Hoạt động của ngành

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc với phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật: 02/11/2010 13:11:21
Số lần đọc: 2836
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là vấn đề rất quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, càng quan trọng hơn khi Lào Cai là tỉnh có đông đồng bào các dân tộc, ở vùng trọng điểm giao lưu kinh tế, văn hóa với Vân Nam (Trung Quốc). Nhận thức rõ vấn đề này, ngay từ năm 2001, Đảng bộ tỉnh đã xây dựng Đề án "Phát triển văn hóa, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai".

Nguồn lực phát triển du lịch

Năm 2006 và năm 2009, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tiến hành điều tra nhu cầu của du khách quốc tế, có tới 80% du khách đến Sa Pa có nhu cầu trải nghiệm và chiêm ngưỡng các di sản văn hóa các dân tộc. Đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đã góp phần nghiên cứu các di sản về kiến trúc, trang phục, nghề thủ công, lễ hội, đặc điểm sinh hoạt văn hóa, để xây dựng thành các sản phẩm du lịch. Kết quả, huyện Sa Pa đã xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng với các điểm du lịch văn hóa cộng đồng như: Bản Dền, Tả Van, Thanh Kim, Tả Phìn. Đồng thời, đã tạo ra sức hấp dẫn cho các tuyến du lịch từ huyện đến bản, làng. Một số mô hình du lịch cộng đồng ở Sa Pa đã góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Hiện Tả Van có 42 hộ kinh doanh dịch vụ, nhà nghỉ cộng đồng, thu nhập bình quân trên 1 triệu đồng/hộ/tháng. Hiện nay, mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với vấn đề xóa đói, giảm nghèo đang được nhân ra diện rộng ở làng Cát Cát, Lao Chải, Nậm Sang.

Huyện Bắc Hà bước đầu đã chú trọng xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch (xây dựng đội văn nghệ, khôi phục và trình diễn nghề thủ công gắn với các dịch vụ nghỉ, ẩm thực ở làng Trung Đô, Tả Van Chư, Tà Chải, Na Hối, Bản Phố). Huyện Mường Khương xây dựng khu du lịch Cao Sơn, với lợi thế khí hậu trong lành, mát mẻ, rừng nguyên sinh, chợ văn hóa Cao Sơn, những nếp nhà tường trình của đồng bào Mông còn giữ nguyên bản sắc truyền thống… luôn hấp dẫn sự  tìm hiểu, khám phá của du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Hiện Cao Sơn có 3 hộ tham gia làm nhà nghỉ cộng đồng, thu nhập bình quân mỗi hộ từ 1,8 - 2 triệu đồng/tháng. Như vậy, di sản văn hóa trở thành tài sản du lịch, góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.

Đặc sản có giá trị kinh tế cao

Ở Lào Cai có nhiều tiểu vùng cảnh quan môi trường khác nhau, cùng với sự đa dạng về văn hóa tộc người đã tạo thành các đặc sản. Các đặc sản này trước đây chỉ sống với cộng đồng, chưa được quảng bá, sản phẩm cũng hạn chế. Nhưng từ khi thực hiện đề án, thương hiệu một số đặc sản như: Rượu Bắc Hà, tương ớt, gạo Séng Cù Mường Khương, su su Sa Pa… được xây dựng. Thực hiện chương trình "mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, mỗi vùng có một loại đặc sản trở thành hàng hóa", hiện nay, các đặc sản mang bản sắc của văn hóa các dân tộc đã được "đánh thức" và phát triển với nhiều loại hình khác nhau, như hệ thống các ngành, nghề thủ công (sản phẩm rèn đúc, thổ cẩm, sản phẩm thêu, chạm khắc bạc, ẩm thực…). Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đã trở thành các cơ quan tiên phong trong việc thực hiện các dự án bảo tồn đặc sản thực phẩm nhuộm màu thực vật, bảo tồn các câu lạc bộ thổ cẩm, khôi phục các nghề thủ công người Mông. Nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: thổ cẩm của người Mông, sản phẩm chạm khắc bạc của người Dao đỏ ở Nậm Cang với họa tiết hoa văn độc đáo…

Kinh nghiệm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trở thành đặc sản có giá trị kinh tế cao ở Lào Cai là phải xây dựng quy trình từ khảo sát, nghiên cứu đến tạo sản phẩm một cách khoa học. Quy trình đó đảm bảo các công đoạn nghiên cứu, khảo sát, đánh giá các giá trị đặc sản, khoanh vùng bảo tồn và đăng ký thương hiệu, tổ chức quảng bá bằng nhiều kênh thông tin khác nhau… Trong việc phục hồi và khai thác đặc sản cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề phát triển bền vững và bảo vệ thương hiệu.

Khôi phục, bảo tồn và phát huy tri thức bản địa

Các ngành, nhóm dân tộc ở Lào Cai có kho tàng tri thức bản địa rất phong phú về kinh nghiệm sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi quen thuộc, ứng phó với môi trường, quản lý xã hội, giáo dục kỹ năng sống. Nhiều thành tựu về tri thức bản địa đã được bảo tồn và phát huy có ảnh hưởng tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội cộng đồng như: tri thức bảo vệ rừng của người Hà Nhì ở Bát Xát, người Thu Lao ở Mường Khương. Đặc biệt, tri thức phòng, chống cháy rừng của người Mông, người Dao ở Sa Pa đã được phát huy rất hiệu quả trong đợt chữa cháy rừng Vườn Quốc gia Hoàng Liên đầu năm 2010. Người Mông ở Si Ma Cai, người Dao ở Bảo Thắng, Văn Bàn đều có kho tàng tri thức bản địa về thuốc nam, chữa bệnh. Tri thức bản địa của người Giáy, người Dao, người Mông về khai hoang, làm ruộng bậc thang ở Sa Pa đã thực sự tạo nên cảnh quan kỳ vĩ thu hút khách du lịch. Ruộng bậc thang Sa Pa đã được Tạp chí du lịch Travel and Leisure của Mỹ đã bình chọn và công bố bảy thửa ruộng bậc thang đẹp, kỳ  vĩ nhất châu Á và thế giới, xứng đáng được tôn vinh là di sản để đời. Tri thức bản địa về làm ruộng bậc thang đã và đang được nhân ra diện rộng.

Đề án "Phát triển văn hóa, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai" đã thực sự đi vào cuộc sống, không những góp phần khôi phục và bảo tồn một số bản sắc văn hóa dân tộc mà còn tạo thành nguồn lực phát triển du lịch, góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả. Đề án đã thực hiện thành công chương trình "biến di sản thành tài sản" với nhiều nghề thủ công truyền thống như: rèn đúc, chạm bạc, làm thổ cẩm…, 12 lễ hội đặc sắc của 7 dân tộc tiêu biểu ở Lào Cai, vốn dân ca, dân vũ phong phú… được bảo tồn, khai thác phục vụ du lịch và mang lại nguồn lợi kinh tế cao.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục