Hành trang lữ khách

Quảng Ninh: Rừng trâm quý giữa trùng khơi

Cập nhật: 01/06/2021 09:00:11
Số lần đọc: 817
Trong những điểm đến đẹp và đáng nhớ trên xã đảo Minh Châu, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh ấn tượng với tôi hơn cả đó chính là rừng trâm cổ thụ nằm ngay sát bãi biển Chương Nẹp. Nhìn từ xa, rừng trâm như một cánh cung bao bọc, chở che cho người dân xã đảo trước những phong ba bão táp. Bao đời nay, người dân trên đảo Minh Châu nâng niu, trân quý gìn giữ khu rừng già ấy, xem đó như là biểu tượng, niềm tự hào của quê hương.  

Bãi tắm Minh Châu cát mịn như nhung

Chiếc tàu cao tốc vun vút rẽ sóng đưa chúng tôi ra đảo Minh Châu sau một giờ đồng hồ lênh đênh sóng nước. Đảo Minh Châu thuộc Vịnh Bái Tử Long, nước biển trong xanh và khá hiền hòa. Chúng tôi đi qua hàng trăm, hàng nghìn những hòn đảo đá lớn nhỏ, một sự kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng cho vùng vịnh với biết bao kỳ quan muôn hình vạn trạng mà theo giải thích của các nhà khoa học, đó là sản phẩm quá trình kiến tạo địa chất cách đây hàng triệu năm.

Du khách tham quan rừng trâm

Đảo Minh Châu còn rất hoang sơ, mãi đến năm 2014, đảo này mới có điện lưới. Bãi biển Chương Nẹp được nhiều du khách lựa chọn bởi cát mịn như nhung, sóng vỗ nhẹ nhàng, nước trong như pha lê. Ngay cạnh bãi tắm là một rừng trâm tự nhiên nguyên sinh với diện tích khoảng 14ha, chạy dài phủ kín hết cồn cát. Du khách có thể thỏa sức tản bộ ngắm nhìn và thưởng thức khung cảnh hoang sơ, yên tĩnh dưới tán trâm già.

Theo những người dân thôn Ninh Hải, xã Minh Châu, cây trâm là loài gỗ tốt cũng giống như gỗ lim, gụ, trắc, sến nhưng hầu như người dân trên đảo không mấy khi chặt phá rừng. Theo quan niệm của họ, rừng trâm ấy được xem là “Thần Mộc” bảo hộ cho dân làng qua bao năm tháng bão bùng, mưa nắng. Mỗi cây trâm chỉ cao chừng 10m, đứng sát bên nhau để chắn gió, chắn cát, chắn sóng dữ. Người dân đảo hiểu rằng, nếu chặt phá rừng trâm thì cộng đồng cư dân ở đây phải trả giá bằng chính cuộc sống của họ. Vậy nên họ rất có ý thức giữ gìn và bảo vệ rừng trâm quý.

Đón bình minh trên đảo Minh Châu

Cô Bùi Thị Sợi, 51 tuổi, người thôn Ninh Hải cho biết, người dân trong xã đảo chủ yếu sinh sống bằng nghề đi biển, nay có thêm dịch vụ phục vụ khách du lịch. Nghe các cụ trong làng kể rằng, rừng trâm có cách nay hơn 300 năm. Người dân ý thức được sự quan trọng của rừng trâm nên xưa nay hiếm có ai chặt một cành cây nào. Các cụ còn kể: Vào tháng 8 năm 1948, có một trận bão lịch sử đã tàn phá rừng trâm không còn một cành lá nào. Sau đó rừng vẫn mạnh mẽ vươn lên to lớn và sinh sôi nảy nở càng nhiều, chẳng bao lâu rừng đã xanh tươi hơn trước.

Những đảo đá ở Minh Châu

Dưới thảm rừng trâm hiện nay có nhiều các loài cây quý hiếm dùng để làm thuốc như cây bách bệnh, tắc kè đá, trầu biển hay cây cảnh quý như tùng la hán. Đặc biệt, cây bách bệnh hiện đang được Vườn quốc gia Bái Tử Long bảo tồn và gây giống. Bên cạnh đó, rừng trâm còn có giá trị là vỏ cây dùng làm thuốc nhuộm, quả cây là thức ăn cho các loài chim thú sống hoang dã trong rừng. Theo lời kể của các người già, năm 1945 khi nạn đói hoành hành khắp nơi trên đất nước, rừng trâm vẫn đơm hoa kết trái và cứu người dân đảo qua nạn đói lịch sử.

Làng quê thanh bình trên đảo Minh Châu

Ai đã từng được tản bộ dưới tán trâm già, được ngắm nhìn những hàng trâm ken dày san sát, thân cây óng ả trước ánh sáng ban mai chiếu dọi đều đọng lại những cảm xúc lưu luyến không muốn rời xa. Đặc biệt, những truyền tích và chuyện kể về rừng trâm huyền bí ấy sẽ mãi còn là niềm tự hào để người dân xã đảo lưu truyền lại cho muôn đời sau./.

Ngoan Phạm

Nguồn: Báo Dân tộc và phát triển

Cùng chuyên mục