Hoạt động của ngành

Trà Vinh - Thành phố xanh

Cập nhật: 02/06/2010 15:41:38
Số lần đọc: 4951
Trà Vinh đã nổi tiếng là một thị xã xinh đẹp, nên thơ với nhiều con đường xanh ngắt bóng cây cổ thụ. Những con đường lớn nhỏ của phố thị trầm mặc yên tĩnh với hai hàng sao, dầu rợp bóng.

Người Trà Vinh hiền hòa, chăm chỉ và tốt bụng. Đất Trà Vinh có ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa chung sống hòa đồng. Từ sinh hoạt, ăn mặc, giải trí... cho đến tôn giáo, tín ngưỡng... tính dân tộc, tính cộng đồng, đã có quá trình cộng cư hòa quyện sâu xa với nhau tạo nên một Trà Vinh đầy ấn tượng. Trà Vinh với đền thờ Bác Hồ đã trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia, một công trình của ngàn vạn trái tim người dân Trà Vinh thương nhớ Bác. Vào mỗi dịp lễ, Tết, rất nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh thường đến đây thắp hương tưởng niệm Người. Nhiều ngôi chùa Khmer cổ kính nằm trang nghiêm lặng lẽ giữa những rừng cây dầu, cây sao hàng trăm năm tuổi. Rồi những ngôi chùa Ông của người Hoa, hàng trăm ngôi chùa Phật của người Kinh, nhiều ngôi giáo đường thâm nghiêm mang kiến trúc phương Tây...

Trà Vinh lên thành phố nhưng vẫn là một đô thị nhỏ. Nơi đây có những con đường giống như chỉ dành cho người đi bộ. Một ngôi chợ khang trang sạch đẹp trên một diện tích khá rộng cho các tiểu thương mua bán và hơn mười chợ nhỏ đáp ứng nhu cầu của hơn 100.000 dân trong thành phố, cộng với khu mua sắm mới “nở nồi” theo sự phát triển của đô thị và lượng khách đến. Một khu chợ đêm mới hình thành từ sau Tết 2010 đã khiến bộ mặt về đêm của thành phố nhỏ này thêm phần khởi sắc cộng với vẻ đẹp về đêm với nhiều hệ thống đèn hoa giăng mắc. Đi giữa lòng thành phố Trà Vinh buổi tối, ta như lạc vào một miền hư hư, thực thực, giống như một bức tranh với những sắc màu kỳ ảo.

Những món ăn của Trà Vinh cũng mang đậm nét đặc trưng của ba dân tộc: hủ tiếu mì, hoành thánh, bánh bao, xíu mại của người Hoa, lúc nào cũng có trong các quán ăn vỉa hè hay trong các hiệu ăn nổi tiếng. Các món phở, bún riêu, bún bò, bún suông, cháo lòng, cháo gà, bánh cống, chả giò, bánh cuốn... đặc biệt là nem nướng đã đưa Trà Vinh vào tốp những địa phương dẫn đầu ĐBSCL các món ăn ngon. Hơn mười năm trở lại đây, Trà Vinh lại nổi lên thương hiệu “Bánh canh Bến Có” mà danh tiếng đã vang xa đến các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM. Còn một món ăn mà nếu không kể đến sẽ là sai sót rất lớn là món bún nước lèo của người Khmer. Các tỉnh trong khu vực có người Khmer sinh sống đều có món bún nước lèo đặc trưng. Bún nước lèo Trà Vinh từ lâu đã là niềm tự hào của những người Trà Vinh khi thiết đãi bạn bè phương xa. Bún nước lèo bán ở khắp nơi trong thành phố từ các gánh bình dân ở vỉa hè hay tiệm ăn, nhà hàng, khách sạn.

Trở thành thành phố, Trà Vinh sẽ có dịp vươn mình đón khách du lịch trong và ngoài nước. Ao Bà Om (hay còn gọi là Ao Vuông) cách thành phố 7km, nằm dọc theo quốc lộ 53, diện tích khoảng 10ha. Mặt nước ao trong và phẳng lặng, xung quanh là gò cát cao rợp bóng cây cổ thụ sao, dầu, rễ cây trơ trên mặt đất tạo thành nhiều hình thù rất đẹp. Không khí mát mẻ quanh năm thu hút du khách trong vùng. Người Khmer cũng như người kinh ở Trà Vinh có nhiều câu chuyện lý thú về nguồn gốc Ao Bà Om. Một bãi tắm Ba Động hoang sơ ru hồn du khách. Danh từ Ba Động được người dân địa phương suy diễn: Trước kia vùng này có 3 đụn cát lớn nằm sát bên bờ biển trông như ba hòn núi. Có lẽ như thế mà người ta đặt tên cho vùng này và gọi trại ra là Ba Động. Lâu nay, du khách đến Ba Động tham quan ngắm cảnh, tắm biển đã từng ca tụng:

“Biển Ba Động nước xanh cát trắng
Ao Bà Om thắng cảnh miền Tây
Xin mời quý khách về đây
Tham quan sẽ rõ chốn này thần tiên”

So với các bãi biển khác, Ba Động không thua kém về cảnh sắc thiên nhiên. Vào những ngày trời xanh, xa xa du khách thấy màu nước biển cũng trong xanh dệt nên một đường cong tiếp giáp với màu xanh chân trời thành khung cảnh nên thơ, hùng vĩ. Đến Ba Động, ngoài việc tắm biển và nghỉ dưỡng, du khách còn có thể mua sắm những sản vật địa phương như cốm dẹp, tôm khô Vĩnh Kim, rượu Xuân Thạnh, bánh tét Trà Cuôn và món mứt bần đặc sản.

Hàng trăm ngôi chùa Khmer với nét đặc thù dân tộc, nổi bật nhất là chùa Hang cách thành phố Trà Vinh 5km, có tuổi đời trên 300 năm. Người ta gọi là chùa Hang bởi vì cổng chùa được xây dựng giống như cái hang. Chùa tọa lạc trên 10ha đất được bao bọc bởi những cây cổ thụ dầu, sao... xưa nơi đây là một vùng hoang vắng, có một cây đa rất to bên cạnh bến đò. Dân quanh vùng đóng góp xây dựng nên ngôi chùa và gọi là chùa Cây Đa. Những mùa xuân năm 1968, chùa bị ném bom tàn phá. Sau đó, chùa được xây dựng khang trang như ngày nay và là một ngôi chùa lớn có nét kiến trúc đặc sắc của nền văn hóa Khmer ở Trà Vinh. Một điều hấp dẫn ở đây mà trong hầu hết ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh không có đó là những đàn chim đông đúc, đông nhất là họ nhà cò và bồ câu. Sự tĩnh mịch của cảnh chùa cùng với tiếng chim ríu rít như bản nhạc độc nhất vô nhị của vùng đất hiếu khách này. Khu du lịch sinh thái ở cù lao Tân Quy với những vườn trái cây bạt ngàn... sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách. Trà Vinh còn vươn mình kịp bước anh em với công trình nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, kênh đào Quan Chánh Bố giúp tàu trọng tải lớn vào cảng Cần Thơ mà không phải qua khâu trung chuyển, khu công nghiệp Long Đức cũng hòa mình vào nhịp bước đi lên của tỉnh, đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước về đánh thức tiềm năng của một tỉnh nghèo đang trên đà phát triển. Trà Vinh - thành phố xanh - một điểm đến không thể thiếu nếu có dịp đến thăm ĐBSCL.

Nguồn: website báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục