Hoạt động của ngành

Du lịch Hà Nội: Tạo sức hấp dẫn mới

Cập nhật: 01/11/2010 08:11:31
Số lần đọc: 2861
Dịp Đại lễ 1000 năm, Hà Nội đón khoảng 1,2 triệu lượt du khách trong nước và hơn 30 ngàn lượt du khách quốc tế. Đây là bước khởi đầu tốt đẹp, tạo điều kiện cho du lịch Hà Nội phát triển trong thời gian tới.

Theo đánh giá chung của Ban tổ chức, về mặt tổng thể các sự kiện, hoạt động kỷ niệm Đại lễ đã thành công và đóng góp cho việc quảng bá xúc tiến du lịch Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, theo ông Mai Tiến Dũng, dịp Đại lễ mới chỉ là bước khởi đầu tạo tiền đề vững chắc cho ngành du lịch Hà Nội phát triển trong thời gian tới. Sở Văn hóa - thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Hà Nội tiếp tục xây dựng và phát triển những tour du lịch như: du lịch võ thuật, chữa bệnh, tâm linh, sinh thái, bảo tàng... để tạo sức hấp dẫn mới lạ cho du khách. Trong năm 2011, Sở VHTTDL Hà Nội sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng và phát triển “du lịch xanh”, du lịch thân thiện với môi trường. Từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tiếp tục xúc tiến quảng bá du lịch, hoàn thiện những sản phẩm du lịch mới như: du lịch cộng đồng ở Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, thị xã Sơn Tây), di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long...

 

Với vị trí là 1 trong 2 trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, Hà Nội liên tục được lựa chọn là nơi tổ chức các sự kiện mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế như Hội nghị Thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp (1977); Sea games 22 (2003); Đại lễ Phật đản quốc tế năm 2008, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 2010… Có thể nói, các sự kiện quốc tế lớn được tổ chức thành công đã mang đến cho Việt Nam - Hà Nội và ngành du lịch cơ hội vàng để quảng bá hình ảnh đến bạn bè khắp nơi trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của du lịch Hà Nội.

 

Sau khi mở rộng địa giới hành chính từ ngày 01/8/2008, Hà Nội đã được tăng cường và đa dạng hóa về tiềm năng du lịch. Theo đó, Hà Nội mở rộng các di tích, danh thắng như Hương Sơn, chùa Thầy, chùa Tây Phương, Ba Vì… Cùng với thế mạnh về lịch sử, văn hóa, Hà Nội còn có nhiều làng cổ và làng nghề nổi tiếng (khoảng 1.300 làng có nghề và trên 260 làng nghề). Đặc biệt, với quỹ đất lớn gấp 3,6 lần sẽ mở ra triển vọng cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch như khách sạn, sân gôn, khu vui chơi giải trí… Đây là điều kiện rất tốt để ngành du lịch thủ đô phát triển thêm những loại hình du lịch như sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch làng nghề, làng cổ, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng… Bên cạnh đó là phát triển những loại hình du lịch thế mạnh của Thủ đô như du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch phố cổ - phố nghề, du lịch MICE mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

 

Hà Nội xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao; là nhân tố quan trọng góp phần củng cố và thúc đẩy quan hệ chính trị, văn hóa đối ngoại. Bởi vậy, phát triển du lịch là nhiệm vụ, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, của mọi tầng lớp nhân dân thủ đô. Du lịch phải được phát triển trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, với chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cả nước. Tăng cường hợp tác, liên kết du lịch giữa Hà Nội với các địa phương, các trung tâm du lịch cả nước với vùng thủ đô; phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt phải đảm bảo hài hòa giữa kinh tế, an ninh quốc phòng, xã hội và môi trường. Đặc biệt, coi trọng và thực thi các chính sách nhằm phát triển du lịch bền vững; từng bước tạo lập môi trường thuận lợi nhất cho phát triển du lịch.

Nguồn: Báo Công Thương

Cùng chuyên mục