Hoạt động của ngành

Điện Biên: Lưu giữ các trò chơi dân gian, thể thao dân tộc

Cập nhật: 22/11/2011 09:42:42
Số lần đọc: 3028
Ngoài 5 môn thể thao truyền thống như: ném còn, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, đánh cù đã được đưa vào chương trình thi đấu TDTT hàng năm của tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tiến hành bảo tồn và phát triển các trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc, như trò chơi: pí bó, tó mạ hắp, tó phại, tó má lẹ của dân tộc Thái.

Trong tương lai, các trò chơi này sẽ được duy trì, phát triển tại các cơ sở và đưa vào chương trình thi đấu hàng năm để đồng bào các dân tộc trong tỉnh được giao lưu học hỏi, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân.

 

Bản Che Căn xã Mường Phăng, huyện Điện Biên có 88 hộ, 432 nhân khẩu, 100% là dân tộc Thái đen sinh sống.  Bản còn lưu giữ được cách thức tổ chức một số trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc. Các nghệ nhân cho biết: ngày xưa, vào các ngày lễ tết, hay ngày hội của bản, dân bản thường tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: bịt mắt bắt dê, bắt vịt, kéo co, tung còn, bắn nỏ, pít bó, tó mạ hắp, tó phại, tó mák lẹ Nhiều năm qua, tại các bản dân tộc Thái không tổ chức được những trò chơi này vì các nghệ nhân hiểu biết về các trò chơi càng ngày càng cao tuổi, không còn nhớ các trò chơi dân gian. Bên cạnh đó, nguyên vật liệu làm các dụng cụ ngày một khan hiếm, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, các bản chưa có nhà văn hóa cộng đồng để lưu giữ các dụng cụ thể thao... cũng là nguyên nhân khiến việc tổ chức các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc trong các dịp lễ tết tại các bản là rất khó.

 

Trong các chuyến đi điền dã tại bản Che Căn, cán bộ Phòng Nghiệp vụ TDTT, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã ghi chép, nghiên cứu, sưu tầm và dựng lại cách thức chơi các trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống do các nghệ nhân, già làng truyền lại cho con cháu. Điển hình như các Ông: Cà Văn Hon 86 tuổi, Lường Văn So 80 tuổi, Tòng Văn Lọt 78 tuổi, Cà Văn Ún 80 tuổi và trưởng bản Cà Văn Ói.

 

Pít bó là môn thể thao vui nhộn, hấp dẫn đối với các lứa tuổi. Ngoài vui chơi còn rèn luyện trí thông minh, những kỹ năng nhanh nhẹn khéo léo và khả năng ứng xử, năng khiếu của từng thành viên trong cuộc chơi. Thông qua các câu hỏi đối đáp người chơi có thể nhanh chóng trả lời được những tình huống khó trong các lĩnh vực như hát dân ca, múa truyền thống.

 

Tó mạ háp (chơi cờ 2 người), là trò chơi có từ lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và cho tới tận bây giờ. Trò chơi có tác dụng rèn luyện kỹ năng tư duy, tính sáng tạo, kiên trì, trò chơi dễ chơi, dễ tổ chức, có thể tập hợp được nhiều người ưa thích cùng tham gia.

 

Tó phại (chơi cờ 4 người), đối tượng tham gia thường là nam giới có độ tuổi từ 40 trở lên, thường tổ chức vào các dịp lễ tết hoặc ngày hội của bản. Các dụng cụ chơi gồm có: bàn cờ làm bằng gỗ cùng 32 quân cờ, làm bằng gỗ tốt hay sừng trâu, hình chữ nhật, trên mặt mỗi quân cờ đục các lỗ được sắp xếp theo thứ tự từ 2 đến 16 lỗ, chia làm 2 hàng, hàng chẵn (hàng then) có 11 đôi, 22 quân; hàng lẻ, (hàng cẩu) có 5 đôi, 10 quân. Trong một trận đấu có thể thi đấu 3 hoặc 5 ván, sau mỗi ván, trọng tài sẽ ghi lại kết quả của từng người cùng chơi, kết thúc trận đấu, ai có điểm cao hơn được xếp trên, ban tổ chức trao giải cho các cá nhân đoạt giải.

 

Tó mák lẹ, có tác dụng rèn luyện sức khỏe, tính nhanh nhẹn và hoạt bát, đặc biệt là sự khéo léo, chính xác trong khi chơi. Dụng cụ chơi là quả mák lẹ, giống như quả bồ kết, thường có ở rừng già, loại cây thân leo, mỗi quả có từ 4 đến  5 hạt, hạt hình tròn và dẹt như đồng xu, màu đen. Có 5 kiểu chơi: cầm hạt ném; đặt hạt mák lẹ trên đùi; đặt hạt trên mu bàn chân; đặt hạt dưới đất; cắp hạt giữa ngón trỏ và ngón cái. Tất cả các kiểu phải ném trúng vào điểm dựng hạt mák lẹ ở đích với khoảng cách 5m thì mới được quyền đi tiếp. Nếu một người trong đội chơi thắng hết tất cả các kiểu chơi đã quy định thì được một điểm, cứ như vậy cộng tất cả điểm của 2 đội, đội nào được nhiều điểm thì đội đó sẽ thắng cuộc.

 

Tất cả các trò chơi dân gian, thể thao truyền thống nêu trên được phòng nghiệp vụ ghi chép và các nghệ nhân truyền dạy cho các lớp con cháu. Điều mong muốn của các nghệ nhân nói riêng, đồng bào dân tộc Thái nói chung là các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc thường xuyên đưa vào tổ chức trong các ngày lễ, tết, hội thi của bản, xã, huyện, tỉnh. Như thế mới lưu giữ, phát triển và truyền lại cho nhiều thế hệ mai sau.

Nguồn: Báo Điện Biên

Cùng chuyên mục