Hoạt động của ngành

Hà Giang: Xây dựng mô hình liên kết phát triển du lịch cộng đồng các huyện phía Tây

Cập nhật: 01/08/2019 09:06:43
Số lần đọc: 903
Du lịch cộng đồng (DLCĐ) đã trở nên quen thuộc ở nhiều địa phương trong cả nước và đang khẳng định vai trò đối với việc bảo tồn các giá trị thiên nhiên, văn hóa, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhằm phát huy vai trò của DLCĐ, tỉnh ta đã xây dựng Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình liên kết trong phát triển DLCĐ nhằm nâng cao thu nhập cho các hộ dân tại các huyện phía Tây”.

Hiện nay, Hà Giang có 33 làng văn hóa DLCĐ được xây dựng gắn với bản sắc văn hóa của từng dân tộc, như: Tày, Dao, Mông, Lô Lô, Giấy... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hoạt động của nhiều điểm DLCĐ vẫn mang tính tự phát, chưa mang lại hiệu quả thực sự cho người dân và chính quyền địa phương. Điều này xuất phát từ việc một số mô hình DLCĐ được xây dựng, song chưa có sự gắn kết giữa các bên liên quan để đảm bảo tính ổn định, bền vững. Trong điều kiện du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc nghiên cứu và xây dựng mô hình liên kết phát triển DLCĐ tại các huyện phía Tây của tỉnh là cần thiết…

Mục tiêu của đề tài nhằm nâng cao thu nhập cho người dân các huyện phía Tây của tỉnh, được triển khai từ năm 2018 - 2019. Đề tài thực hiện 5 nội dung, gồm: Nghiên cứu các mô hình liên kết DLCĐ đã được thực hiện trên thế giới và trong nước để đánh giá kết quả, từ đó làm cơ sở xây dựng mô hình liên kết phù hợp tại Hà Giang; nghiên cứu thực trạng và tiềm năng phát triển DLCĐ tại các huyện phía Tây của tỉnh, giai đoạn từ 2012 – 2017, xây dựng mô hình sản phẩm du lịch dự kiến; nghiên cứu, đưa ra giải pháp phát triển DLCĐ bền vững tại các huyện phía Tây; xây dựng mô hình liên kết phát triển DLCĐ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, triển khai thí điểm tại xã Hồ Thầu; xây dựng chiến lược phát triển DLCĐ tại xã Hồ Thầu đến năm 2030.

2 huyện phía Tây của tỉnh gồm Hoàng Su Phì và Xín Mần là vùng đất có sự hấp dẫn đặc biệt về cảnh quan, con người với cộng đồng các dân tộc giàu bản sắc văn hóa truyền thống; có 2 đỉnh Tây Côn Lĩnh và Chiêu Lầu Thi cao trên 2.400 m, có di tích Quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, có các lễ hội mang đậm giá trị truyền thống, có nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương, đặc biệt là những rừng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi… Mảnh đất Hồ Thầu, nơi có đỉnh Chiêu Lầu Thi huyền thoại, cảnh quan thiên nhiên cực kỳ hấp dẫn, thích hợp phát triển DLCĐ, du lịch sinh thái. Đề tài nghiên cứu thành công, triển khai vào thực tiễn, sẽ góp phần nâng cao thu nhập, trình độ dân trí cho người dân khi tham gia cung ứng các dịch vụ du lịch như lưu trú, ăn uống, mua sắm sản phẩm địa phương, hướng dẫn viên du lịch, tham gia tổ chức lễ hội, sự kiện tại địa phương…

Việc xây dựng được mô hình liên kết mẫu tại Hồ Thầu sẽ làm cơ sở nhân rộng trên toàn tỉnh; tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương thông qua việc bán các sản phẩm và dịch vụ du lịch; tăng cường quảng bá hình ảnh địa phương, giúp người dân trân trọng, bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa; giúp khai thác các nguồn tài nguyên một cách có ý thức, khoa học; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Hiện nay, các đơn vị phối hợp, như: Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các phòng chức năng của huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần đang tích cực triển khai đề tài. Đây là hoạt động thiết thực, góp phần thực hiện Chương trình phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI./.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục