Hành trang lữ khách

Tour du lịch tâm linh thành phố Yên Bái

Cập nhật: 29/02/2012 15:11:44
Số lần đọc: 1818
Trong hành trình tâm linh thành phố Yên Bái, du khách còn có thể đến thăm đền Đông Cuông vọng tọa lạc trên ngọn đồi nhỏ nằm sát bờ sông Hồng thuộc phường Yên Ninh, chùa Rối (Minh Pháp) thuộc thôn Chấn Ninh 2, xã Tân Thịnh và đền Đức Ông thuộc phường Nguyễn Thái Học.

Đến với thành phố Yên Bái, nơi đầu tiên du khách có thể tới thăm trong hành trình du lịch tâm linh của mình là chùa Tùng Lâm (Ngọc Am) nằm trên địa phận phường Hồng Hà. Đây là ngôi chùa nổi tiếng có kiến trúc đẹp ở thành phố. Khuôn viên chùa được chia thành 3 khu, gồm: chùa chính, đền mẫu và điện thờ. Khu chùa chính và đền mẫu được xây dựng bề thế, tôn nghiêm theo lối kiến trúc cổ, hướng mặt tiền về phía sông Hồng quanh năm cuộn đỏ phù sa. Phía bên trái sân chùa là bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Phía bên phải sân chùa là khu đền mẫu. Theo sử sách, chùa Tùng Lâm được xây dựng từ năm 1876 với mục đích là nơi dành để bái yết, cầu cúng của các tăng ni, phật tử và bà con nhân dân sống dưới ách thống trị của triều đại nhà Nguyễn.

 

Trải qua biến động lịch sử, vào thời kỳ giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc lần thứ nhất, ngôi chùa đã bị tàn phá nặng nề và bị lãng quên trong một thời gian dài. Đến năm 1988, chùa được xây dựng lại trên nền đất cũ phỏng theo kiến trúc trước đây. Từ đó đến nay đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương về thăm quan, bái yết. Chùa Tùng Lâm trong một năm có vài chục lễ nhưng có hai tiết lễ chính được làm sinh động hơn cả là: “Chạy Đàn” tiến hành trong lễ làm chay cầu siêu cho tư gia và chúng sinh cô hồn vào ngày rằm tháng 7 và tiết lễ Chèo thuyền về Tây Trúc.

 

Rời chùa Tùng Lâm, xuôi dòng sông Hồng về phía Nam, du khách sẽ đến với đền Tuần Quán thuộc phường Yên Ninh. Đây là điểm du lịch tín ngưỡng lâu đời nhất của thành phố Yên Bái đã được công nhận là di tích văn hoá cấp tỉnh. Nằm trên khu đất bằng phẳng, rộng gần 2000m2, đền Tuần Quán toạ lạc ở nơi hợp lưu giữa ngòi Tuần Quán và dòng sông Hồng.

 

Trên thế đất vạn niên sơn bao thuỷ bọc, quay theo hướng chính Nam về phía sông Hồng, theo sử sách đã ghi, trước đây, khi chưa được khai thông, đền Tuần Quán gọi là miếu. Đến thế kỷ 15, thánh miếu thờ Mẫu Liễu Hạnh, sau đó được di chuyển xuống Văn Phú. Giữa thế kỷ 19, tướng cờ đen Lưu Vĩnh Phúc về thăm ải Bách Lẫm, thấy nơi đây hiển linh đã cho rước tượng Thánh Mẫu lên địa điểm ngày nay và xây dựng miếu to đẹp hơn trước, từ đó miếu trở thành đền. Qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử, đền Tuần Quán vẫn luôn thu hút khách thập phương và người dân địa phương đến cầu làm ăn may mắn, gia đình mạnh khoẻ, bình an...

 

Trong kháng chiến chống Pháp, đền từng là điểm hội quân của nhiều đơn vị Vệ quốc chiến khu I trước khi tấn công bọn phản động Việt quốc, giải phóng hoàn toàn tỉnh lỵ. Ngày nay, đền Tuần Quán đã được tôn tạo trên nền móng cũ có cảnh quan đẹp và tôn nghiêm. Đến với hội đền Tuần Quán đầu xuân, du khách sẽ không chỉ được hoà mình vào các hoạt động văn hoá, tín ngưỡng mà còn được tham gia vào những trò chơi dân gian như: chọi gà, kéo co, đánh cờ tướng...

 

Chia tay đền Tuần Quán, đến với cụm quần thể di tích đình - đền - chùa Nam Cường (còn gọi là đền Mẫu Nam Cường) nằm ở phía Tây thành phố, du khách sẽ tiếp tục được thả hồn mình vào thế giới tâm linh và chiêm ngưỡng những công trình nghệ thuật, kiến trúc quý giá. Quần thể di tích đình - đền - chùa Nam Cường được xây dựng từ năm 1923 với mục đích để tôn thờ Thánh Mẫu, tỏ lòng tôn kính với đất mẹ hiền từ.

 Hàng năm, lễ hội đền Mẫu xã Nam Cường được tổ chức vào ngày rằm tháng giêng với hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ, gồm có lễ dâng hương cầu cho mùa màng được tốt tươi, tránh được thiên tai, con người có được sức khoẻ dồi dào, cuộc sống ấm no, hạnh phúc và lễ thả chim cầu an  (12 con chim bồ câu được thả với mong ước 12 tháng trong năm người dân trong xã được bình an, hạnh phúc, đồng thời, thể hiện sự giao hoà giữa con người với thiên nhiên). Sau phần lễ kết thúc, những người có mặt tại hội đền sẽ được cùng nhau chơi thể thao, thi văn nghệ và đặc biệt tham gia vào lễ thả hoa đăng ngay tại hồ nước phía trước đền.

 

Ngoài những điểm đến tâm linh nói trên, trong hành trình tâm linh, du khách còn có thể đến thăm đền Đông Cuông vọng tọa lạc trên ngọn đồi nhỏ nằm sát bờ sông Hồng thuộc phường Yên Ninh, chùa Rối (Minh Pháp) thuộc thôn Chấn Ninh 2, xã Tân Thịnh và đền Đức Ông thuộc phường Nguyễn Thái Học.

 

Hy vọng rằng, chuyến du lịch tâm linh thú vị tại thành phố Yên Bái sẽ giúp du khách thực sự cảm thấy được bình an, thư thái, luôn hướng tới những điều chân, thiện, mỹ và tránh xa những thói hư, tật xấu, cám dỗ đời thường.

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục