Hoạt động của ngành

Tiềm năng du lịch văn hóa - lịch sử ở Yên Sơn (Tuyên Quang)

Cập nhật: 01/06/2010 08:06:53
Số lần đọc: 2140
Bên cạnh lợi thế là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh như: Hồ Ngòi Là (Chân Sơn), núi Là (Lang Quán), suối khoáng Mỹ Lâm (Phú Lâm)… Yên Sơn có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác và phát triển du lịch văn hoá - lịch sử.

Những nét văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc: Kinh, Tày, Dao, Mông, La Chí, Sán Dìu, Tống, Cao Lan... là một trong những điểm mạnh để huyện khai thác tiềm năng, thế mạnh phục vụ du lịch. Trong đó, nét sinh hoạt văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Cao Lan nơi đây đã được nhiều du khách biết đến. Người Cao Lan ở Yên Sơn có nhiều truyện cổ được ghi chép bằng chữ Hán, hoặc truyền miệng; có khá nhiều điệu múa như: Múa chim gâu, múa xúc tép, múa cờ, múa khai đèn… Nhạc cụ có đủ bát âm, gồm: Trống, chiêng, chuông, chập xeng, thanh la, kèn tổ sâu, sáo, nhị. Vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, tại xã Kim Phú lại diễn ra lễ hội đình Giếng Tanh, lễ hội đình Minh Cầm của người Cao Lan (hội thường kéo dài 1-2 ngày). Trong lễ hội, mọi người tham gia các trò chơi dân gian như: Đánh đu, đi cà kheo, múa hát… Trong lễ hội, bên cạnh các trò chơi như kéo co, đẩy gậy, ném còn thì không thể thiếu làn điệu Sình ca. Vừa qua Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang đã có đề án nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng lễ hội đình Minh Cầm theo đúng nguyên bản làm cơ sở khoa học đề nghị công nhận lễ hội là di sản văn hoá phi vật thể. Cùng với đó, trong năm nay, Sở Khoa học và Công nghệ cùng với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiến hành nghiên cứu các nét văn hoá truyền thống vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc Cao Lan, qua đó sẽ đề ra những hướng bảo tồn, phát huy những giá trị độc đáo để không chỉ phục vụ công tác bảo tồn, gìn giữ văn hoá dân tộc mà qua đó có hướng cụ thể để phục vụ du lịch văn hoá tại địa phương nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Cùng với tiềm năng du lịch văn hoá, tại 7 xã khu ATK Yên Sơn hiện có 64 di tích lịch sử văn hoá, trong đó xã Kim Quan có 16 di tích. Nơi đây, Bác Hồ và các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ đã ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Lán ở, làm việc và hầm an toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Khuôn Điển, được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tại thôn Khuôn Điển còn có các di tích: Hầm an toàn của Trung ương Đảng, hầm an toàn của Chính phủ, văn phòng làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh. Ngoài ra, Yên Sơn còn có khu di tích lịch sử Làng Ngòi, Đá Bàn của Chính phủ cách mạng Lào, cây đa Bác Hồ ở xã Mỹ Bằng...

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục