Hoạt động của ngành

Dầu Tiếng (Bình Dương) - Hội tụ nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách

Cập nhật: 31/07/2019 09:25:30
Số lần đọc: 1128
Dầu Tiếng có nhiều địa điểm tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch về nguồn như suối Trúc, chùa Thái Sơn - núi Cậu, hồ Dầu Tiếng, Khu di tích lịch sử rừng Kiến An, Khu du tích cách mạng Vườn Trầu, Sở Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh…

 

Về với thiên nhiên

Được thiên nhiên ưu đãi, huyện Dầu Tiếng có nhiều điều kiện để phát triển du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá… gắn với thiên nhiên. Trước hết phải nhắc đến hồ Dầu Tiếng - hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Hồ có vai trò quan trọng trong việc điều phối nước sông Sài Gòn, kênh phía đông và phía tây.

Công trình hồ Dầu Tiếng được khởi công xây dựng từ năm 1981 và hoàn thành vào năm 1985. Ngoài cung cấp nước cho sông Sài Gòn, tưới nước cho hơn 93.000 ha đất nông nghiệp của Tây Ninh, Long An, TP.Hồ Chí Minh, hồ còn cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp các vùng phụ cận.

Hồ có phong cảnh hữu tình và hệ sinh thái độc đáo. Cảnh quan hai bên bờ hồ thơ mộng, lại thêm mặt hồ trải dài trên một diện tích lên tới 27.000 ha, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Trong lòng hồ còn có nhiều ốc đảo với tên: Đảo Xỉn, đảo Trảng, đảo Đồng Bò… tạo nên hệ sinh thái đa dạng cho khu vực hồ.

Ngoài việc tham quan hồ Dầu Tiếng bằng thuyền, kênh Đông Củ Chi cũng là một trong những địa điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến hồ Dầu Tiếng. Kênh này đưa nước từ hồ Dầu Tiếng về cung cấp tưới tiêu cho đất sản xuất nông nghiệp của 12 xã phía bắc huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh). Đến kênh Đông Củ Chi vào mùa khô, cảnh quan rất đẹp, nước xanh trong đến tận đáy và… đầy cá mè bơi ở dưới. Đến với hồ Dầu Tiếng, ngoài việc lựa chọn các món ăn đặc sản mang hơi hướng của các sản vật đến từ hồ như cá lăng, cá mè… du khách còn có thể trải nghiệm đánh cá trên hồ, tự tay quăng lưới, kéo lưới, câu cá và tự tay chế biến cá đánh bắt được.

Nếu muốn nghỉ dưỡng với không khí thiên nhiên trong lành, du khách có thể đến Khu du lịch sinh thái Đọt Champa. Cách trung tâm thị trấn Dầu Tiếng khoảng 12km, khu du lịch này tọa lạc tại ấp Bàu Dầu, xã Định An, có tổng diện tích 12ha. Đây là điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng được đầu tư khá quy mô trên địa bàn huyện Dầu Tiếng, bao gồm các hạng mục chính: Khu nhà thờ họ Hồ, khu hồ bơi, khu vườn cây.

Khu nhà thờ họ Hồ được khởi công xây dựng vào ngày 17/3/2014 và khánh thành vào ngày 1/2/2015. Công trình mang phong cách kiến trúc nhà của cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Đây là nơi thờ tự dòng họ Hồ, trong đó có thờ các vua Hồ Quý Ly, vua Quang Trung (Hồ Thơm). Điểm đặc biệt của công trình này là dàn cột 126 cây gỗ quý có đường kính 38cm, dài 7,5m, nền được lát hoàn toàn bằng đá lấy từ Campuchia.

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí của du khách, khu du lịch còn có khu khách sạn với 10 phòng nghỉ đầy đủ tiện nghi, phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của du khách. Ngoài ra, nếu du khách có cảm hứng với “thú vui về gỗ quý” thì tại Khu du lịch Đọt Champa có khu trưng bày sản phẩm làm từ các loại gỗ quý như gõ, giáng hương…

Du lịch về nguồn

Huyện Dầu Tiếng là một trong những địa phương có truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cũng là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng. Dầu Tiếng còn biết đến là địa phương có nhiều di tích lịch sử cách mạng như Di tích máy bay rải thảm bom B52 của Mỹ ném bom đầu tiên ở Việt Nam, Khu di tích lịch sử rừng Kiến An, Khu di tích cách mạng Vườn Trầu - nơi thành lập Tiểu đoàn Phú Lợi, Sở chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Nằm trên địa bàn xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, rừng Kiến An là khu rừng lịch sử trải rộng với diện tích 245 ha. Rừng Kiến An đã được chọn làm căn cứ cách mạng từ thời Pháp thuộc. Khi đó, Pháp phân loại khu rừng này là rừng cấm 124, giáp với rừng cấm 123 ở An Tây, Bến Cát. Với địa hình thuận lợi là một khu rừng già, nằm giữa 2 con sông Sài Gòn và Thị Tính, rừng Kiến An trở thành vị trí đắc địa, có tầm quan trọng, có ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự trên cửa ngõ phía tây bắc Sài Gòn. Cùng với các vùng căn cứ kháng chiến ở Bến Cát, nơi đây đã trở thành căn cứ của cách mạng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, là cái nôi của Chiến khu Bắc Bến Cát. Căn cứ cách mạng rừng Kiến An đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích cách mạng cấp tỉnh tại Quyết định 3875/QĐ-UB, ngày 2-6-2004.

Di tích Sở chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh nằm ở ấp 1, xã Minh Tân (trước là xã Minh Thạnh). Đây là di tích tiêu biểu, phản ánh sự lãnh đạo, chỉ huy đúng đắn, trực tiếp và sáng tạo của Trung ương Cục, Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh chiến dịch. Di tích này là một cơ quan tạm thời (trong khoảng thời gian từ 26/4 đến 30/4/1975). Năm 1987, đại tướng Văn Tiến Dũng cùng một số đồng chí cán bộ miền về thăm và xác định vị trí trên cơ sở những dấu tích còn lại. Di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia ngày 11/5/2010.

Sở dĩ gọi là Di tích Sở chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Mình là vì Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh được thành lập ở căn cứ quân giải phóng miền Nam Việt Nam tại ấp Tà Thiết Krom, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, Sông Bé. Sau cuộc họp ngày 25/3/1975 của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, theo sự phân công của Bộ Chính trị, cùng ngày đồng chí Lê Đức Thọ vào Lộc Ninh để cùng các đồng chí Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

Linh thiêng núi Cậu

Theo người dân địa phương, địa danh núi Cậu bắt nguồn từ việc núi này nối liền với dãy núi Bà ở Tây Ninh, nhưng vì thấp và nhỏ hơn núi Bà nên được gọi là “núi Cậu”. Quần thể núi Cậu gồm 21 ngọn lớn nhỏ, cao nhất là núi Cửa Ông cao 295m so với mực nước biển.

Đến đây, đầu tiên du khách thường viếng chùa Thái Sơn nằm ở ngay chân núi. Trước đây, núi Cậu chỉ có một am nhỏ trên đỉnh núi, đường đi còn khó khăn, đến năm 1988 hòa thượng Thích Đạt Phẩm mới đứng ra xây dựng lại. Chùa có khuôn viên trên 5ha, gồm các công trình đậm chất kiến trúc phương Đông như cổng Tam Quan, Cửu Trùng Đại Tháp cao 36m, tượng Nam Hải Quán Thế Âm Bồ Tát, chính điện, điện Ngọc.

Phía sau chính điện chùa Thái Sơn có một con đường dẫn lên đỉnh núi với cả ngàn bậc tam cấp bằng đá xanh, đường quanh co nhưng khá dễ đi. Hai bên đường là rừng cây mọc chen chúc với núi đá rũ bóng râm mát nên khách có thể tìm chỗ dừng lại nghỉ chân khi thấm mệt. Đến đây, mọi người có thể thấy lòng nhẹ nhõm hơn, gác lại mọi sân si, phiền muộn.

Sau khi tham quan xong núi Cậu, du khách có thể vào suối Trúc phía dưới để tham quan. Tùy vào mùa mưa hay nắng mà suối Trúc có nước chảy hay chỉ còn trơ đá với đá, nhưng mùa nào cảnh sắc nơi đây đều hoang sơ và rất đẹp./.

Nguồn: baobinhduong.vn

Cùng chuyên mục