Hoạt động của ngành

Du lịch thể thao: Cơ hội thúc đẩy ngành du lịch Thanh Hóa phát triển

Cập nhật: 26/11/2010 08:11:11
Số lần đọc: 4569
Thanh Hóa là một trong những tỉnh có truyền thống và thành tích hàng đầu trong khu vực miền Trung về thể thao phong trào và thể thao đỉnh cao. Với nhiều môn thế mạnh như võ thuật, bóng đá, điền kinh, bắn súng... hằng năm, ngành thể dục - thể thao thường giao cho Thanh Hóa đăng cai một số giải thể thao quốc gia, quốc tế về các môn thể thao thế mạnh của tỉnh, thu hút hàng ngàn lượt vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV), cổ động viên của các địa phương khác trong nước và nước ngoài...

Hoạt động thi đấu thể thao là dịp quy tụ đông đảo các VĐV, HLV và những người phục vụ bảo đảm cho các cuộc thi đấu thành công, đặc biệt là đông đảo người hâm mộ đến từ các địa phương trên mọi vùng miền... Đây cũng là dịp để giao lưu, quảng bá hình ảnh của các cá nhân, tổ chức khi tham dự các giải đấu trong nước và quốc tế; đồng thời là “cơ hội vàng” của ngành du lịch tỉnh Thanh trong việc quảng bá tiềm năng về danh lam thắng cảnh, văn hóa và con người xứ Thanh.

 

Tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút khách du lịch đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ của nhiều quốc gia trên thế giới. Nằm trong bộ máy quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), các hoạt động thi đấu thể thao càng có điều kiện để phục vụ đông đảo các đối tượng du khách trong vị thế là những người hâm mộ - những “mạnh thường quân” cả về vật chất và tinh thần. Nhu cầu du khách ngày càng cao, đa dạng, do vậy bên cạnh các biện pháp tích cực khác phải từng bước phát triển các hoạt động thi đấu thể thao trở thành một loại sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc của du lịch Thanh Hóa trong tiến trình hội nhập.

 

Trên thế giới, loại hình du lịch thể thao rất được ưa chuộng và ngày càng phát triển mạnh mẽ, du lịch thể thao được tổ chức dưới hai hình thức cơ bản: Tổ chức các loại hình thể thao cho du khách tham gia với tư cách là các VĐV của các môn thể thao (thông thường là các môn thể thao mạo hiểm – du lịch mạo hiểm) như leo núi, chinh phục đỉnh cao; chèo thuyền, khám phá hang động, ghềnh thác hay các tour đi xe đạp băng rừng... Với sự đa dạng về  thắng cảnh như vườn quốc gia, biển, các hang động..., Thanh Hóa có nhiều lợi thế để tổ chức các hoạt động này. Hình thức thứ hai là tổ chức các chương trình du lịch đi ra nước ngoài hay đến những nơi mà ở đó diễn ra các cuộc thi đấu thể thao, các thế vận hội, các World cup, các giải đấu khu vực và thế giới... Mỗi một giải thi đấu thể thao lớn ngoài việc đem lại nguồn lợi ích kinh tế to lớn còn đem lại các hiệu ứng xã hội không thể đo hết được đối với quốc gia và địa phương đăng cai tổ chức. Đó cũng là dịp đặc biệt thuận lợi cho việc quảng bá hình ảnh về quê hương, đất nước trước đông đảo bè bạn và du khách quốc tế.

 

Trong năm 2010, Thanh Hóa đã vinh dự được ngành thể dục – thể thao trao quyền đăng cai hai giải đấu thể thao lớn đó là Giải cầu mây quốc tế Việt Nam mở rộng và Giải vô địch Pencak Silat Đông Nam Á. Trong quá trình tổ chức hai sự kiện này, ngành VH-TT&DL tỉnh ta cũng đã có những phương án chuẩn bị để tổ chức cho quan chức, các VĐV, HLV nước ngoài đi tham quan một số di tích lịch sử - văn hóa và thắng cảnh của tỉnh nhà. Dù đã chủ động xây dựng một đội ngũ cộng tác viên giỏi ngoại ngữ và có sự am hiểu về du lịch tỉnh Thanh giúp đỡ các đoàn quốc tế, tuy nhiên hạn chế là điều khó tránh khỏi khi tỉnh ta mới bắt đầu làm quen với loại hình du lịch này. Dù vậy, đây cũng là những tiền đề quan trọng để tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị tốt hơn cho các giải đấu quốc tế trong những năm tiếp theo, từ việc xây dựng đội ngũ tình nguyện viên, hướng dẫn viên, cho tới việc tổ chức các tour du lịch trong tỉnh cho các đoàn quốc tế về tham dự. Các hoạt động thi đấu thể thao, các giải đấu lớn, các cuộc thi nên trùng với ngày nghỉ, giờ nghỉ, mùa du lịch thì sẽ thu hút khách du lịch trở thành những người xem, người cổ vũ. Một điều rất cần thiết là cần liên kết, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước ở các cấp của ngành VH-TT&DL cùng với các hãng lữ hành trong nước và quốc tế để tổ chức các cuộc thi, các giải đấu đạt hiệu quả nhiều mặt.

 

Hoạt động du lịch nhân các giải đấu thể thao cũng là dịp để thúc đẩy hoạt động thể thao trong nước và địa phương phát triển nhanh hơn, mạnh hơn. Du lịch thể thao không chỉ góp phần kích cầu du lịch mà còn kích cầu kinh tế, văn hóa xã hội và đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Thi đấu thể thao gắn bó mật thiết và có tác động tương hỗ, chặt chẽ với hoạt động du lịch, do vậy bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, tỉnh cần có những bước đi và biện pháp thích hợp để khai thác và phát triển loại hình du lịch đặc sắc, độc đáo, hấp dẫn này.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục