏ của IUCN (Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới) và 13 loài đặc hữu ở Việt Nam. Rừng nguyên sinh trên núi đá vôi ở Phong Nha - Kẻ Bàng điển hình với các loại thực vật đặc trưng như: chò đãi, chò nước, trầm hương, nghiến... trong đó có một số quần thể thực vật lớn được đánh giá là đặc biệt quý hiếm như bách xanh đá, lan hài đốm, lan hài xanh, lan hài xoắn. Ở đây có một khu vực rừng bách xanh được phân bổ trên đỉnh núi đá vôi với diện tích hàng nghìn ha, có tuổi 500 - 600 năm. Đây là quần thể bách xanh núi đá lớn nhất Việt Nam.

Từ Trung tâm Du lịch Văn hóa - Sinh thái Phong Nha ở bến phà Xuân Sơn, chúng tôi lên thuyền ngược dòng sông Chày để vào rừng sâu. Càng vào sâu, dòng chảy càng khúc khuỷu, lắm thác, nhiều ghềnh dẫn đến vùng rừng Trộ Mợng thăm hang Vòm nổi tiếng và những dòng suối trong, có màu nước xanh trông rất lạ mắt. Ở đây còn có nhiều địa danh hấp dẫn được gọi theo đặc điểm của rừng như suối nước Ngang - để chỉ một dòng suối chảy vắt ngang so với chiều chảy xuôi của các dòng suối khác trong vùng; đá Nằm - một hòn đá lớn nằm ngay giữa dòng thác chảy; suối nước Moọc - nơi nước cứ như được "mọc” ra từ lòng núi...

Theo đường Hồ Chí Minh nhánh phía Tây tới vùng Eo Gió, ta sẽ mục kích những vực đá vôi sâu đến hút mắt, rồi đến những cánh rừng nguyên sinh hoang dã nhất mà khi đi dưới tán cây cứ ngỡ như đang đi trong rừng vùng ôn đới, bởi rừng chỉ có cây cao, hoàn toàn không có cây bụi, dây leo bên dưới. Rừng bằng phẳng và rất sạch, có nhiều cây to đến 5 - 7 người ôm không xuể, là nơi nhiều thú rừng sinh sống như hươu, nai, chim, bò tót, hổ...

Nếu trở lại đường Hồ Chí Minh, rẽ sang phía Đông Bắc, đi bộ chừng 2km, ta sẽ qua vùng sinh thái khác là vùng hang E, Thung Tre. Đây là "vương quốc” của các loài chim - một vùng bằng phẳng rộng khoảng 2.000 ha, mọc đầy cỏ tranh và tre nứa, xung quanh được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi dựng đứng, cao hàng trăm mét.

Từ km 39 trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, du khách đi bộ khoảng hai giờ đồng hồ giữa rừng sâu để vào khu vực Đoòng. Trên đường vào sẽ bắt gặp nhiều động vật hoang dã như voọc chà vá, cầy mực, khỉ... nhảy nhót nô đùa dưới thảm thực vật dày. Không chỉ có thế, những cây gỗ lớn có đường kính đến vài người ôm, cao 30 - 40m luôn hiện lên phía trước mặt tạo ra cảm giác khác lạ. Một vườn cây ăn quả có mặt một cách kỳ lạ ở khu vực này như: vú sữa, trám đen, trám trắng,... sẽ cho du khách thưởng thức tại chỗ vị hoa quả rừng mà mình tự tay hái xuống, sau những giờ cuốc bộ mỏi chân trên các triền đá cheo leo hiểm trở, hay đã băng qua nhiều thung lũng với suối sâu.

Đoòng là một thung lũng có địa thế tương đối bằng phẳng, với những cánh rừng nguyên sinh, chứa trong mình nhiều loại động, thực vật quí hiếm. Độ cao của vùng này trên 1.000m, nhiệt độ trung bình quanh năm dưới 25oC. Những khoảng rừng ở đây đều có địa hình phức tạp của núi đá vôi. Nhiều nơi trên mặt phẳng của rừng, trên các cánh đồng karst nổi lên những khối đá vôi mồ côi, hoặc các khối đá nhiều hình thù kỳ dị, rất ấn tượng. Những thung lũng ở dạng khe hẻm dốc đứng, hiểm trở và hang động... tạo nên sức hấp dẫn và tiềm năng cho du lịch mạo hiểm.

... đến tận hưởng những cảm giác lạ

Sau chặng thứ nhất khá gian nan, du khách sẽ được "dưỡng” chân bằng những đoạn đường dạo dưới tán rừng nguyên sinh ở thung lũng Rào Thương. Tại đây có các bãi bồi do sông suối chảy tạo nên và các thềm đá chạy dài. Qua thung lũng Rào Thương ta đến hang Én - hang nằm nơi vùng nước lặn của suối Rào Thương. Gọi là vùng nước lặn bởi vì khi nước sông chảy đến đây thì đột ngột tụt xuống đất và không còn chảy nữa, cứ như dòng nước đã bị ai đó túm lấy mà kéo tuột xuống đất vậy. Vùng này có nhiều suối sâu, rừng rậm, rất hoang sơ. Những bãi cát đẹp trước cửa hang, xung quanh là rừng cây bao phủ rất thích hợp cho du khách cắm trại đêm giữa rừng. Nhưng một đêm cắm trại ở đây sẽ cho người ta cảm giác lạ... đến mạo hiểm trước cảnh sắc hoang vu, đêm tối hun hút, vẳng tiếng chân của một con thú nào đó giữa rừng già.

Du khách đến với Phong Nha - Kẻ Bàng chắc chắn sẽ còn nhiều bất ngờ trước vẻ đẹp kỳ bí của một tập hợp sinh cảnh cực kỳ quan trọng cho việc bảo tồn đa dạng sinh học, tiềm chứa nhiều nguồn gene quý hiếm. Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đang được tiếp tục nâng cấp về mọi mặt, phát triển thêm nhiều loại hình du lịch, tuyến du lịch mới như du lịch sinh thái, du lịch nghiên cứu, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa lịch sử gắn việc tham quan khu du lịch với các di tích lịch sử của đường Hồ Chí Minh huyền thoại./.

Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết

Cùng chuyên mục