Hành trang lữ khách

Thác H’Ly (Phú Yên) với phát triển du lịch

Cập nhật: 25/05/2021 15:20:54
Số lần đọc: 773
Huyện Sông Hinh được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh đẹp, trong đó phải kể đến thác H’Ly vừa được UBND tỉnh xếp hạng di tích thắng cảnh cấp tỉnh.


Du khách chụp ảnh kỷ niệm tại thác H’Ly. Ảnh: THIÊN LÝ

Không chỉ là cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thác H’Ly còn là tài nguyên quý để phát triển du lịch ở địa phương.

Vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ

Thắng cảnh thác H’Ly nằm cạnh quốc lộ 19C, thuộc địa bàn xã Sông Hinh, cách trung tâm thị trấn Hai Riêng khoảng 21km. Khu vực thác ở giữa một vùng núi non hùng vĩ, nổi bật với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Thác H’Ly được hình thành do đặc điểm địa hình, khu vực xung quanh thác có nhiều dòng suối lớn bắt nguồn từ các ngọn núi cao, những con suối này phần lớn chảy theo hướng nam - bắc rồi nhập vào nguồn sông Hinh, trên những dòng suối có nhiều thác nước lớn, trong đó có thác H’Ly.

Thực tế, các nhà nghiên cứu đánh giá, thác H’Ly được hình thành từ 2 yếu tố cơ bản. Thứ nhất là từ độ dốc của địa hình khu vực; thứ hai là do quá trình đứt gãy, sụt lún do vận động, dịch chuyển về mặt địa chất. Quan sát khu vực thác H’Ly, ta có thể nhận thấy một số tảng đá bazan cột nằm ở phía dưới thác. Qua đó có thể phỏng đoán khu vực này đã bị tác động bởi các đợt phun trào núi lửa trong các thời kỳ khác nhau.

Ông Lê Trọng Chung, Chủ tịch UBND xã Sông Hinh, cho biết: “Toàn bộ khu vực thác H’Ly có tổng diện tích trên 10ha, có thể phân thành 3 khu vực chính. Trong đó, khu vực nằm trên thác có diện tích khoảng 1ha, gồm nhiều phiến đá bằng phẳng đã được dòng chảy mài mòn qua thời gian, trải rộng hết cả khu vực lòng suối.

Khu vực chính của thác có chiều cao khoảng 10m, chiều dài khoảng 80m. Phần phía trên thác tương đối bằng phẳng nên khi vào mùa mưa, lượng nước chảy trên suối lớn từ độ cao cả chục mét, tung bọt trắng xóa tạo cảnh quan vô cùng ấn tượng”.

Có thể nói H’Ly là thác nước có cảnh quan thiên nhiên độc đáo còn rất ít ở Phú Yên. Phía dưới chân thác do quá trình tác động của dòng nước từ trên cao qua nhiều năm làm cho chân thác bị khoét sâu vào phía trong kiểu hàm ếch. Chân thác cũng có nhiều tảng đá lớn nằm chồng lên nhau, những tảng đá này có thể bị tách rời do hoạt động của vỏ trái đất hoặc do tác động cơ học và cũng có thể do tác động dòng chảy của thác.

Đáng chú ý là ở chân thác phía tây có nhiều tảng đá bazan được hình thành do quá trình phun trào núi lửa nên có cấu tạo tương đối đặc thù với các đường nứt giống kiểu bazan dạng cột và hình tổ ong. Khu vực phía dưới thác, dòng nước sau khi đổ chảy từ độ cao 10m đã tạo thành thác H’Ly, rồi bắt đầu chảy vào một đoạn suối bằng phẳng và tiếp tục chảy về phía bắc để đổ vào lòng hồ thủy điện Sông Hinh.

Ngoài ra, thác H’Ly hình thành còn gắn liền với câu chuyện tình đẹp giữa chàng trai và cô con gái cưng của hai vị tù trưởng bộ tộc ở vùng Sông Hinh và vùng M’Đrăk. Ông Kso Y Rơi ở thôn Hà Roi (xã Sông Hinh) kể lại: Chàng trai và cô gái thường hò hẹn nhau ngay trên bờ sông Hinh, nơi có cánh rừng đại ngàn, có con sông nước trong xanh với làn hương của muôn loài hoa tỏa bay thơm ngát. Họ thề ước cùng nhau sống trọn kiếp người trong hạnh phúc lứa đôi và không quên làm cầu nối để xóa tan đi những hận thù của hai vị tù trưởng là cha của chàng và nàng, mang lại cuộc sống ấm no cho hai bộ tộc.

Tuy nhiên, những tâm nguyện tốt đẹp của hai người đã trở thành tro than khi hai bên sử dụng vũ lực để giải quyết những bất hòa. Trong cuộc chiến, chàng trai đã tử trận. Và cô gái bỏ nhà tới nơi dòng sông ngồi than khóc cho số phận. Nước mắt nàng biến thành con suối, thành dòng sông và cuộn trào tuôn đi, xói bờ đá cứng thành thác sâu, nước đổ réo rắt như oán như than, sụt sùi tung bọt trắng ngầu cả một quãng sông dài... Các đời sau này nhớ lại mối tình bi thảm đó, bèn lấy tên nàng đặt tên cho thác là thác H’Ly.

“Bao bọc lấy sự hùng vĩ của thác H’Ly là nét dịu dàng và thơ mộng của thiên nhiên. Xung quanh thác H’Ly có nhiều những cây cổ thụ cao và xum xuê cành lá. Nếu đi vào đúng dịp, điểm tô cho sắc màu xanh đại ngàn, là sắc đỏ cam rực rỡ của chùm hoa phong lan rừng nằm bên bờ thác”, chị Lê Thị Ngọc Điểm, một du khách đến từ TX Đông Hòa cảm nhận.

Gắn với phát triển du lịch

Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, thác H’Ly không chỉ là cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn nằm trong khu vực sinh sống từ lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số có đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, đa dạng, thuận lợi cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích thắng cảnh gắn với phát triển du lịch.

Cách thác H’Ly chừng 500m là buôn Kít, ở đây du khách có thể tham quan cuộc sống và sinh hoạt của gia đình người Ê Đê như: tham quan công việc trồng trọt, chăn nuôi, dệt vải thủ công, đan đát, giao lưu văn hóa cồng chiêng, thưởng thức các món ẩm thực truyền thống tại các gia đình; đặc biệt, được nghe các già làng kể lại truyền thuyết về sự hình thành thác H’Ly mang đậm chất sử thi hào hùng. Đây chính là địa điểm lưu giữ di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện nói chung, xã Sông Hinh nói riêng.

Với tiềm năng vốn có, huyện Sông Hinh đã và đang khai thác vốn quý này để phát triển du lịch. Qua đó tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, trở thành thương hiệu đặc trưng cho du lịch Sông Hinh nói riêng và Phú Yên nói chung.

Ông Đinh Ngọc Dạn đánh giá: “Thác H’Ly có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa - cộng đồng rất lớn và được UBND tỉnh xếp hạng di tích thắng cảnh cấp tỉnh là điều kiện đủ và cần để kết nối thắng cảnh này với các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh khác trên địa bàn huyện như: di tích Căn cứ cách mạng huyện Sông Hinh trong kháng chiến chống Mỹ, hồ thủy điện Sông Hinh, hồ thủy điện Sông Ba Hạ, thác Dtrang, điểm du lịch văn hóa cộng đồng buôn Lê Diêm, hồ trung tâm, đồi thông và một số vườn cây ăn quả đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao... Đây sẽ là nơi dừng chân lý tưởng đối với du khách trong và ngoài tỉnh”.

Theo ông Lê Trọng Chung, để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích thắng cảnh thác H’Ly, xã Sông Hinh đang tập trung xây dựng nội quy, quy chế quản lý di tích thắng cảnh này; thường xuyên phổ biến Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch của UBND tỉnh; tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di tích thắng cảnh theo Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật liên quan. Đồng thời xây dựng đề án Quy hoạch bảo tồn và phát huy di tích thắng cảnh thác H’Ly phù hợp với quy hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngoài ra, xã cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các giá trị về tự nhiên, xã hội thác H’Ly đến với du khách thông qua các hoạt động; huy động các nguồn lực đóng góp của toàn xã hội... để bảo vệ, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn...

Nguồn: Báo Phú Yên

Cùng chuyên mục