Tin tức - Sự kiện

Quảng bá và thu hút khách du lịch ASEAN

Cập nhật: 09/06/2008 14:06:45
Số lần đọc: 1869
Thúc đẩy "công nghiệp không khói", một nguồn thu quan trọng, được nhiều nền kinh tế, các tổ chức khu vực coi trọng. "Một điểm đến chung" là mục tiêu phát triển du lịch ASEAN thông qua đầu năm nay.

Một điểm đến chung

 

Các biện pháp ưu tiên gồm sử dụng một logo du lịch ASEAN trên máy bay của các nước thành viên; lập các trung tâm khuyến khích du lịch ASEAN tại một số thành phố lớn ở Ðông Á - Nam Thái Bình Dương như Thượng Hải, Seoul, Sydney... giúp các nước quảng bá văn hóa, du lịch.

 

Thực hiện Chiến lược hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê Công (ACMECS), 5 nước tham gia ACMECS xúc tiến nhiều chương trình hợp tác du lịch. Cam-pu-chia và Thái-lan ký thỏa thuận cho phép khách du lịch nước ngoài thăm hai nước này với cùng một thị thực.

 

Hội nghị cấp cao về hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) họp cuối tháng 3 tại Viêng Chăn đánh dấu bước tiến mới của các nước trên con đường hội nhập, đưa Tiểu vùng Mê Công thật sự trở thành khu vực phát triển kinh tế.

 

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, tiềm năng phát triển của GMS tiếp tục lôi cuốn các nhà đầu tư và giới công nghiệp; khuyến khích các dự án kết nối cơ sở hạ tầng, làm mạng đường bộ mới như Hành lang Kinh tế Ðông - Tây (dài 1.600 km nối liền Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam); mở rộng hệ thống đường thủy, đường không, đường sắt, "xa lộ viễn thông" tạo thuận lợi hơn cho giao lưu kinh tế, văn hóa, du lịch... trong và ngoài khu vực.

 

Ba nước uống chung nguồn nước Mêkông (Việt Nam, Lào và Campuchia) đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy hợp tác du lịch, văn hóa và thể thao. Cuối tháng 3, Việt Nam và Campuchia thỏa thuận thực hiện một số bước cụ thể cùng thu hút khách du lịch: Lập Ủy ban Quy hoạch du lịch ba nước; Campuchia tham gia Diễn đàn Du lịch quốc tế do Việt Nam tổ chức vào đầu năm 2009.

 

Tại Hội chợ Du lịch cùng thời gian trên có một gian hàng chung của ba nước mang tên "Ba quốc gia một điểm đến". Campuchia tham gia Lễ hội Văn hóa Mêkông - Nhật Bản tại Việt Nam, có Ðoàn Nghệ thuật dự Festival Huế 2008.

 

Hai nước bổ sung hoạt động thể thao giao hữu vào Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia trong tháng 9 tới; đẩy mạnh hợp tác đào tạo du lịch. Việc Campuchia thông đoạn quốc lộ 7 dài 186 km qua hai tỉnh Krache và Stung Treng nối quốc lộ 13 của Lào trong hệ thống đường xuyên Á góp phần đưa vùng Ðông - Bắc thành "trụ cột kinh tế" thứ tư của nước này và thúc đẩy du lịch khu vực.

 

Tạo cầu nối hiệu quả

 

Nhiều nước châu Á chú trọng biện pháp này trong phát triển du lịch. Lào tăng đầu tư mở rộng giao lưu với nhiều nền kinh tế; nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch; bảo vệ tốt các danh thắng; khai thác hiệu quả cây cầu Hữu nghị thứ hai qua Mêkông; cải tiến thủ tục hải quan. Năm 2007 được coi là Năm thành công của du lịch Lào, với 1,4 triệu khách quốc tế thăm, dự kiến năm nay số khách thăm xứ hoa Champa tăng 30%.

 

Trung Quốc khánh thành cầu vượt biển 32km, được coi là dài nhất thế giới, vắt ngang vịnh Hàng Châu (có sáu làn đường hai chiều cho phép ô-tô chạy 100 km/giờ) để hỗ trợ tam giác phát triển Thượng Hải - Hàng Châu - Ninh Ba và vùng châu thổ sông Trường Giang với hơn 72 triệu dân. Việc đưa cầu vào sử dụng cùng kế hoạch xây dựng tại tỉnh Tứ Xuyên "Trung tâm vận chuyển container đường sắt lớn nhất châu Á" với công suất bốc dỡ 2,2 - 2,5 triệu container/ năm tăng sức hấp dẫn của chủ nhà Olympic 2008 đối với cộng đồng đầu tư và du khách quốc tế.

 

Nhật Bản, phát động "Chiến dịch du lịch Nhật Bản", xúc tiến chương trình quảng cáo nhằm 12 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều người thăm đất nước Mặt trời mọc, đặt mục tiêu năm nay đón 9,5 triệu khách (năm 2007 đón 8,3 triệu), năm 2010 đón 10 triệu khách. Theo đó, phụ nữ Hàn Quốc độ tuổi 20-30 được cập nhật thông tin về các trung tâm mua sắm, nhà hàng nổi tiếng; giới thượng lưu Thượng Hải và Bắc Kinh được giới thiệu các "tour" phù hợp; người Anh mê thể thao trượt tuyết sẽ nhận thông tin rõ ràng về các chuyến trượt tuyết ở Hokkaido...

 

Hàn Quốc, từ ngày 21/4 tăng diện cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần cho công dân từ 3 nước (Trung Quốc, Nga và Ấn Ðộ) lên 26 (trong đó có Việt Nam), hy vọng đón 7 triệu khách quốc tế (năm 2007 đón 6,5 triệu khách) và giúp doanh nghiệp xứ sông Hàn thiết lập cơ sở làm ăn tại các nước giàu khoáng sản.

 

Campuchia, dự kiến năm nay số khách thăm tăng 20-25% (năm 2007 đón hơn 2 triệu khách, thu 1,4 tỷ USD), năm 2010 đón 3,2 triệu khách quốc tế. Nước này mở nhiều tuyến đường bộ tới các điểm du lịch, nâng cấp các sân bay quốc tế, tăng chuyến, mở đường bay thẳng đi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Bắc Âu nhằm khai thác các thị trường khách du lịch đầy tiềm năng.

 

Thăm châu Âu, khách du lịch chú ý LB Nga, trong con mắt các tập đoàn đa quốc gia là "miền đất hứa". Ðài KBS (Hàn Quốc) nhận xét Nga là một trong những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất thế giới. Quốc gia rộng lớn này được coi là cánh cửa đến Ðông Âu và toàn bộ "lục địa già".

 

Nga và CHDCND Triều Tiên đang hiện đại hóa đường sắt Najin - Hassan; Nga và Hàn Quốc nâng cấp đường sắt 54 km Vladivostok - cảng Najin kết nối tuyến xuyên Siberia. Ðường sắt đó sẽ rút ngắn thời gian lưu thông Hàn Quốc - châu Âu từ 40 ngày còn 17 ngày, góp phần phát triển kinh tế, du lịch Á-Âu. Gia nhập WTO, thị trường Nga 150 triệu dân chào đón toàn thế giới.

 

Du ngoạn ở Tây bán cầu, không thể không đặt chân tới Cuba, nơi du lịch là nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai với hơn 2 tỷ USD/năm. Ngày 29/4, Cuba đón vị khách nước ngoài thứ 1 triệu kể từ đầu năm.

 

Bộ Du lịch khẳng định, Hòn đảo Tự do với những cải cách cởi mở, nền văn hóa đậm chất Mỹ Latin, những danh thắng có một không hai, hạ tầng du lịch hiện đại, đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất ở Mỹ Latin và Caribe. Với mức tăng 15% trong quý 1 so với cùng kỳ năm ngoái, năm nay Cuba sẽ đạt kế hoạch đón 2,5 triệu khách quốc tế, là năm thứ 5 liên tiếp vượt ngưỡng 2 triệu khách du lịch nước ngoài thăm trong một năm.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT