Tin tức - Sự kiện

Chuyển đổi số thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững du lịch Việt Nam

Cập nhật: 11/09/2022 17:28:36
Số lần đọc: 786
(TITC) - Chiều 9/9, trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế ITE HCMC, Sở Du lịch TP. HCM và Tạp chí Wanderlust Tips tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số trong du lịch với chủ đề “5 xu hướng chuyển đổi số cho doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong năm 2023 và những cơ hội mới cho ngành du lịch từ Metaverse”.
Khách mời trong phiên trao đổi tại Hội thảo Chuyển đổi số trong du lịch (Ảnh: TITC)
 
Hội thảo được tổ chức nhằm mang đến những thông tin hữu ích giúp doanh nghiệp và các cá nhân hiểu rõ về Metaverse, ảnh hưởng của Metaverse lên nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng qua những phân tích và góc nhìn chuyên sâu của các chuyên gia về các xu hướng chuyển đổi số hay những cơ hội mà Metaverse mang đến cho doanh nghiệp.
 
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Trương Hiền Hoà, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, chuyển đổi số là tất yếu đối với mọi ngành nghề để thích ứng tốt hơn và phát triển bền vững hơn trong thời đại công nghiệp 4.0. Du lịch cũng không phải ngoại lệ, chủ đề chuyển đổi số trong ngành hậu Covid-19 là vấn đề cấp thiết và thu hút sự quan tâm rất lớn. 
 
Ông Hoà cho biết thêm, nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong ngành du lịch và trải nghiệm của khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu, Sở Du lịch trong thời gian qua đã triển khai mạnh mẽ Đề án Du lịch thông minh cũng như các nội dung về ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý. Các ứng dụng công nghệ nổi bật có thể kể tới Ứng dụng phần mềm du lịch thông minh trên nền tảng điện thoại di động thông minh; Vận hành các trang thông tin trên mạng xã hội Facebook, Instagram, Youtube; Triển khai Ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch; Cập nhật tài nguyên du lịch trên nền tảng Google Earth và Google Map;...
 
Với việc áp dụng chuyển đổi số trong ngành du lịch, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh tin rằng, ngành du lịch sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch tiếp cận gần hơn với du khách trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng phục vụ khách trong ngành du lịch.
 
Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa và Giám đốc điều hành tạp chí Wanderlust Tips tặng hoa các vị khách mời tham gia phiên trao đổi (Ảnh: TITC)
 
Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, chuyển đổi số trong ngành du lịch là hết sức cần thiết và cấp bách để đáp ứng nhu cầu đang thay đổi và cách đưa ra quyết định của du khách trong việc đi du lịch trong bối cảnh mới. Trí tuệ nhân tạo AI hay Chabot không còn xa lạ với việc xác định xu hướng của thị trường du lịch, giúp việc tương tác giữa các doanh nghiệp lữ hành với du khách hiệu quả hơn. Trong khi đó, việc vận dụng Internet vạn vật (Internet of Things) trong ngành du lịch đang dần phổ biến, hỗ trợ doanh nghiệp biết được nhu cầu, thói quen du lịch, tăng khả năng bán sản phẩm, đồng thời giúp khách hàng tiết kiệm thời gian tìm kiếm và thực hiện các thao tác mua sản phẩm mà họ muốn.
 
 
 
Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: TITC)
 
Nói về xu hướng chuyển đổi số sẽ phổ biến trong ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới, ông Alex Phạm, Nhà sáng lập Realbox3 cho biết, những ứng dụng trên điện thoại di động thông minh cho phép khách hàng khai thác thông tin, hình ảnh, dịch vụ, thực hiện lên kế hoạch cho toàn bộ chuyến đi từ đặt vé, phòng khách sạn, thông tin về địa điểm tham quan, chọn hướng dẫn viên sẽ dần chiếm ưu thế. Nhà sáng lập Realbox3 nói thêm, sau đại dịch Covid-19, trào lưu Metaverse (vũ trụ ảo), là sự kết hợp của “thực tế ảo hoàn toàn nhập vai” với “Môi trường cộng tác ảo” cùng sự hỗ trợ của kính VR sẽ là cơ hội lớn cho ngành du lịch, từ việc đặt chuyến cho đến mua các sản phẩm thực tế ảo bằng công nghệ Blockchain (NFT).
 
Một số hãng bay trên thế giới cũng đã và đang áp dụng công nghệ này khá thành công, giúp hành khách có trải nghiệm thực tế ảo. Metaverse cũng giúp ích cho việc quảng bá các địa danh lịch sử và trở thành mô hình kinh doanh mới cho du lịch. Các bảo tàng, di tích lịch sử, tòa nhà cổ cũng đang được khuyến khích áp dụng Metaverse để thu hút du khách và là xu hướng hợp thời. Ngoài ra, FiVR hiện đã và đang được triển khai trong du lịch cho mục đích lập kế hoạch, quản lý, tiếp thị, giới thiệu thông tin, bảo tồn di sản, v.v. Triển vọng trong tương lai gần, loại hình du lịch Metaverse sẽ phát triển rộng khắp.
 
Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT