Hoạt động của ngành

Văn hóa du lịch Thanh Hóa trong hội nhập, phát triển

Cập nhật: 28/10/2010 15:10:51
Số lần đọc: 2076
Việt Nam nói chung, tỉnh Thanh nói riêng luôn có tư tưởng “mở” trong quá trình giao lưu, tiếp biến và hội nhập văn hóa, du lịch với khu vực và quốc tế để tồn tại và phát triển. Xứ Thanh ở vào vị trí mở, là nơi giao lưu về mọi phương diện với các địa phương của đất nước và quốc tế.

Hệ sinh thái và nhân văn xứ Thanh đã phú cho miền đất nơi đây có nhiều loại hình văn hóa, du lịch phong phú và đặc sắc không thua kém bất cứ địa phương nào trong cả nước. Thời Lê Trung hưng, đầu Nguyễn, khi nói về xứ Thanh, nhà sử học Phan Huy Chú đã phải ghi những dòng tuyệt bút: “Thanh Hóa mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía đông... Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu... Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ quý, cũng khác mọi nơi. Bởi đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường, vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước”. Bức tranh toàn cảnh phản ánh về điều kiện tự nhiên, lịch sử tỉnh Thanh gợi mở tiềm năng lớn về văn hóa gắn với việc phát triển du lịch.

 

Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú bao gồm các di sản thiên nhiên, truyền thống lịch sử phong phú, các làng nghề và các lễ hội truyền thống, những cảnh đẹp thiên nhiên phong phú và sự đa dạng của các nền văn hóa dân tộc. Từ khi đất nước đổi mới và hội nhập đến nay, với chiến lược phát triển văn hóa gắn với kinh tế du lịch, hoạt động văn hóa và du lịch tỉnh Thanh đã và đang đẩy mạnh việc gắn kết giữa hoạt động văn hóa với du lịch, trong đó lấy văn hóa làm động lực để phát triển du lịch và ngược lại du lịch phát triển đã tác động trở lại tạo đà để văn hóa thấm sâu vào tâm thức và thẩm mỹ của quần chúng. Các di tích khảo cổ thời đại đồ đá cũ: Núi Đọ, hang Con Moong, hang làng Tráng, mái đá Điều; thời đại đồ đá mới: Đa Bút, Cồn Cổ Ngựa, Gò Trũng, Hoa Lộc; thời kỳ văn hóa Đông Sơn với di chỉ khảo cổ học Đông Lĩnh, Cẩm Giang, Đông Sơn, núi Chè... đã thu hút giới nghiên cứu trong và ngoài nước và du khách tới tham quan, tìm  hiểu về ngọn nguồn đời sống của con người từ thời kỳ đồ đá đến thời kỳ đồ đồng trên đất tỉnh Thanh.

 

Với 1.535 di tích, ở đó không chỉ hàm chứa các giá trị lịch sử mà còn phản ánh các giá trị của di sản vật thể và phi vật thể đã có sức hấp dẫn và gọi mời du khách thập  phương tới những di tích tiêu biểu như: Lam Kinh, Thành nhà Hồ, đền bà Triệu, đền Lê Hoàn, nghè Vẹt, phủ Trịnh, đền Quang Trung... vừa để chiêm bái tỏ lòng biết ơn tiền nhân, ngắm nhìn các kiệt tác về điêu khắc, kiến trúc nghệ thuật, vừa được hòa mình vào các hoạt động lễ hội, trò chơi, trò diễn và các tích trò đặc sắc nơi đây.

 

Cùng với loại hình di tich lịch sử và hành trình của du khách hướng về cội nguồn dân tộc là loại hình du lịch văn hóa tâm linh cũng diễn ra sôi động, xuân thu nhị kỳ gọi mời du khách. Loại hình du lịch này phải kể đến tín ngưỡng thờ mẫu, thờ các vị thành hoàng vừa là nhiên thần, thiên thần và nhân thần. Ngoài ra còn có các hoạt động du lịch gắn với các tín ngưỡng tôn giáo như đạo Phật với hệ thống chùa cổ có kiến trúc nghệ thuật đặc sắc như chùa Hương Nghiêm, Trang Cát, Sùng Nghiêm Diên Thánh, Hạc Oa, Đót Tiên...

 

Thiên nhiên tỉnh Thanh với 102 km bờ biển, có nhiều bãi  biển đẹp như Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến, Nghi Sơn... đã có sức hấp dẫn du khách, nhất là vào dịp mùa hè để về đây nghỉ dưỡng, tắm mát và thưởng thức các đặc sản của biển khơi. Cùng với biển, miền núi tỉnh Thanh có Son Bá Mười (Lũng Cao, Bá Thước) có khí hậu ôn đới mát mẻ không kém gì Sa Pa, Tam Đảo. Hệ thống rừng nguyên sinh Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên... với thảm thực vật, động vật phong phú, nhiều loài được ghi trong sách đỏ. Thác Ma Hao, thác Trai Gái, thác Bảy tầng, thác Muốn, thác Voi... đã và đang được khai thác. Hệ thống hang động từ rừng tới biển: Hang Bo Cúng, Hang Co Láy, Hang Poong, Hang Luôn Lang, Hang Khua... Xuân Thủy (Quan Sơn), hang Mường Vạn Xuân (Thường Xuân), hang Phi (Quan Hóa), động Vĩnh An, động Từ Thức, động Trường Lâm...  với các nhũ đá thiên tạo được người đời thêu dệt thành những thiên tình sử diễm lệ. Hệ thống hồ Bến En, Đồng Mực, Kim Sơn, Suối cá Cẩm Lương... là những điểm đến lý tưởng về du lịch sinh thái.

 

Sông Mã, sông Chu và hệ thống các sông suối của 2 con sông này chảy len lỏi qua những bản Mường của đồng bào Thái, Mường và đổ ra cửa biển với những bãi bồi xanh ngát lúa ngô, tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp làm mê hồn du khách. Với sông Mã tính từ Cửa Hà lên tới đầu nguồn Mường Lát có 53 ngọn thác, đây thực sự là thách thức đối với những người làm nghề sơn tràng, giao thương lên ngược về xuôi nhưng là điều kiện tốt cho loại hình du lịch mạo hiểm chinh phục  thác ghềnh. 

 

Những năm qua, văn hóa du lịch phát triển làm cho diện mạo đô thị, nông thôn tỉnh Thanh được chỉnh trang, sạch đẹp hơn, đời sống nhân dân được cải thiện. Hoạt động văn hóa, du lịch đã thúc đẩy các ngành khác phát triển, tạo ra khả năng tiêu thụ tại chỗ cho hàng hóa và dịch vụ; lễ hội truyền thống được khôi phục, ngày càng đi dần vào nền nếp lành mạnh, phát huy được thuần phong mỹ tục. Nhiều làng nghề thủ công truyền thống được khôi phục và phát triển, tạo thêm các điểm tham quan du lịch, sản xuất hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ phục vụ khách, tạo thêm việc làm và thu nhập; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và nhiều hộ dân ở không ít địa phương đã giàu lên nhờ làm du lịch. Du lịch phát triển đã tạo thêm nguồn thu để tôn tạo, trùng tu các di tích và nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư giữ gìn, phát triển di sản văn hóa. Tuyên truyền, quảng bá du lịch của tỉnh đã truyền tải được giá trị văn hóa dân tộc, sắc thái văn hóa tỉnh Thanh đến bạn bè quốc tế, khách du lịch và nhân dân.

 

Du lịch đã mở ra cho tỉnh khá nhiều nghề, tạo việc làm cho hàng vạn lao động, đời sống của người dân nhờ đó cũng ngày một cải thiện, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế du lịch đạt khá, đóng góp quan trọng vào tổng thu nhập GDP của tỉnh. Hoạt động văn hóa, du lịch đã góp phần phát triển  nguồn nhân lực trong công cuộc đổi mới, góp phần nâng cao dân trí, đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; mở rộng giao lưu giữa các vùng, miền trong nước và với nước ngoài; thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Thanh Hóa, góp phần hình thành, củng cố môi trường cho nền kinh tế mở, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng đất nước, quê hương.

 

Tiềm năng văn hóa du lịch tỉnh Thanh thời gian qua đã được đánh thức song mới chỉ khai thác và phát huy bước đầu. Để tiềm năng này trở thành nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá về lịch sử văn hóa, danh thắng và vui chơi giải trí của du khách trong và ngoài nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển, mục tiêu đối với hoạt động văn hóa du lịch Thanh Hóa từ nay đến năm 2015 đón được 4,8 triệu lượt khách, trong đó có 100.000 lượt khách quốc tế, phát triển du lịch Thanh Hóa thành địa bàn trọng điểm du lịch quốc gia, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ du lịch, đóng góp quan trọng vào tổng thu nhập GDP của tỉnh, vì vậy nhiệm vụ đặt ra đối với hoạt động văn hóa, du lịch tỉnh ta trong những năm tới là rất nặng nề. Bởi vậy, công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch cần được đẩy mạnh; chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực đối với văn hóa du lịch; xây dựng và hoàn thiện quy hoạch các loại hình du lịch gắn với phát triển văn hóa vừa có quy mô lớn và nhỏ, phù hợp với nhu cầu sở thích của từng đối tượng.

 

Đẩy mạnh xã hội hóa đối với hoạt động văn hóa du lịch, tổ chức các làng du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, hoạt động của các đội nghệ thuật dân gian, sản xuất nhiều sản phẩm du lịch làm quà lưu niệm mang dấu ấn văn hóa của các vùng, miền tỉnh Thanh để phục vụ du khách và làm giàu, xóa đói, giảm nghèo thông qua loại hình văn hóa du lịch ở các làng quê nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục